Anh hùng liệt sĩ LÊ A
Lê A ôm trái DH từ sau bờ đê vọt lên. Anh đặt xuống giữa nền đường, nguỵ trang thật nhanh rồI vừa chạy trở lại xả dây.
Sau bờ đê, Luyến, Một, Bảy Nếp nín thở theo dõi. Nơi phục kích chỉ cách đồn có hơn trăm mét. Vô phúc một ngườI thằng lính nào đi lang thang ra đây giữa lúc này là tiêu luôn công lao chuẩn bị.
Chiếc xe “Đôt” đi kiểm tra tiền đồn thường kỳ chở theo chín tên sĩ quan nguỵ, có một tên trung uý ác ôn mà A đã nhẵn mặt. Xe chúng chạy qua khi anh đang ngồI bên một gốc cây già theo dõi động tĩnh của bọn giặc trong đồn. PhảI đánh. Đánh bằng phục kích. Một kế hoạch lóe lên trong đầu và A chạy như bay về nơI trú quân của đội du kích, dựng Luyến dậy bàn bạc. Người xã đội trưởng hai mươi tuổi nổi tiếng ngang tàng, táo bạo nghe chưa dứt câu chuyện đã đồng ý ngay và quay vào lấy song đạn, gọi thêm Một, Bầy Nếp cùng A ôm mìn cắt rừng chạy như bay đến nơi phục kích.
Mười lăm phút rồi nửa tiếng phập phồng trôi qua. Lê A nằm nắm hai đầu dây, mắt dán vào cổng đồn mà ruột gan như có ai bò rang trong chảo. Hay là chúng ở lại? Hay là chúng đã nhìn thấy hành động của các anh?
Chọn thời điểm xe kiểm tra vừa đến và đặt mìn ngay trước cổng đồn là hành động đầy táo bạo và mưu trí. Thường thường, khi xe kiểm tra đến là bọn trong đồn nháo cả lên về chuyện lễ nghi tiếp đón, không còn để ý đến chuyện bên ngoài và bọn sĩ quan kiểm tra xong sẽ theo đường cũ chạy về Long Khánh bởI không còn đường nào khác. Chúng sẽ chủ quan bởI nghĩ chỉ cách đồn trăm mét có gì mà phải đề phòng.
Bây giờ chừng chín giờ sáng. Cái nắng khô hanh của mùa khô đã bắt đầu nóng dậy lên ở lưng áo. Lê A ngoảnh lại, cái môi trên khẽ nhếch lên. Luyến tưởng A cười, khẽ gắt: Cười cái con khỉ, nhìn kìa!
Cơn lốc xoáy tròn trên mặt đường, cuốn theo từng đám lá, cát. Hú hồn! Chỉ chệch chưa đầy nửa mét là cơn lốc cuốn phăng đám lá A phủ lên ngụy trang trái mìn. Một vài chiếc lá khô bay là là trên mặt đường. Lê A nhìn sang phía tay mặt. Một cũng đang ghìm súng, con mắt dòm chòng chọc vô đồn. Thằng này cũng “chì” lắm, gan cùng mình. Sau trận này phảI rủ hắn về nhà xin má một con gà làm món xé phay, nhậu một bữa cho đã. Rượu nếp của quán bà Bảy “bắt” không chê vào đâu được. Trận này là thứ bao nhiêu rồI A không còn nhớ nữa. Đội du kích do Luyến làm xã độI trưởng và A là xã đội phó của Bình Lộc rất trẻ. Lớn nhất là Luyến mới hai mươi còn sàn sàn hột gà, hột vịt mười sáu, mười bảy. Nhỏ nhất là mấy em ở bộ phận mật mười ba, mười bốn tuổi. Ngày ít nhất đội đánh bốn trận. Ngày nhiều nhất đánh đến chục trận. Bọn giặc ở Bình Lộc bị phục kích liên miên, chúng rất sợ và căm thù đội du kích. Cái đầu của đội trưởng, độI phó được chúng treo giá đến hàng chục ngàn đồng.
– Kìa! Bọn chúng! – Luyến giật chân thì thào.
Cây gậy chắn trước cổng đồn được dựng lên và chiếc xe từ từ tiến tới… Chờ cho đầu bánh trước của xe vừa chớm vào trái mìn, A vội chập hai đầu dây.
