Nghĩa tình đồng đội và vai trò “nhân chứng lịch sử”
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam (15-7-1950 / 15-7-2015), phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Anh Liên, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam về việc nhân lên nghĩa tình đồng đội và phát huy vai trò “nhân chứng lịch sử” của TNXP.
Phóng viên (PV): Thời gian qua, Hội Cựu TNXP đã nỗ lực phát huy vai trò “nhân chứng lịch sử” của TNXP như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Anh Liên: Trong những năm qua, hơn nửa triệu cựu TNXP các thế hệ luôn nêu cao vai trò “nhân chứng lịch sử”, không ngừng phát huy phẩm chất của TNXP-Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn cách mạng mới, nêu gương sáng trong cuộc sống theo lời Bác Hồ dạy, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Nguyễn Anh Liên. Ảnh: DUY THÀNH |
Hội Cựu TNXP Việt Nam đã nỗ lực làm tốt vai trò “nhân chứng lịch sử”, phát huy trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát, điều tra, nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách đối với TNXP và giải quyết tồn đọng chính sách. Kết quả đã giải quyết chế độ chính sách cho hơn 28 vạn cựu TNXP, trong đó có hơn 4.290 liệt sĩ, 23.400 thương binh, 3.050 người bị nhiễm chất độc hóa học, giải quyết trợ cấp một lần cho 107.400 cựu TNXP đang sống và 17.512 đồng chí đã qua đời; trợ cấp hằng tháng cho 6.550 cựu TNXP gặp hoàn cảnh khó khăn, sống cô đơn không nơi nương tựa.
Các tổ chức hội còn tổ chức hàng trăm chuyến đi về lại chiến trường xưa, về với đại ngàn Trường Sơn, các tỉnh trên địa bàn Quân khu 5, Nam Bộ và chiến trường Cam-pu-chia, Lào… tìm kiếm cất bốc gần 1.000 hài cốt liệt sĩ TNXP đưa về các nghĩa trang. Vai trò “nhân chứng lịch sử” của hội còn giúp Đảng, Nhà nước sưu tầm, xác nhận để phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động cho 36 tập thể và 33 cá nhân TNXP có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các thời kỳ kháng chiến.
Trước khi Hội Cựu TNXP Việt Nam được thành lập, các cơ quan làm chính sách và các cơ quan chủ quản của TNXP trong các thời kỳ kháng chiến chỉ thống kê, tổng hợp được 20 vạn cựu TNXP, hầu hết không đủ cơ sở để xem xét giải quyết chính sách. Từ khi hội ra đời và đi vào hoạt động đến nay, bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn điều tra, khảo sát…, đã thống kê được hơn 50 vạn cựu TNXP các thế hệ, các thời kỳ trong đó có 42 vạn cựu TNXP được đưa vào diện tổng rà soát người có công với cách mạng theo Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 27-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Đại đội 25 TNXP cùng phương tiện cơ giới mở Đường 20 Quyết thắng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu |
PV: Các cựu TNXP trở về cuộc sống đời thường gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi hội được thành lập, tinh thần nghĩa tình đồng đội giúp nhau vươn lên trong cuộc sống được phát huy như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Anh Liên: Kể từ khi Hội Cựu TNXP Việt Nam được thành lập (cuối năm 2004), hoạt động nghĩa tình đồng đội-“uống nước nhớ nguồn” luôn được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, mang lại kết quả vật chất to lớn và có ý nghĩa chính trị-xã hội nhân văn sâu sắc. Nổi bật là phong trào hỗ trợ nhau vươn lên làm kinh tế để thoát nghèo và khẩu hiệu “Khó giúp, ốm thăm, chết viếng, thọ mừng”. Các hoạt động của Hội đồng nữ cựu TNXP như: “Bơ gạo ân tình”, “Gói quà ấm lòng đồng đội”; các chương trình “Xuân ấm tình yêu thương”, “Dấu ấn tuổi xuân”, “Vang mãi bài ca cô gái mở đường”… đã tranh thủ được sự quan tâm, giúp đỡ của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội.
Các hoạt động nghĩa tình đồng đội trong nhiệm kỳ 2009-2014 đạt tổng trị giá hơn 3.000 tỷ đồng, trợ giúp cho hơn 10 nghìn gia đình cựu TNXP vươn lên thoát nghèo, xóa nhà dột nát; xây tặng 3.000 nhà tình nghĩa, tặng 25.000 sổ tiết kiệm (bình quân 3 triệu đồng/sổ), trợ giúp cho 2 vạn cháu nghèo được đến trường học, 3 vạn cháu có việc làm và hỗ trợ cho hơn 8.000 nữ cựu TNXP vượt lên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
PV: Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các cựu TNXP tiếp tục phát huy tinh thần xung phong như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Anh Liên: Truyền thống tốt đẹp của TNXP năm xưa vẫn được các cựu TNXP hôm nay gìn giữ và phát huy tích cực. Biểu hiện cụ thể là các tổ chức hội đã tuyên truyền, vận động đông đảo cán bộ, hội viên cựu TNXP khắp các vùng, miền… nỗ lực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực tham gia các công tác xã hội ở địa phương, gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đấu tranh phòng, chống các hành vi tiêu cực, tệ nạn xã hội, âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh… Đã có hàng vạn cán bộ, hội viên cựu TNXP trở thành điển hình tiên tiến, hàng trăm tập thể và cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng, được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc và bằng khen.
Hội Cựu TNXP ra đời và đi vào hoạt động được hơn 2 nhiệm kỳ; tổ chức hội được xây dựng, phát triển vững mạnh, hoạt động có chiều sâu và được Chính phủ công nhận là tổ chức hội đặc thù, được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam biểu dương là tổ chức thành viên tích cực của Mặt trận… Kết quả các mặt hoạt động của hội đã thu hút hàng chục vạn cựu TNXP cùng với hàng triệu con cháu, người thân phát huy truyền thống anh hùng của lực lượng TNXP, nêu gương sáng trong cuộc sống theo lời Bác Hồ dạy, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và cùng các tổ chức chính trị-xã hội động viên, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
DUY THÀNH (thực hiện)