Ký ức căn cứ Nước Trong
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH
Căn cứ Nước Trong, Chi khu quân sự Long Thành, Tổng kho Long Bình, Thành Tuy Hạ… (Đồng Nai), những địa danh đã đi vào lịch sử gắn liền với một thời lửa đạn chiến tranh, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt trước ngày toàn thắng. Vùng đất lửa ấy giờ đã vươn mình đổi khác. Thế nhưng, trong ký ức của các nhân chứng lịch sử, căn cứ Nước Trong 40 năm trước là ổ đề kháng vô cùng nguy hiểm, án ngữ hướng đông nam Sài Gòn, gây cho ta những tổn thất không nhỏ trước khi giành thắng lợi cuối cùng.
Cựu chiến binh Đặng Đức Phu (bên phải) đang cùng đồng đội ôn lại những kỷ niệm một thời lửa đạn. |
Trận đánh ác liệt ở cửa ngõ đông nam
Quốc lộ 51 rộng thênh thang nối liền TP Hồ Chí Minh với hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Con đường ấy mới được hoàn thành chừng hai năm trước với lưu lượng giao thông đông đúc. Trong những năm chiến tranh, đây là Quốc lộ 15 nối Biên Hòa với Vũng Tàu, ngang qua căn cứ Nước Trong. Một chiều đầu tháng Tư, trên con đường thênh thang ấy, những cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) trở về Long Thành thăm lại chiến trường xưa. Đứng trên cầu Nước Trong, Đại úy, CCB, thương binh Đặng Đức Phu, 68 tuổi, Phó chủ tịch Hội CCB phường Hố Nai, TP Biên Hòa, nguyên Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 1-đơn vị trực tiếp chiến đấu giải phóng căn cứ Nước Trong, bồi hồi xúc động. Nhìn về hướng Khu công nghiệp Long Đức-Long Thành, ông Phu hồi tưởng:
– Trước ngày giải phóng, nơi đây là cụm căn cứ quân sự của địch, gồm: Trường thiết giáp, trường bộ binh và trung tâm huấn luyện biệt kích. Chúng bố trí công sự liên hoàn, vững chắc; xung quanh có hào sâu và các bãi mìn chống tăng, lại được sự chi viện hỏa lực của Chi khu quân sự Long Thành và trận địa pháo phía bắc sông Buông nên sức kháng cự càng thêm quyết liệt. Bởi vậy, trận đánh căn cứ Nước Trong diễn ra căng thẳng, ác liệt nhất ở cửa ngõ đông nam Sài Gòn. Chính tại nơi đây, đại đội tôi đã hy sinh 18 đồng chí và nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương. Trước đó, 85 tay súng trong đại đội hành quân từ Quảng Trị vào chiến đấu giải phóng Đà Nẵng, truy kích địch trên đường cơ động vẫn không ai bị thương. Chúng tôi đang đề nghị các cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh căn cứ Nước Trong, nhưng vẫn chưa thực hiện được vì không có quỹ đất…
Theo chân các CCB, chúng tôi tới gần vị trí những mục tiêu trọng yếu của địch ngày trước. Tại đó, một đơn vị của Lữ đoàn 96 (Binh chủng Pháo binh) đang miệt mài luyện tập. Tiếng khẩu lệnh chỉ huy bắn vang lên dồn dập, đanh gọn trên thao trường rực nắng. Tôi chợt nghĩ, không biết những chàng lính trẻ kia có hiểu được rằng, dưới mỗi lớp đất, gốc cây xanh tốt nơi họ đang đứng đã từng nhuốm máu của thế hệ cha ông thuở trước. Ngược dòng lịch sử, CCB Đặng Đức Phu đưa chúng tôi trở về với trận đánh cách đây vừa đúng 40 năm:
