Chủ động giam chân, phân tán chủ lực địch
Đại tá TRẦN TIẾN HOẠT
Chấp hành chủ trương tác chiến chiến lược của Tổng Quân ủy trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đầu tháng 12-1953, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Liên khu 5 quyết định tập trung các Trung đoàn chủ lực 108, 803 và Trung đoàn 120 bộ đội địa phương, cùng một số tiểu đoàn, đại đội trực thuộc Liên khu, Tỉnh đội, mở chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên, nhằm thu hút, giam chân, tiêu diệt một bộ phận sinh lực, giải phóng vùng Kon Tum, phá kế hoạch đánh chiếm vùng tự do Trung Trung Bộ của địch, tích cực phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ.
Căn cứ hình thái bố phòng trên địa bàn Bắc Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung của địch, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định phân chia lực lượng làm hai hướng hoạt động. Hướng chủ yếu Bắc tỉnh Kon Tum, ta bố trí hai Trung đoàn chủ lực 108, 803, các tiểu đoàn độc lập, phân đội đặc công, pháo mặt đất, súng phòng không 12,7mm, công binh… có nhiệm vụ đánh chiếm các cứ điểm Măng Đen, Măng Bút, Công Brây, phá vỡ hệ thống phòng thủ Đắc Tô, Đắc Lây, tiến tới vây ép thị xã Kon Tum kéo địch ở đồng bằng lên ứng cứu để tiêu diệt. Hướng thứ yếu Đường 19-An Khê (Gia Lai), do Trung đoàn 120 địa phương và lực lượng tăng cường đảm nhiệm, tiến công tiêu diệt các cứ điểm dọc Đường 19 (đoạn An Khê-Mang Giang), chia cắt giao thông, kìm chân địch tạo điều kiện cho hướng chủ yếu phát triển.
Bộ Chỉ huy chiến dịch Liên khu 5 họp thảo luận kế hoạch Bắc Tây Nguyên, năm 1954. Ảnh tư liệu. |
Theo kế hoạch chiến dịch, đêm 26-1-1954 (khi Bộ chỉ huy Pháp ở chiến trường Trung Trung Bộ đang huy động 25 tiểu đoàn các loại mở cuộc hành quân Át-lăng (Atlant) đánh phá vùng tự do của ta ở tỉnh Phú Yên, Bộ chỉ huy chiến dịch bắt đầu cho bộ đội trên hướng thứ yếu tác chiến trước. Với tinh thần thi đua “giết giặc lập công, mở rộng vùng giải phóng”, bộ đội Trung đoàn 120 và các đơn vị phối thuộc, lần lượt đánh chiếm 6 cứ điểm dọc Đường 19-An Khê (trong đó có ba cứ điểm Kà Tung, Kà Tu, Búp Bê có vị trí chiến thuật khá lợi hại). Được chiến thắng của Trung đoàn 120 cổ vũ, đêm 27 rạng sáng 28-1-1954, hai Trung đoàn 108, 803 và các lực lượng tăng cường trên hướng chủ yếu đồng loạt tiến công nhanh chóng làm chủ hai cứ điểm Măng Bút, Công Brây. Riêng trận công kiên cứ điểm kiên cố Măng Đen, bộ đội Trung đoàn 108 phải đột phá liên tục, quyết liệt trong 8 giờ mới san phẳng được.
Tranh thủ thời cơ, khi địch trong tiểu khu Kon Tum hoang mang dao động không dám cho quân ra phản kích, trong khi đó hàng chục tiểu đoàn cơ động của chúng đang bị giam chân ở Phú Yên, đêm 28-1-1954, Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho Trung đoàn 108 tiến công tuyến phòng thủ Đắc Tô, Đắc Lây; Trung đoàn 803 áp sát uy hiếp thị xã Kon Tum và cho một bộ phận luồn sâu xuống phía nam cắt Đường 14 (Plei-cu – Kon Tum). Trung đoàn 120 phát triển lên hướng đèo Mang Giang tiến công hệ thống phòng thủ của địch ở khu vực ngã ba Đường 19.
Để cứu nguy cho đồng bọn đang bị vây ép tại thị xã Kon Tum, ngày 1-2-1954, Bộ chỉ huy địch cơ động cấp tốc bằng đường không Binh đoàn GM100 và hai tiểu đoàn dù từ Phú Yên lên Bắc Tây Nguyên nhằm mở cuộc hành quân giải tỏa. Sáng 2-2, một bộ phận đi đầu của GM100 (khoảng hai đại đội) hành quân theo Đường 5 đến gần Công Brây, hòng chiếm lại Măng Bút, Măng Đen, thì bất ngờ bị một tiểu đoàn của Trung đoàn 803 phục kích đánh thiệt hại nặng, buộc đội hình phía sau phải quay lại co cụm tại tỉnh lỵ Kon Tum.
Bị quân ta khống chế chặt hai trục Đường 14 ở phía nam và Đường 5 ở phía đông, quân địch trong thị xã Kon Tum hoàn toàn ở vào thế cô lập. Biết không thể cho quân chiếm lại được các khu vực đã mất, phần lớn địch trong thị xã Kon Tum bí mật xuyên rừng chạy về Plei-cu co cụm hòng đối phó với cuộc tiến công của ta. Ngày 5-2-1954, sau khi giải phóng thị xã Kon Tum, quân ta lập tức chuyển sang truy kích địch. Dọc đường phát triển, ta diệt hai vị trí Đắc Pớt, Đắc Đoa. Tiếp đó, bộ đội hai Trung đoàn 108, 803 bao vây, tập kích thị xã Plei-cu và Biển Hồ, diệt và phá hủy nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, góp phần cùng các mặt trận khác buộc chúng phải ngừng cuộc hành binh Át-lăng, tiếp tục đưa 6 tiểu đoàn bộ binh và dù lên ứng cứu cho Tây Nguyên, đẩy địch lún sâu hơn nữa vào thế phân tán chủ lực.
Chiến dịch Bắc Tây Nguyên (từ 26-1 đến 17-2-1954) giành thắng lợi không chỉ có ý nghĩa lần đầu tiên quân ta giải phóng được một vùng rộng lớn, góp phần quyết định đánh bại ý đồ chiến lược “chủ động đánh trước” bằng cuộc hành binh Át-lăng của Na-va, mà còn nói lên bước phát triển mới về nghệ thuật chọn hướng tiến công đúng, chỉ đạo cách đánh điểm, vây điểm, diệt viện linh hoạt sáng tạo giữa chiến trường chính (Tây Nguyên) với đồng bằng duyên hải (Phú Yên). Rõ ràng đòn tiến công mạnh, đồng loạt, đập tan hệ thống phòng thủ “nhạy cảm” trên Đường 5 nối liền với Quảng Ngãi, chớp thời cơ bao vây đột phá giải phóng thị xã Kon Tum, tiến tới truy kích tiêu diệt nhiều cứ điểm ngoại vi thị xã Plei-cu và Đường 19 (Tây An Khê), buộc địch phải điều động lực lượng từ Phú Yên lên đối phó là một thành công xuất sắc trong chỉ đạo, điều hành chiến dịch của ta. Thắng lợi của Chiến dịch Bắc Tây Nguyên còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho chiến trường chính Bắc Bộ tiến hành Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.