Ầm! Tiếng nổ vang dội. Mấy người nhào ra. Hai khẩu AK trên bờ đê bắn kiềm chế vào đồn. Một, hai vai khoác hai khẩu AR15 kêu tướng lên: “A ơi, tao có súng rồi, bảnh lắm!”. A nhảy qua mấy xác giặc lượm khẩu “Côn-bạt” của tên trung úy. Hắn bị văng sang phía bên kia đường, nửa người dưới nát bét: Bọn giặc trên xe chết không còn một mống.
– Rút. – Luyến khoát tay.
Bảy Nếp còn đang loay hoay tháo cái xanh-tuya- rông rất diện của tên lái xe, vội buông ra chạy sau.
Bọn giặc trong đồn kịp hoàn hồn vội bắn đổ đạn về phía cổng thì bóng những người du kích đã khuất dạng trong cánh rừng cao su sâu hun hút.
Một kéo tay A: – “Vào đây đã, vườn xoài sở Cò Mi nhiều xoài chín thơm lắm’l’ A lững thững bước theo Một. Khu vườn rộng đến năm sáu chục mẫu. Những cây xoài từ hơn chục tuổi trở lên, tán lá vun đầy như những cây nấm xanh khổng lồ chiu chít trái. Vườn trồng chủ yếu một giống xoài cát ngọt lịm. Mùi xoài chín thơm dậy lên. Một cúi xuống lượm một trái vừa chín rơi trên nền lá chuối, dùng răng lột vỏ cạp ăn ngon lành. Nhìn Một ăn, ruột xoài dính cả hai bên mép, A phì cười.
– Ăn đi chứ, cười gì – Một giục.
– Bữa nay tao không thích – A đáp.
– Thế mày thích gì? Kem chắc? – Một cười.
Nó vừa nhắc đến một kỷ niệm. Đấy là trận đánh tiệm kem Ba Thế, trận đầu tiên của cuộc đời du kích của A. Năm đó, A mới mười sáu tuổi, người ốm nhom, đen đúa. Trông anh chỉ bằng đứa trẻ mười ba, mườI bốn. Đã điều nghiên kỹ càng từ mấy hôm trước, tiệm kem Ba Thế (tức quán Ngọc Hương) là nơi bọn sĩ quan Mỹ ngụy ưa đến ăn chơi. Ngày hôm trước, A và Tiết lên nhà ông cậu của Tiết ở gần đó và lân la theo dõi tiệm kem. Đường tấn công, đường rút lui đã trù liệu sẵn. Bảy giờ tối, màn đêm Xuân Lộc sánh đặc màu càfê đen. A và Tiết, mỗi người cầm một ổ bánh mì vừa đi vừa ăn men theo đường đi đến phía sau tiệm kem Ba Thế. Lúc A và Tiết vừa chạm tay vào hai trái M 26 trong ổ bánh mì thì có một bóng người thon nhỏ dắt theo một em bé bước vô tiệm. Cô gái chừng mười sáu, mười bảy tuổi, gương mặt trái xoan trắng xanh dướI ánh đèn ne-on và khóe miệng có chiếc răng nanh mọc lẫy rất duyên. A kéo tay Tiết: “Khoan đã”. Ở trong nhà, cô gái vừa gọi hai ly kem cho mình và đứa em rồi cúi xuống xúc ăn ngon lành. “Ném bây giờ là chết dân thường vô tộI” – A nói khẽ : “Con gái ngó bộ nhà lành vô đây làm gì!”. Tiết lầu bầu. Và hai người phải đi đảo một vòng chờ cho cô gái ra khỏi tiệm kem mới liệng trái. Hai tiếng nổ “ùng” vang lên. Hơn bốn chục tên sĩ quan vừa Mỹ vừa ngụy chết và bị thương. A và Tiết chạy ra đến đầu đường thì bị cảnh sát bắt. Một ngày, một đêm bị giam trong bót, bị bọn cảnh sát hết dụ dỗ đến dọa nạt, hai người nhất quyết không nhận. Không có chứng cứ, bọn chúng phải thả hai anh.
