Tháng 4 năm 2016 này, tôi lên tuổi 77 ! Lắm lúc chợt nghĩ: “Mình già thật rồi!” Nhưng có khi thấy tôi còn “phóng” hon-đa chở “người đẹp” của mình đi đâu đó (việc này ngày càng hiếm, vì mấy năm nay, tôi đã “tậu” thêm chiếc xe đạp điện, để khi Hội Nhà baó hay Hội Văn nghệ gọi đi họp, là được bon bon cùng sánh vai với … các trò tuổi “teen” trên đường phố) lại thấy bài của tôi đăng hết báo địa phương đến Trung ương, một số bạn… già lại động viên: “Ông còn trẻ chán!” Có bạn lại còn “hiến kế” dùng chữ “Nho” và bảo rằng tôi mới “song thất”! Mà “song thất” có thể hiểu là 2 số 7, mà gọi là 27 cũng “OK” luôn! Xuân mới, “chơi” cái trò “cưa sừng làm nghé” tính tuổi tác các ông già như thế cũng vui! Nhất là báo chí văn nghệ dạo này không hiểu sao “nghiêm chỉnh” quá!
Viết dòng này, bỗng chợt nhớ lần gặp nhà văn Nguyễn Tuân – một cây đại thụ của văn học Việt Nam và rất gắn bó với Huế. Lúc đó, tôi đang là Phó Tổng biên tập Tạp chí “Sông Hương”. Cũng vào một ngày Xuân – thật là ngẫu nhiên, đó là năm 1986, cách đây vừa tròn 30 năm. Tôi đến mời bác viết bài cho “sông Hương”, trong câu chuyện, bác nói: “Ừ, mình sẽ cố viết cho vui, ngồ ngộ. Không biết ông nghĩ sao, chứ mình thấy văn chương của ta gần đây nghiêm quá. Dân tộc mình có cả kho tiếu lâm, giai thoại. Trong văn chương, có khi nói vui, chơi chơi thôi mà hiệu quả hơn một anh nghiêm chỉnh…”
Tôi lang thang rẽ ngang, tạt dọc theo kiểu tùy bút cụ Nguyễn một chút, nay xin trở lại đề tài “nửa thế kỷ trước”, không phải chuyện “nói vui” mà cực kỳ nghiêm túc! Như thế, có thể gọi là “đáng tiếc” không, bác Tuân ơi? Biết làm sao được, vì tình thế đất nước 50 năm trước và ngay cả hiện nay nữa, không thể là chuyện đùa!
***
Tròn nửa thế kỷ trước – năm 1966, tôi đang là cán bộ bảo đảm giao thông trên đường 12A, chặng đường hiểm yếu vượt Trường Sơn qua đèo Mụ Giạ. Cũng tình cờ phù hợp với câu chuyện vui “tính tuổi” ở trên: lúc đó tôi vừa lên tuổi 27! Chàng kỹ thuật viên trẻ, tuy bắt đầu làm cộng tác viên cho một số tờ báo ở Hà Nội, nhưng chỉ biết sẵn sàng xông vào nơi đầy bom đạn cùng với đồng đội, chứ chưa hình dung được thế trận thời điểm đó.
Về sau, tôi mới hiểu năm 1966, một năm có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử cuộc kháng chiến trường kỳ của Tổ Quốc. Năm 1966, khi Giôn-xơn liều lĩnh đưa 30 vạn quân viễn chinh vào miền Nam và tung hàng ngàn phản lực liên tục đánh phá miền Bắc, cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam đứng trước một thách thức có ý nghĩa sống còn. Cả thế giới nhìn về Việt Nam, với câu hỏi đầy lo âu: Liệu Việt Nam có dám đánh không? có dám đương đầu với một đối phương hùng mạnh nhất thế giới không?
Trả lời câu hỏi ấy, ở miền Nam đã diễn ra nhiều trận đánh lớn như trận Bầu Bàng, trận Dầu Tiếng… khiến quân Mỹ thiệt hạ rất nặng nề.