– Để chuẩn bị cho chiến dịch cuối cùng, nằm trong đội hình của Sư đoàn 304, Trung đoàn 9 cơ động về đóng quân tại đồn điền cao su ông Quế (nay là Nông trường Cao su ông Quế thuộc Tổng công ty Cao su Đồng Nai), cách Sài Gòn khoảng 60km. Đêm 25-4-1975, chúng tôi bắt đầu hành quân theo Đường 15B đến gần căn cứ Nước Trong chiếm lĩnh trận địa, đào công sự suốt đêm và nằm đợi lệnh cả ngày hôm sau. Ðúng 17 giờ ngày 26-4, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, pháo binh toàn mặt trận đồng loạt bắn phá cấp tập vào các mục tiêu đã xác định… Theo kế hoạch, Trung đoàn 9 đánh chiếm Trường Thiết giáp, Trung đoàn 24 đánh chiếm Trường Bộ binh. Đại đội tôi được giao nhiệm vụ thọc sâu, phối hợp cùng đơn vị bạn đánh chiếm mục tiêu Trường Thiết giáp, nhưng trước hết phải tiến công tiêu diệt cho được lực lượng địch bảo vệ vòng ngoài, phá tung các lớp rào, mở cửa đột phá vào phía trong căn cứ. Trận đánh diễn ra quyết liệt, địch chống trả điên cuồng, sư đoàn phải đưa pháo 85mm lên sát hàng rào kết hợp với xe tăng của Lữ đoàn 203 tiêu diệt từng lô cốt, ổ đề kháng của địch. Sau gần hai giờ nổ súng tiến công mãnh liệt, chúng tôi đã làm chủ mục tiêu. Nhưng một bộ phận lực lượng quan trọng của địch ở căn cứ Nước Trong rút ra rừng cao su, co cụm chống trả. Chúng gọi pháo binh chi viện, bắn trùm vào Trường Thiết giáp, hòng tiêu diệt lực lượng ta, đồng thời điều quân từ phía sau lên phản kích, ngăn chặn các mũi tiến công trên hướng Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 9. Sư đoàn tức tốc đưa pháo 85mm cơ động lên đông bắc ngã ba Đường 15 (nay là ngã ba Thái Lan), bố trí trận địa bắn chi viện cho bộ binh chiến đấu.
Chiến sự ở khu vực căn cứ Nước Trong tiếp tục diễn ra ác liệt trong ngày 27-4. Địch đã điều hai thiết đoàn phối hợp phản kích hòng chiếm lại Trường Thiết giáp khiến cuộc chiến càng thêm khốc liệt. Nhiều chiến sĩ của các đơn vị đã anh dũng hy sinh. Cùng với Trung đoàn 24 và các lực lượng của sư đoàn, Trung đoàn 9 chuyển sang đánh chặn, giành giật với địch từng khu vực, từng lô cao su, bẻ gãy các đợt phản kích của chúng, đẩy lùi quân địch ra hướng Đường 15. Quân ta làm chủ hoàn toàn căn cứ Nước Trong, cơ động tiến ra ngã ba Thái Lan. Tuy nhiên, địch ở Biên Hòa, Tổng kho Long Bình ngăn chặn dữ dội ở khu vực dốc 47, cầu sông Buông. Trung đoàn 9 được lệnh tổ chức mũi đột kích mạnh, có xe tăng, pháo binh yểm trợ chọc thẳng vào tuyến phòng thủ của địch; đồng thời Trung đoàn 24 nhanh chóng đánh từ phía sau vào mục tiêu địch, không cho chúng co cụm hoặc rút về hướng Long Bình. Chiều 28-4, Trung đoàn 9 và Trung đoàn 24 đã đánh bại quân địch, giải phóng toàn bộ căn cứ Nước Trong và khu vực ngã ba Thái Lan, mở đường cho các mũi thọc sâu của quân đoàn tiến về Sài Gòn trong chiến dịch tiến công tổng lực… Cuối trận đánh đó, Chính trị viên Đặng Đức Phu bị thương phải rời đơn vị…
Thời tiết hôm nay oi ả. Cái nóng từ đường nhựa phả lên hừng hực. Lau những giọt mồ hôi rịn ra trên trán, CCB Đặng Đức Phu nhớ lại:
– Nắng nóng không khác gì 40 năm trước. Khi về giải phóng căn cứ Nước Trong, mỗi người chỉ có một bình tông nước, dùng trong mấy ngày trời. Địch ở mặt đất, địch trên không chống trả, ngăn chặn, giằng co quyết liệt khiến không khí chiến trường càng thêm ngột ngạt. Mãi đến ngày 28-4, Trung đoàn 9 buộc phải điều một đại đội bí mật đánh địch mở đường ra sông Buông lấy nước tiếp tế cho bộ đội. Cứ nghĩ đến ngày giải phóng là chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, quên đi tất cả, với ý chí quyết tâm sôi sục và mong ước sớm hòa bình, thống nhất…
Khát vọng cháy bỏng ấy của những người lính Cụ Hồ đã thành hiện thực chỉ sau đó ít ngày.