Cô gái ấy bây giờ ở đâu? Sau trận về kể mấy người cứ trêu A bí tiếng sét ái tình nên không liệng lựu đạn sớm. Một còn gật gù quả quyết: “Đây là duyên tiền định. Nhất định sau này hai người sẽ gặp được nhau và lấy nhau cho mà xem?”. Cái thằng vừa hóm vừa xạo, cứ như trong tiểu thuyết không bằng. Mà ủa, nó đâu rồi nhỉ? A đưa mắt tìm kiếm. Một đã biến đi đâu tự bao giờ. Tìm mãi, anh mới phát hiện ra phía cuối vườn, lưng áo bà ba xanh của một cô gái đang cúi lượm trái và cái đầu nón tai bèo xanh bạc của Một.Thằng chả gớm thiệt. Thảo nào nó rủ mình vô trong này..
– Chị Bảy, kiếm cho em năm bảy chục mua thuốc hút. Đêm nay em hy sinh.
A ngồi lau khẩu AR15, vừa cười vừa nói.
– Phỉ phui cái miệng bay chuyên nói gở.
Chị phụ nữ trạc hai lăm, hai sáu tuổi vận chiếc áo bà ba xám có vá một miếng ở nơi cùi tay, đang đổ gạo vào nồi quay lại cự.
– Sức mấy, chết được tụi tui còn khuya.Tụi này có bùa trường sinh bà ơi! – Một tiếp lời.
– Còn bây nữa – Chị phụ nữ quay sang Một. Bỗng chị dừng lại nửa chừng – Mà bữa nay sao bây ốm thế. Cả thằng A nữa – Rồi như tự trả lời – Đi tối ngày, ăn uống có ra sao.
Nơi đội du kích trú quân là một khu rừng thưa, pháo dập nham nhở, cách xóm nhà dân chừng ba bốn cây số đường chim bay. Những chiếc võng mắc rải rác dưới những lùm cây rậm. Những buổi chiều, luồng khói nghi ngút từ những thân cây bị đốt cháy đổ ngổn ngang quyện vào màn sương chiều sầm sậm đem lại vẻ lãng mạn bi tráng. Ủy ban, chi bộ xã cùng đóng trong cứ, “Quân đâu thì dân đấy” mà. Xã còn có hàng chục cái cứ dự trữ. Cơ quan trong bồng. Thấy động là di chuyển rất lẹ. Bữa ăn trưa của cán bộ, du kích thường là phần cơm của bà con đi làm rẫy để dưới đáy giỏ , đáy hăng gô. Gạo cũng từ đáy giỏ, đáy hăng gô ấy. Bọn địch trong ấp kiểm soát rất gắt gao. Rẫy xa, trưa đồng bào không về mà làm thông đến chiều, bọn chúng cho phép mang cơm đi nhưng không được mang quá tiêu chuẩn của mình. Khéo giấu dưới đáy giỏ mà đi lọt thì sẽ có phần cơm của mình và phần của du kích: Còn không, đồng bào thường nhường phần cơm của mình cho du kích. Bữa trưa qua, A và Một xách súng đi ngang qua một vạt rẫy, gặp một thím trạc ngoài bốn mươi và một cô gái cỡ mười bảy, mười tám đang lúi húi trỉa bắp. Hai người định rảo qua thì nghe có tiếng gọi:
– Nè Một. Cả thằng A nữa!
A và Một đứng lại.
– Vào đây thím biểu – Người đàn bà khoát tay.
– Có chi thím Ba? – Một hỏi.
– Cơm trong hăng gô đó, tụi bây ăn đi!
Một giở hăng gô. Một khúc cá kho, mấy trái dưa leo và phần cơm chỉ vừa cho hai người ăn.
– Mời thím và Út cùng ăn – A nói.
– Tụi bây cứ ăn. Tao với con út làm ráng chút nữa rồi về.
A nhìn vạt rẫy. Trỉa hết ngần này phải ba bốn ngày chứ đừng nói từ giờ đến trưa. Những cơn mưa đã dày vào giữa mùa. Sớm được ngày nào hay ngày ấy…
– Đừng ngại ngùng chi hết – Thím Ba riết róng –
Tụi bây ráng lo đánh giặc giỏi, đặng mau giải phóng, cho đất nước thống nhất, yên lành là tụi tao vui cái bụng rồi. Việc hổm rày không xong ngày mai làm, lo gì
Hai anh ăn cơm mà thấy nghèn nghẹn nơi cổ. Ngày mai đất nước hòa bình, cuộc đời no đủ , ăn ngon mặc đẹp, có ai còn nhớ đến lon cơm nguội với khúc cá kho tiêu của những tấm lòng trung trinh với cách mạng nơi xứ rừng này?