Để chặn đà tiến công của quân ta từ xa, không quân Mỹ dồn dập oanh kích mạng lưới giao thông, trong đó tuyến 12A bị đánh phá ác liệt nhất, vì khi đó đây là tuyến độc đạo có thể đưa xe cơ giới vượt Trường Sơn vào Nam (đường 20 “Quyết Tháng” đến tháng 7/1966 mới thông xe)…Gần 2000 chiến sĩ (kể cả lực lượng công binh vừa tăng cường) kiên trì bám trụ, nên con đường đứt rồi lại nối. Có thể nói là một thế trận giằng co, nhưng các chiến sĩ, dù chuyện chết chóc xảy ra thường xuyên, vẫn lạc quan, tin ngày chiến thắng sẽ đến.
Bộ GTVT đã quyết định tổ chức “Đại hội Bảo đảm GTVT, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” toàn miền Bắc vào thời điểm đó. Ngày 9/3/1966, anh Phan Huy Đại, Phó ban chỉ huy, Bí thư Đảng bộ Công trường 12A (ngày đó, để giữ bí mật, trên báo chí gọi là “Công trường “Thống Nhất”) được thay mặt 1.500 cán bộ, công nhân TNXP trên đường 12A, lên đường ra Hà Nội dự Đại hội. Tôi chỉ là kẻ “ăn theo”, thẻ nhà báo chưa có mà Đại hội này có Hồ Chủ tịch đến thăm, nên không thể vào hội trường được. Xin ghi lại vài dòng Nhật ký ngày 24/3/1966:
“… Mình gặp đoàn đại biểu lúc ở hội trường đi ra. Anh Lại Văn Ly (Trưởng TyGTVT Quảng Bình) tay cầm lá cờ luân lưu của Chính phủ tặng, vừa nói vừa cười, bộ mặt đỏ ửng lên: “Phấn khởi lắm! Cờ, Huân chương, nhưng cũng lo đấy!…” Anh Đại, nét mặt thoáng cái gì như ngơ ngác, giọng nhỏ hẳn lại vì đang quá xúc động. Không chỉ vì vừa được gặp Bác Hồ; hơn thế, Bác Hồ đã gọi đại biểu Công trường 12A lên hỏi chuyện. Việc Bác gặp riêng Công trường 12A là một vinh dự thật lớn lao, nhưng cũng nói rõ tầm quan trọng của con đường và báo hiệu cuộc chiến đấu sẽ còn ác liệt hơn…”
Quả nhiên, hơn nửa tháng sau, ngày 12/4/1966, chúng tung “át chủ bài” B.52 đánh đoạn từ Bãi Dinh lên đèo Mụ Giạ. Bây giờ, sau khi mọi người đã chứng kiến trận “Điện Biên Phủ Trên Không” hạ hàng chục B.52 ngay trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972, vũ khí chiến lược này không còn là con ngoáo ộp ghê gớm nữa, nhưng trận ngày 12/4 có ý nghĩa lịch sử vì đây là lần đầu B.52 đánh miền Bắc. Có lẽ vì thế, sau trận này, Bác Hồ liền gọi điện vào Quảng Bình hỏi thăm tình hình. Cũng do đài phương Tây đưa tin phóng đại rằng “B.52 đã mở đợt oanh kích đọan đường dưới chân đèo Mụ Giạ, phá hủy cả chục km, nhanh nhất phải mất 10 ngày mới sửa xong”. Thực ra, trận B.52 này không làm ai thương vong, việc khai thông đường còn dễ hơn trận bom nổ chậm đầu tiên ở Cha Lo, nên cả công trường vẫn bình tĩnh. Ngày 27/4, pháo đài bay B.52 dội bom lần thứ hai dưới chân đèo Mụ Giạ nhưng chẳng ăn thua gì…
Cho đến giữa tháng 6/1966, không quân Mỹ đã quyết định đánh dứt điểm đường 12A ở nơi hiểm yếu nhất là km 21, một đoạn đường đi men vách núi cao, một bên vực sâu, bị đứt không thể mở đường tránh, xung quanh lại không tìm được vị trí đặt pháo cao xạ, khác hẳn địa thế ở ngã ba Đồng Lộc hay Truông Bồn là những nơi rất dễ mở đường tránh và bố trí lực lượng phòng không bảo vệ! Nói cách khác, tại km 21, “ta” ở cái thế vô cùng hiểm nghèo. Cuộc chiến đấu bi tráng ở đây (về sau gọi là “Đồi 37”, vì ngày 3/7/1966, cả một tiểu đội cảm tử TNXP 759 anh hùng đã bị vùi lấp) đã được nhiều sách báo, phim ảnh nói đến, nên ở đây, chỉ xin trích đoạn Nhật ký ghi lại chuyện lúc tôi đi qua đây ở thời điểm “khúc dạo đầu” của đợt oanh kích quyết “dứt điểm” đường 12A của không quân Mỹ, để các bạn hình dung “nhà văn trẻ” 27 tuổi lúc đó đã “thâm nhập” thực tế như thế nào.
