“Đánh điểm, diệt viện” trong tác chiến chiến dịch
Đại tá, TS NGUYỄN THÀNH HỮU
Chiến dịch tiến công Hòa Bình diễn ra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, sông Đà và Đường số 6, được phối hợp chặt chẽ với “chiến trường sau lưng địch” ở Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ và là một hướng tiến công quan trọng của cuộc Tiến công chiến lược Đông Xuân 1951-1952 của quân và dân ta.
Chiến dịch Hòa Bình là chiến dịch đầu tiên quân đội ta tiến công vào quân địch phòng ngự tập đoàn cứ điểm. Trong Chiến dịch tiến công Hòa Bình, ta chủ trương vận dụng phương châm tác chiến chiến dịch “đánh điểm, diệt viện”. Lúc này, chủ lực của ta chưa đủ điều kiện và khả năng tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch. Ta chủ trương và đủ khả năng đánh một số điểm để khêu ngòi, tạo điều kiện tiêu diệt quân viện là chủ yếu. “Đánh điểm” chỉ là thứ yếu, nên không đánh tất cả các cụm cứ điểm, các cứ điểm trong hệ thống tập đoàn cứ điểm địch, mà chỉ đánh một số cứ điểm, tạo điều kiện buộc địch phải tiếp viện. “Đánh điểm” gồm tiến công diệt gọn cứ điểm, cụm cứ điểm địch, cũng có thể là vây hãm, bức hàng, bức rút cứ điểm, cụm cứ điểm địch.
Bộ đội Pháo binh tiến công địch trên sông Đà trong Chiến dịch Hòa Bình (1951-1952) |
Trong Chiến dịch Biên giới Thu-Đông 1950, theo phương châm “đánh điểm, diệt viện”, ta đã tiến công tiêu diệt gọn cụm cứ điểm Đông Khê, buộc Binh đoàn Lơ-pa-giơ phải lên ứng cứu và đón Binh đoàn Sác-tông rút chạy khỏi thị xã Cao Bằng. Do đó, trận Đông Khê đã tạo điều kiện cho trận tiêu diệt quân viện gồm cả hai Binh đoàn Lơ-pa-giơ và Sác-tông ở Cốc Xá và 477. Trận Đông Khê là trận then chốt mở màn chiến dịch; trận Cốc Xá-477 là trận then chốt quyết định của chiến dịch. Lúc đó chủ lực của ta phải cố gắng lớn mới tiêu diệt gọn được cụm cứ điểm Đông Khê. Tất nhiên, ta chưa có khả năng tiêu diệt quân địch phòng ngự trong thị xã Cao Bằng hoặc thị trấn Thất Khê. Việc vận dụng phương châm tác chiến chiến dịch “đánh điểm, diệt viện” trong Chiến dịch tiến công Biên giới đã đạt hiệu quả rất cao.
Trong ba chiến dịch tiến công tiếp theo chiến dịch Biên giới 1950 là các chiến dịch: Trần Hưng Đạo, Đường số 18, Quang Trung, ta cũng vận dụng phương châm tác chiến chiến dịch “đánh điểm, diệt viện”, nhưng hiệu quả không được như Chiến dịch Biên giới. Tuy lực lượng chủ lực của ta trong ba chiến dịch sau mạnh hơn trong Chiến dịch Biên giới, song do ta chọn hướng mở chiến dịch ở trung du và đồng bằng, là nơi lúc này địch còn phát huy được chỗ mạnh là cơ động và hỏa lực, còn chủ lực ta lại không phát huy được sở trường, nên hiệu quả tác chiến chưa bằng Chiến dịch Biên giới.
Trong Chiến dịch tiến công Hòa Bình, điều kiện địa hình, tình hình địch-ta khác nhiều các chiến dịch trên. Thực tiễn diễn ra trong Chiến dịch Hòa Bình có những trận đánh điểm giành thắng lợi giòn giã như trận tập kích cao điểm 400, 600, diệt trận địa pháo địch trong thị xã Hòa Bình. Nhưng nhiều trận đánh điểm, ta gặp khó khăn, có trận dứt điểm nhưng ta thương vong cao như trận Tu Vũ; có trận không dứt điểm lại thương vong lớn như trận Pheo, Hàm Voi, Đầm Dương; có những trận chủ trương đánh rồi lại hoãn như các trận: Chẹ, Đá Chông…
Các trận đánh tiến công cứ điểm, cụm cứ điểm của địch, ta sử dụng đến cấp trung đoàn, song chưa có sự liên kết chặt chẽ trong thế trận của chiến dịch. Các trận đánh viện cũng đã diễn ra trên hai địa bàn dọc sông Đà và trên các trục đường bộ. Trong Chiến dịch Hòa Bình, không hiếm trường hợp địch viện cả đường thủy, đường bộ và đường không. Ta đánh viện trên sông Đà có kết quả tốt, tiêu diệt được lực lượng địch và cắt đứt được đường tiếp tế viện đường thủy của địch. Đối với việc đánh địch viện bằng đường không, ta chưa có hỏa lực pháo phòng không mạnh nên ít kết quả. Đánh địch đường bộ, ta có nhiều khả năng hơn cả, vì đây chính là phương thức viện chủ yếu của địch trong Chiến dịch Hòa Bình. Có trận ta đánh viện tốt như trận Gốc Bộp của Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312), nhưng ta cũng bị tổn thất lớn. Địch viện nhiều và lực lượng viện từng binh đoàn; viện từ trung du, đồng bằng lên Hòa Bình và ngược lại. Nhưng ta đã bỏ lỡ nhiều thời cơ đánh viện, nhất là không tiêu diệt lớn khi quân địch rút chạy trên Đường số 6. Khi địch rút lui, ta không thực hiện được yêu cầu đề ra là tiêu diệt bộ phận cuối vì lực lượng chủ yếu của chiến dịch bố trí trên khu vực trọng điểm không chốt chặn được, nên không xuất kích kịp mà chỉ dùng hỏa lực tiêu hao.
Việc đánh địch viện trong Chiến dịch Hòa Bình cũng có nét mới phức tạp và khó khăn hơn đánh địch viện trong Chiến dịch Biên giới, vì địch viện đường bộ ở Hòa Bình trong thế liên hoàn của tập đoàn cứ điểm, nên phát huy được ưu thế cả về hỏa lực và xung lực cơ động trên địa hình trống trải sát liền với các căn cứ hậu phương của chúng.
Từ thực tiễn tác chiến trong Chiến dịch tiến công Hòa Bình, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh phương châm “đánh điểm, diệt viện” trong điều kiện khác nhau, nhất là trong tác chiến tương lai.