Lê A quê ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Đầu năm 1963, nằm trong kế hoạch chống cộng., Diệm di hàng vạn dân vào vùng Đức Linh (Bình Thuận).Gia đình A cũng ở trong số đó. Đầu năm 1965, huyện Đức Linh được giải phóng. Nhưng ngay cuối năm đó, địch mở cuộc hành quân tái chiếm, gia đình A lại dạt vào Bình Lộc (Long Khánh). Nhà nghèo đông anh em, A phải đi làm phụ giúp ba má nuôi các em từ rất sớm. Vào Bình Lộc với hai bàn tay trắng, hầu hết các gia đình mới đến đều phải đi làm thuê cho những chủ rẫy cũ. Người còi cọc đen đúa, như một con săn sắt, A không nề hà nơi đầu vườn cuối rẫy, làm mọi việc chủ thuê mướn: dọn cỏ, đốt cây, trĩa bắp, hái trái… ThờI gian sống trong vùng giải phóng tuy ngắn ngủi và dù còn ít tuổi nhưng những ý niệm tình cảm tốt đẹp về chính quyền giải phóng đã thấm đậm vào anh. Anh còn thuộc những bài hát các anh giải phóng dạy cho những buổi sinh hoạt thiếu nhi “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng.. .”. A chỉ biết Bác Hồ qua tấm ảnh trong cuốn sổ của anh chỉ huy đơn vị giải phóng quân trong ấp. Với mái tóc bạc phơ, chòm râu dài, nụ cười hiền hậu, Bác trông như một ông tiên. Các chú giái phóng biểu, Bác thương đồng bào miền Nam lắm. Bác mong chóng tới ngày đánh tuổi hết quân xâm lược, Bắc Namsum họp, bác sẽ vào thăm miền Nam, thăm các cháu thiếu nhi yêu quí. A cũng mong chóng tới ngày đó . A sẽ được gặp Bác, sẽ được đi học, không phải chạy bom chạy đạn, làm thuê làm mướn nữa. Nhà sẽ có cái ăn cái mặc, ba má thảnh thơi tuổi già. Nhưng muốn tới ngày đó thì phải đánh đuổi Mỹ, đánh đổ ngụy. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình. Ai cũng đóng góp được phần mình cho cách mạng. Các anh bộ đội ngày xưa trong vùng giảI phóng Thuận Hải và anh Ba Mai bây giờ khi gặp A đi làm cỏ thuê ở các rẫy cũng nói như vậy. Anh Luyến thì biểu: “Đội du kích xã rất cần sự đóng góp của các em”.
– Em thì làm được gì? – A hỏi.
– Lấy tin tức, rải truyền đơn và khi cần thì tham gia đánh luôn.
– Cái đó thì em làm được – A nhận lời và từ năm 1969, Lê A trở thành một trong những cơ sở mật trẻ nhất của đội. Dò la hoạt động phòng bố của địch đóng trong ba đồn ở xã, phát hiện những toán tuần tiễu của chúng, đem tin của cán bộ xã đến các cơ sở, đến các tiểu đội du kích là việc làm của A những năm tháng ấy.
Cuối năm 1970 sau khi đánh tiệm kem Ba Thế, thấy địch bắt đầu để ý theo dõi, cấp ủy xã quyết định rút anh vê bộ phận mật. Anh trở thành một đội viên xuất sắc của đội du kích, nổi bật về sự mưu trí, dũng cảm. Đúng một năm sau (tháng IO năm 1971) Lê A được đề bạt là xã đội phó xã Bình Lộc. Khi ấy, anh vừa tròn mười bảy tuổi.
Khó mà kể hết những chiến công của Lê A và độI du kích xã Bình Lộc. Cùng với Luyến, Một và một số đội viên du kích can trường khác, các anh đã tung hoành trong hang ổ địch, đánh nhiều trận táo bạo khiến kẻ thù vừa tức tối, vừa run sợ khi nghe đến độI du kích. Nhưng năm ấy, thị xã Long Khánh, xã Bình Lộc, Bảo Vinh và cả huyện Xuân Lộc vòng trong vòng ngoài là các sắc lính ngụy. Thế mà chỉ ở nơi cách thị xã Long Khánh chưa đầy ba cây số vẫn tồn tại một độI du kích ngang nhiên hoạt động, làm kinh hoàng bạt vía kẻ thù.