Trích Nhật ký ngày 18/6/1966:
Trong cuộc đời mình, có lẽ lại thêm một ngày đáng ghi nhớ vì hôm nay đúng là “từ cõi chết trở về”. Mấy ngày trước, đi buổi trưa an toàn, vừa xem rõ tình hình đường sá; trưa nay lại đi. Tưởng lại phải đi một mình như trưa qua từ Hạt 11 về hang “Phượng Hoàng” bên tuyến đá Bãi Dinh, nhưng vừa ra khỏi hang thì gặp 3 đồng chí công binh về xuôi. Cùng lúc, phản lực lao đến, hết tốp này đến tốp khác. Suốt chặng đường là những đoạn ngắn, vượt từ hầm này đến hầm khác. Cũng may là C.759 đã cho đào rất nhiều hầm kiểu “hàm ếch” bên ta-luy đường. Đoạn đường này suốt nửa tháng qua, ngày nào cũng bị bom. Đi quá Y Leng một chút, gặp hai O Thụ, Chinh (đội “Thống Nhất”) đi phép lên; hai o bảo chỗ chúng đánh hôm qua, nay người đi bộ cũng khó bước qua, phải tụt xuống khe, nhảy từ hòn đá này đến hòn đá khác. Đến đoạn đó, thấy đất sụt chiếm hết đường, đi chưa qua, nghe tiếng máy bay, vượt tới gần cầu Ha Nông vừa gặp 4 phản lực lao đến. Cẩn thận, mình bỏ tất cả đồ đạc bên một gốc cây, chạy lại hầm thì một chiếc lao xuống cắt 2 quả bom. Ba anh em vừa tụt vào hầm thì tiếng nổ nhức tai, đất đá ném thình thịch trước hầm; cậu công binh còn ở ngoài, chạy vụt vào, thở không ra hơi và rên lên: “Chết thôi! Chết thôi!” May sao, ba lần bom rơi nữa, nhưng không trúng hầm. Chạy ra, khói mù mịt, đồ đạc, kể cả ra-đi-ô đều bị đất vùi. Thì ra bom vây xung quanh, chỉ trừ cái hầm!
Mấy anh em tranh thủ chạy, vượt qua 2 hố bom lớn, mấy lần tránh máy bay vào những “hàm ếch” khi tốp 4 F.105 khác lao đến bắn đạn 20 ly, rốc-két sát chỗ nấp! Một lần nữa, 4 anh em thoát nạn!
Thật đúng là “chặng đường máu lửa”! Trên con đường ấy, đã đi, không thể dừng lại, chỉ có tiến lên, dũng cảm bước nhanh, mới giành được chiến thắng cho công việc, giành được sự sống cho cá nhân mình!
