Vận dụng sáng tạo cách đánh trong Chiến dịch Plei-me Đại tá, TS NGUYỄN THÀNH HỮU Khi ta chuẩn bị Chiến dịch Plei-me, Mỹ đang xây dựng sân bay, căn cứ đóng quân và vận chuyển hàng ngàn tấn vật chất lên Tây Nguyên. Điều đó cho thấy, quân Mỹ đã chuẩn bị bước vào tham chiến ở Tây Nguyên. Như vậy, nếu ta mở chiến dịch thì ngoài lực lượng Quân đội Sài Gòn, đối tượng tác chiến mới của chiến dịch là quân Mỹ. Vận dụng sáng tạo các kinh nghiệm chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp để nghiên cứu quân đội Mỹ và tìm ra cách đánh thích hợp, vận dụng chiến thuật phục kích, tập kích, vận động tiến công đánh gần, đánh đêm, để đối phó với kẻ địch mạnh hơn ta về vũ khí trang bị kỹ thuật là biện pháp tích cực của ta lúc này. Vừa đánh vừa tìm hiểu, cứ đánh khắc tìm ra cách đánh. Theo hướng đó, chúng ta đã khắc phục được những khó khăn mà chiến dịch phải vượt qua. Ta đã dựa vào sự hiểu biết các quy luật hoạt động của quân đội Pháp trước đây để dự báo quy luật hoạt động của quân đội Mỹ sắp đến. Cơ sở khoa học của vấn đề là Pháp và Mỹ đều là những đội quân xâm lược, đều chịu sự tác động của nghệ thuật quân sự của ta, của đất nước và con người Việt Nam và do vậy giữa chúng có mối liên hệ tương đồng.
Cách giải quyết tiếp theo là phải vừa đánh vừa tìm hiểu chúng. Trước chiến dịch, ta có dự báo địch sẽ dùng không quân đánh phá ác liệt, do đó ta hết sức coi trọng “đối không”. Song dự báo đó mới giới hạn trong phạm vi hỏa lực không quân cường kích của Mỹ, chứ chưa hình dung hết uy lực của trực thăng vũ trang của sư đoàn kỵ binh bay Mỹ, mỗi đại đội có 21 khẩu đại liên đặt trên trực thăng và nhiều dàn rốc két. Đặc biệt, ta chưa hình dung được trong chiến dịch, chúng sẽ dùng máy bay chiến lược B-52 chi viện chiến thuật cho quân ở mặt đất. Hoặc về pháo binh, ta dự đoán ở vùng rừng núi cách xa các căn cứ hỏa lực và đường giao thông chính sẽ hạn chế được hỏa lực pháo mặt đất. Nhưng ta chưa hình dung nổi chúng có thể câu pháo đến bất cứ nơi nào để bảo đảm cho mỗi tiểu đoàn bộ binh có từ 2 trận địa pháo trở lên, chi viện chiến đấu với mật độ hỏa lực 6.000 viên đạn pháo cối/ngày. Với mật độ hỏa lực phi pháo như vậy, chúng có khả năng làm thay đổi địa hình khu vực tác chiến một cách nhanh chóng. Hoặc về khả năng cơ động, ta chưa hình dung được với số trực thăng nhiều như vậy chúng có thể thực hành chiến thuật nhảy cóc khắp nơi, kể cả những vùng nằm sâu trong hậu phương ta, có thể cơ động từng lữ đoàn đến khu giao chiến trong thời gian ngắn, làm thay đổi nhanh chóng so sánh lực lượng có lợi cho chúng và do vậy có thể làm đảo lộn tình thế bất lợi cho ta. Song bên cạnh những điểm mạnh đó của địch, qua chiến đấu, ta đã phát hiện những điểm yếu rất cơ bản của quân Mỹ là sợ đánh gần, đánh đêm, thiếu sự chi viện đắc lực của pháo binh và không quân thì tinh thần rất dễ hoang mang, dao động, đội hình dễ hỗn loạn. Dựa vào những kinh nghiệm tích lũy được qua 9 năm chống Pháp và những năm đánh địch ở Tây Nguyên, ta đã dự báo được quy luật hoạt động chiến dịch cơ bản của quân đội Mỹ, đó là hành động “phản đột kích chiến dịch”. Ta tiến công thì địch phải phản công để đánh trả. Trong phạm vi chiến dịch, ta tiến công thì địch phải phản đột kích, ứng cứu một cách rất tích cực bằng đổ bộ trực thăng vào sâu hậu phương ta. Lịch sử chiến tranh chống Pháp đã khẳng định hành động phản kích của địch là một hiện tượng có tính quy luật và lúc này những kinh nghiệm lịch sử chống Pháp có thể giải đáp những điều ta chưa hiểu rõ về quân Mỹ, giúp ta tìm cách đánh Mỹ. Do vậy, điều dễ dàng nhận thấy là nghệ thuật tổ chức chuẩn bị và thực hành Chiến dịch Plei-me đã vận dụng sáng tạo kinh nghiệm từ các chiến dịch thời kỳ chống Pháp, đặc biệt là Chiến dịch Biên giới Thu-Đông năm 1950. Chiến dịch Plei-me là sự kế thừa và phát triển sáng tạo nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong hoàn cảnh mới. Trên cơ sở những dự báo ban đầu về địch, trong quá trình diễn biến chiến dịch, ta đã tổ chức nắm địch, phát hiện kịp thời chỗ mạnh, chỗ yếu của chúng để tìm ra cách đánh đúng, có biện pháp hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch như: Phát động phong trào bắn máy bay trực thăng, đánh gần, đánh đêm… Tư tưởng chỉ đạo nghệ thuật Chiến dịch Plei-me là lấy tiêu diệt địch ngoài công sự làm chính. Cách đánh chiến dịch là vây điểm hoặc đánh điểm để diệt viện, tạo phản ứng dây chuyền kéo quân Mỹ ra phản đột kích vào thế trận ta đã chuẩn bị sẵn để tiếp tục tiêu diệt chúng ở ngoài công sự. Chiến dịch xác định cả hai trận then chốt đều nhằm tiêu diệt địch ngoài công sự, trong đó trận tiêu diệt quân Mỹ là trận then chốt quyết định. |