Những đội viên du kích Bình Lộc năm xưa còn lại qua bão lửa chiến tranh, bây giờ đã trở về cuộc sống của những người “dân ấp dân lân” khuất lấp giữa bao cuộc đời bình thường khác và những kỷ niệm chiến đấu ngày xưa cũng nhập nhòa về dĩ vãng. Nhưng những trận đánh tiêu biểu của Lê A và đội du kích mọi ngườI vẫn còn nhớ được. Có thể kể thêm: Đó là, trận đột kích vô ấp ngày 16 tháng giêng năm 1972 bắn chết tên đồn trưởng Chín Khùng. Trận ấy xã đội trưởng Luyến hy sinh nhưng anh dã diệt được 4 tên địch trong đó có tên đồn trưởng ác ôn và làm bị thương 1 tên khác. Đó là, trận đột kích diệt tên trưởng ấp Thơm cuối năm 1971.v.v. . .
Sau khi xã đội trưởng Luyến hy sinh, tháng 4 năm 1972, Lê A được đề bạt xã đội trưởng. Trong một trận đột kích vô ấp anh bị thương. Cánh tay trái dính đạn được chữa lành nhưng thành dị tật khoòng khoèo. A vẫn xông pha chiến đấu. Trận thắng giòn giã và cũng là trận cuối cùng trong cuộc đời Lê A là trận phục kích trước cửa đồn lớn sáng sớm ngày 25 tháng 6 năm 1972. Đại đội bộ đội địa phương huyện vừa được thành lập muốn có một trận thắng mở đầu để lấy khí thế. Ban chỉ huy huyện đội giao cho đồng chí Sáu Quân huyện đội phó kiêm đại độ i trưởng bộ đội địa phương cùng với Ban chỉ huy xã đội Bình Lộc trực tiếp điều nghiên lên kế hoạch tác chiến. Lực lượng tham gia nòng cốt là đội du kích Bình Lộc. Bấy giờ ở Bình Lộc, bọn ngụy đóng đồn ở ba vị trí, lớn nhất là đồn trung tâm với một đại đội bảo an trấn gi ữ. Sau nhiều ngày theo dõi, anh em nhận thấy hàng ngày cứ đúng 5 giờ sáng là địch lại cho một trung đội đi từ cổng đồn ra vườn xoài bà Bảy lùng sục và nghỉ tại đó tới sẩm tối mới mò về. Kế hoạch lúc đầu phục kích ở vườn xoài, sau thấy nên chọn thời điểm chúng vừa từ đồn ra, mắt nhắm mắt mở chủ quan không đề phòng là tấn công hiệu quả nhất. Đoạn đầu cúa con đường từ đồn qua trạm thông tin men theo bờ qua lại được chọn làm địa điểm phục kích.
Ngay từ tối hôm trước, du kích và bộ đội địa phương chia thành 4 mũi đã ém sẵn vào các vị trí trên bờ đê. Mờ sáng hôm sau, khi cả trung đội địch đã lọt hắn vào nơi phục kích, 2 trái ĐH ở mũi khóa đầu do xã đội trưởng Lê A phát hỏa. Tiếp theo là 2 trái mìn Claymo của mũi khóa cuối của xã đội phó Một chỉ huy cũng nổ chặn đường rút về của địch. Bọn giặc còn lạI dạt về bên đường. Anh em mình từ trong hàng rào bùng nhùng bắn đứt dây kẽm nhào ra. AK, tiểu lien cực nhanh, M79 thủ pháo nổ dồn dập. Ta hoàn toàn làm chủ trận địa. 21 tên ngụy trong đó có tên trung đội phó bị tiêu diệt. Ta thu 17 súng các loại. Bọn giặc đóng trong đồn cách đó chỉ hơn trăm mét dồn cả vào trong lô cốt không dám ra ứng cứu. Khi lệnh rút được phát ra, xã đội phó Một nhào về chỗ Lê A thì anh không còn nữa. Trên vầng trán thanh xuân của tuổi 18 một mảnh đạn thù cắm ngập còn rỉ máu. Anh là người hy sinh duy nhất của trận đánh
Nguồn : .longkhanh-dongnai.gov.vn