Ngày 18-12-1972, Ních-xơn ra lệnh tiến hành cuộc tập kích bằng không quân chiến lược của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng mang mật danh “cuộc hành quân Lai-nơ-bếch-cơ II”. Chúng đã huy động 193 máy bay B.52, 999 máy bay chiến thuật và lập ra Bộ chỉ huy lâm thời để điều hành cuộc tập kích. 19 giờ 40 phút, Mỹ bắt đầu ném bom vào Hà Nội, đây là trận mở đầu chiến dịch với 90 lần chiếc B.52 và 135 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh liên tiếp ba đợt vào các sân bay xung quanh Hà Nội. Trong 9 phút của trận mở đầu đêm 18-12, ta đã bắn rơi 3 chiếc B.52, có 2 chiếc rơi tại chỗ. Trận mở đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng, củng cố ý chí, niềm tin, tạo đà những thắng lợi vang dội tiếp theo. Thắng lợi của trận mở đầu trong chiến dịch phòng không tháng 12 năm 1972, thể hiện nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng tạo và chủ động từ sớm của Đảng, Bác Hồ, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu mà trực tiếp là Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (PK- KQ).
![]() |
Thông qua phương án đánh máy bay B.52 của Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân tại Hà Nội, tháng 12-1972. Ảnh tư liệu |
Có thể thấy, ngay từ năm 1962, khi về thăm Binh chủng Phòng không, Bác Hồ đã nói với đồng chí Tư lệnh Phùng Thế Tài: “B.52 bay cao hơn 10km mà trong tay chú chỉ có cao xạ thôi. Ngay từ bây giờ chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến máy bay B.52”. Đến tháng 4-1966, khi Mỹ dùng máy bay B.52 lần đầu tiên ném bom ở đèo Mụ Giạ, Quảng Bình, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng PK-KQ, nghiên cứu cách đánh B.52. Theo chỉ thị của Bác và Bộ Tổng tư lệnh, Bộ tư lệnh, Bộ Tham mưu Quân chủng đã tích cực sưu tầm tài liệu về B.52 và tổ chức một số cán bộ quân báo, đem theo phương tiện trinh sát kỹ thuật hiện đại, vào khu vực Quảng Bình – Vĩnh Linh, nơi có B.52 đang hoạt động, để nghiên cứu trên thực địa và qua màn hình của ra-đa, đặc điểm, thủ đoạn hoạt động của máy bay B.52, nhất là thủ đoạn gây nhiễu điện tử, từ đó chuẩn bị các tài liệu huấn luyện cách đánh B.52.
Đến tháng 4-1972, khi Mỹ tiếp tục cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã nhận định rõ tính chất leo thang phá hoại của chúng. Xác định Hà Nội sẽ là mục tiêu bắn phá cuối cùng để hòng gây sức ép với ta trên chiến trường miền Nam và trên bàn đàm phán trong Hội nghị Pa-ri, rồi có thất bại thì chúng mới chịu thất bại. Chính từ những nhận định chiến lược đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng PK-KQ đã chủ động triển khai thế trận, phương án, cách đánh B.52. Đầu tháng 9-1972, kế hoạch chiến dịch phòng không đánh bại cuộc tập kích bằng máy bay B.52 của địch vào Hà Nội, Hải Phòng đã được xây dựng khá hoàn chỉnh. Tháng 11-1972, sau khi ký thông qua kế hoạch, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng ra lệnh: “Phải hoàn thành nhiệm vụ công tác chuẩn bị trước ngày 3-12-1972”. Đồng chí còn dặn thêm: “Trước ngày Ních-xơn nhậm chức, Mỹ có thể mở đợt tập kích bằng không quân chiến lược ra Hà Nội, Hải Phòng, các đồng chí phải nắm địch thật chắc. Tuyệt đối không để bị bất ngờ… phải tập trung mọi khả năng nhằm đúng đối tượng B.52 mà tiêu diệt”.
Trong giai đoạn này, cùng với xây dựng kế hoạch, Quân chủng PK-KQ gấp rút tổ chức điều chỉnh lại thế trận, tổ chức đội hình, xây dựng lực lượng phòng không ba thứ quân, kế hoạch phòng không nhân dân và huấn luyện cách đánh của từng binh chủng, nhằm phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, sẵn sàng đối phó thắng lợi với âm mưu và thủ đoạn của địch. Đối với các khu vực triển khai tác chiến như Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, khu công nghiệp phụ cận, hệ thống trận địa được xây dựng có đủ khả năng triển khai lực lượng và tổ chức công tác phòng không nhân dân, tránh tổn thất khi địch mở cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52. Công tác chuẩn bị chiến trường được tiến hành khẩn trương, chu đáo, toàn diện, ta xây dựng hàng chục trận địa mới cho tên lửa và pháo phòng không theo phương án tác chiến mới. Nhiều trận địa có ý nghĩa chiến thuật cũng được xây dựng ngay trên đường phố…
Quá trình chuẩn bị, ta đã chú trọng tạo lập thế trận, kết hợp được giữa chiến thuật với kỹ thuật, bố trí đội hình thành các khu vực bảo vệ mục tiêu vòng ngoài, vòng trong để đánh địch từ xa đến gần, trên một hướng chủ yếu, một đường bay chủ yếu. Chủ động triển khai, ổn định thế trận trước khi mở chiến dịch. Bộ đội ta luôn chủ động, sẵn sàng chiến đấu cao, tuyệt đối giữ bí mật lực lượng, phương tiện và hành động. Đến ngày 3-12-1972 (trước ngày diễn ra trận đánh mở đầu nửa tháng), Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã báo cáo quyết tâm với Bộ Tổng tham mưu: “Mọi mặt công tác chuẩn bị đánh B.52 đã xong, quyết tâm của quân chủng kiên quyết không để bị bất ngờ, bắn rơi tại chỗ máy bay địch, kể cả B.52…”.
Nhờ phán đoán đúng âm mưu, thủ đoạn đánh phá, quy luật hoạt động của địch, các lực lượng của ta đã có phương án sát thực tế chiến đấu, chuẩn bị chu đáo, giành và giữ được thế chủ động, đánh thắng ngay từ trận đầu. Bài học kinh nghiệm về sự chủ động dự báo chiến lược, tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận, thực hiện cách đánh sáng tạo trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972 có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu, vận dụng phù hợp, hiệu quả trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Nguồn : Qdnd.vn