Trước thái độ lật lọng của chính phủ Mỹ, Hội nghị Pa-ri bế tắc. Hòng giành thắng lợi cuối cùng, ngày 17-12-1972, Ních-xơn chính thức ra lệnh mở chiến dịch tiến công bằng không quân, mang tên Lai-nơ-bếch-cơ II, dùng sức mạnh của máy bay B-52, đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số trung tâm công nghiệp của miền Bắc, nhằm ép ta chấp nhận những điều kiện của Mỹ trên bàn đàm phán.
Về phía ta, chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị cho các lực lượng vũ trang tăng cường công tác chuẩn bị mọi mặt. Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) kiên quyết tập trung lực lượng bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng, không để bị bất ngờ, mục tiêu chủ yếu là máy bay B-52 và quyết bắn rơi B-52 tại chỗ. Qua 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường (từ 18 đến 30-12-1972), quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F-111. Thắng lợi của chiến dịch phòng không 12 ngày đêm buộc Ních-xơn tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc, phải ký Hiệp định Pa-ri chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi của chiến dịch khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, tài thao lược của Quân ủy Trung ương, để lại bài học về nghệ thuật chiến dịch, nổi bật là nghệ thuật đánh trận then chốt chiến dịch.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm, động viên bộ đội Pháo phòng không bảo vệ Hà Nội, tháng 12-1972. Ảnh tư liệu |
Sau trận mở đầu đêm 18 rạng sáng 19-12-1972, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ kịp thời tổ chức, chỉ đạo bộ phận lắp ráp và cung cấp đạn cho các đơn vị, tạo điều kiện đánh trận then chốt đạt hiệu quả cao. Đêm 20-12-1972, tuy thời tiết rất xấu, trời nhiều mây lại có mưa, địch sử dụng 93 lần chiếc B-52 và 151 lần chiếc máy bay chiến thuật tổ chức 3 đợt đánh vào các mục tiêu ở Hà Nội, Thái Nguyên và Hải Phòng. Về phía ta, mở đầu trận đánh cho 2 tốp Mig-21 cất cánh đánh chặn B-52 ở khu vực Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ tạo điều kiện cho tên lửa đánh, khi B-52 vào khu vực thì cũng là lúc không quân ta trở về căn cứ. Đây là một tình huống khó khăn đột xuất, phức tạp, nhưng ta bình tĩnh chủ động cho tên lửa tạm dừng đánh mấy phút, bảo đảm cho không quân ta về căn cứ hạ cánh an toàn. Sau đó, ta nghiên cứu chuẩn bị đưa không quân ra các sân bay tuyến ngoài để phát huy hỏa lực của tên lửa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho không quân bí mật tiếp cận tiêu diệt B-52. Đồng thời, ta chỉ đạo đánh tập trung, đánh liên tục, đánh đúng đối tượng chủ yếu B-52, sử dụng linh hoạt phương pháp điều khiển và chủ động chớp thời cơ do các đơn vị bắn trước tạo ra để nâng cao hiệu quả tiêu diệt B-52.
Tiểu đoàn 93 bắn 2 quả chuyển đổi phương pháp điều khiển trong quá trình và bắn bồi thêm quả thứ ba tiêu diệt 1 chiếc B-52 tại chỗ. Tiểu đoàn 77 bắn bằng phương pháp vượt nửa góc, bám sát tự động bắn rơi tại chỗ 1 chiếc B-52. Tiểu đoàn 94 bắn chéo sang tiêu diệt 1 chiếc B-52 cũng bằng bám tự động. Tiểu đoàn 57 ở Đại Đồng chớp được thời cơ các tiểu đoàn bắn trước tạo ra, đánh liên tiếp 2 trận bắn rơi 2 chiếc B-52, đặc biệt có trận chỉ sử dụng 1 quả đạn đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc B-52. Tiểu đoàn 79 kết hợp ra đa K-860 bổ trợ đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc B-52. Kết quả đêm 20-12, ta bắn rơi 7 máy bay B-52 (có 5 chiếc rơi tại chỗ), 5 máy bay chiến thuật, bắt sống nhiều giặc lái. Đây là trận đánh tiêu diệt B-52 tại chỗ nhiều nhất trong chiến dịch (7,5% số B-52 vào đánh phá). Trận đánh then chốt đêm 20-12 đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội và thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật chiến dịch phòng không, phá vỡ kế hoạch cuộc tập kích chiến lược dự kiến 3 ngày, buộc R.Ních-xơn phải kéo dài cuộc tập kích.
Sau 36 giờ tạm ngừng ném bom, địch nghiên cứu cách đánh mới, tổ chức lại lực lượng. Đêm 26-12, Mỹ huy động một lực lượng lớn gồm 105 lần chiếc máy bay B-52 và 130 lần chiếc máy bay chiến thuật chia làm 7 mũi vào đánh phá đồng thời. Hà Nội (4 mũi), Hải Phòng (2 mũi), Thái Nguyên (1 mũi) tổ chức trận đánh chặt chẽ, chính xác gần như tuyệt đối. Đúng 22 giờ 30 phút, các tốp đi đầu từng mũi đều trút bom xuống khu vực, thủ đoạn của chúng là cho EB-66 gây nhiễu cả 3 hướng, các tốp F-4 thả nhiễu tiêu cực phủ kín cả một hành lang dài từ Tây Bắc xuống Tây Nam.
Về phía ta đã chủ động chuẩn bị mọi mặt, rà xét lại phương án, điều thêm lực lượng tên lửa về Hà Nội, phổ biến kinh nghiệm đánh B-52 cho các đơn vị chưa đánh được, đặc biệt là công tác bảo đảm kỹ thuật và cung cấp đủ đạn cho các đơn vị hỏa lực. Riêng khu vực Hà Nội, ta tổ chức 13 tiểu đoàn tên lửa bố trí cả vòng trong và ngoài, đạn tên lửa cung cấp đầy đủ cho các đơn vị. Khi địch vào đến khu vực, các trung đoàn tên lửa đều tổ chức đánh tập trung, đánh đúng đối tượng B-52. Kết quả, trận then chốt quyết định đêm 26-12, ta đã bắn rơi 8 chiếc B-52 (có 4 chiếc rơi tại chỗ), bắt sống giặc lái. Những đêm tiếp sau, địch giảm dần số lượng xuất kích B-52 và mỗi đêm chỉ tổ chức được 1 đợt đánh… Bị tổn thất lớn, 7 giờ sáng 30-12-1972, Tổng thống Ních-xơn phải tuyên bố ngừng ném bom từ Vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận nối lại đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri.
Thắng lợi của chiến dịch phòng không 12 ngày đêm tháng 12-1972 để lại bài học quý về nghệ thuật đánh trận then chốt chiến dịch, bài học này vẫn còn nguyên giá trị cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển phù hợp với điều kiện mới.
Nguồn : QDND.vn