Đất lửa vươn mình
Sau ngày toàn thắng, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 9 tình nguyện ở lại tiếp quản và bám trụ xây dựng tỉnh Đồng Nai thành quê hương mới. Họ định cư ở Long Thành, Biên Hòa, Trảng Bom, Xuân Lộc… Mỗi người một công việc, một cuộc sống khác nhau nhưng nghĩa tình đồng đội vẫn gắn bó, thân thương, chia sẻ ngọt bùi. 40 năm qua, các CCB của Sư đoàn 304 nói chung, của Trung đoàn 9 nói riêng đang từng ngày, từng giờ đóng góp sức mình xây dựng quê hương, làm hồi sinh những vùng đất chết. Đất lửa Long Thành hôm nay đang vươn mình trỗi dậy. Chính tại căn cứ Nước Trong thuở trước, giờ mọc lên một khu công nghiệp sầm uất, bên ngoài là những vườn dừa trĩu quả. Trung tâm Huấn luyện biệt kích đã được Lữ đoàn 96 và Công ty Đông Hải (Quân khu 7) tận dụng, cải tạo làm thao trường luyện tập của bộ đội và sân sản xuất, phơi hàng. Vị trí Trường Bộ binh của địch đã trở thành đại bản doanh của thầy và trò Trường Đại học Nguyễn Huệ. Nếu không phải là những người đã từng chứng kiến sự tàn phá của bom đạn chiến tranh, hẳn sẽ không thể hình dung được sự “thay da đổi thịt” đến ngỡ ngàng của vùng đất lửa này. Ngay cả cái tên Nước Trong cũng dần chìm vào quên lãng, chỉ còn lại trên bản đồ và trong trí nhớ của những CCB bước ra từ khói lửa chiến tranh. Tất cả đã phủ một màu xanh yên bình và hiện hữu một trung tâm công nghiệp trên đà phát triển. Bà Nguyễn Thị Phương Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết:
– Những năm gần đây, huyện tiếp tục chú trọng quy hoạch đồng bộ, phát triển tổng thể cơ cấu kinh tế, văn hóa, xã hội… Chúng tôi cũng phối hợp với các địa phương trong và ngoài tỉnh thực hiện chương trình hợp tác phát triển ngành thương mại, dịch vụ trên địa bàn, quan tâm đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, chợ đêm, phát triển giáo dục-đào tạo, y tế, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính và các loại hình bảo hiểm phục vụ nhu cầu đa dạng cho mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ các CCB ổn định đời sống và cũng nhiều chủ trương chúng tôi phải tranh thủ sự ủng hộ của Hội CCB thông qua việc tuyên truyền, gương mẫu thực hiện trước của các chú, các anh.
Vùng đất lửa năm xưa giờ thành khu công nghiệp quy mô, sầm uất. |
Với địa thế thuận lợi, vừa gần cảng biển vừa có đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam chạy qua (cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây) tạo cho Long Thành những cơ hội phát triển kinh tế, giao thương… Ấy là chưa kể Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được xây dựng sẽ mang lại nhiều thuận lợi hơn nữa. Huyện Long Thành đang phấn đấu đến cuối năm 2015, toàn bộ 13 xã trong huyện sẽ đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành huyện thứ ba của tỉnh hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, mục tiêu không còn hộ gia đình CCB nghèo được quan tâm đặc biệt…
40 năm sạch bóng quân thù, giờ đây, những địa danh gắn liền với bom đạn, chết chóc thuở nào đã lành vết thương chiến tranh, đang từng ngày đơm hoa, kết trái. Một cuộc sống yên bình, tươi đẹp, hạnh phúc, ấm no đã hình thành từ chính mảnh đất hoang tàn, đổ nát, xóa đi dấu vết của cụm quân sự khét tiếng một thời-căn cứ Nước Trong.