Trèo dốc đến chỗ ở của C.759, thở không ra hơi, phải nghỉ mấy lần mới chống gậy lên tới lán C.759, đúng lúc Trần Đức Hàm và một đồng chí công binh, vai đeo súng, bên thắt lưng có một bọc bông băng cứu thương, xuống trinh sát đường…”
Ngày đó, nếu như tôi chậm chân trong tích tắc hay những chùm bom đi lệch vài tấc thì tôi đã mãi mãi ở tuổi… 27, chẳng còn ngồi gõ những dòng chữ này hầu chuyện cùng các bạn hôm nay nữa! Tôi nhắc kỷ niệm nửa thế kỷ trước trên Trường Sơn chẳng phải để “khoe”, nhất là khi mình cũng e sợ mỗi lần phải xông vào nơi nguy hiểm như mọi con người bình thường khác; nhưng mặt khác đây là bằng chứng của “người trong cuộc” – một con người bình thường nhất nhưng đã trải qua nhiều năm ở nơi “mũi tên hòn đạn”, rằng vũ khí bom đạn – kể cả B.52, cũng không phải là thứ có uy lực toàn năng có thể đè bẹp được mọi thứ, càng không thể buộc cả một dân tộc cúi đầu!
***
Cùng với những chiến thắng vang dội trên chiến trường miền Nam trong mùa khô 1965-1966, tinh thần ngoan cường, dám chiụ hy sinh của đội quân giữ đường Trường Sơn trong năm 1966, đã là những bằng chứng hiển nhiên để đại tướng Nguyễn Chí Thanh (với bút danh “Trường Sơn”) viết liền mấy bài báo nổi tiếng trong tháng 5 và 6/1966, khẳng định chúng ta “Dám đánh” và “chắc thắng…”
Và chỉ một thời gian ngắn sau mấy bài báo của đại tường Nguyễn Chí Thanh, ngày 17/7/1966, Hồ Chủ tịch công bố “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước”, trong đó dòng chữ vàng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” trở thành khẩu hiệu thiêng liêng của cả dân tộc, thành lời thề của chiến sĩ trước khi vào trận quyết chiến và vẫn có ý nghĩa thời sự đến tận hôm nay.
Cũng thật có ý nghĩa trước tình thế của đất nước ngày hôm nay, khi chúng ta đọc lại bài báo viết từ nửa thế kỷ trước của đồng chí Nguyễn Chí Thanh: “…Nếu lúc đó chúng ta do dự một tí, lừng khừng một tí thì trước hết, trận địa tư tưởng của quân và dân ta có nguy cơ bị chọc thủng và từ đó các trận địa khác cũng có nguy cơ bị lấn dần và đẩy lùi, đối phương sẽ lấn đất và thắng điểm từ hiệp đầu…”
Đất nước ta bước vào mùa Xuân 2016, bên cạnh những kế hoạch làm ăn lớn, những đổi mới về quản lý kinh tế để thích hợp với tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình biển Đông nóng rực với cụm căn cứ những sân bay, công trình quân sự khéo ngụy trang mà Trung Quốc vừa xây trên các hòn đảo “nhân tạo” bồi đắp từ những bãi đá ở Trường Sa mà họ chiếm đóng của Việt Nam; hơn thế, chúng còn mang tên lửa, máy bay phản lực, ra-đa dàn trận trên vùng đảo Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam. Rõ ràng đây là một tình thế cực kỳ nguy hiểm cho việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Nói chính xác hơn là một phần lãnh thổ của Việt Nam đã bị xâm lược một cách thâm độc và trắng trợn. Chúng không chỉ chiếm đảo, với giàn ra-đa và phản lực hiện đại mà chúng vừa bố trí, có thể nói từ nay, toàn bộ các căn cứ quân sự của chúng ta từ Đà Nẵng cho tới Cam Ranh, Khánh Hòa bị uy hiếp nghiêm trọng. Đã là người yêu nước, chúng ta không thể né tránh thực trạng này, nhất là khi Chủ tịch Tập Cận Bình ngang nhiên tuyên bố trước thế giới rằng Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại!
Trước tình thế oái oăm đó, trước sự thách thức cả dân tộc Việt Nam một cách ngang ngược như vậy, chúng ta cần một sự “trả lời” đanh thép như 50 năm trước, quyết không thể “lừng khừng một tí” để đối phương “sẽ lấn đất và thắng điểm từ hiệp đầu…”. Thế cuộc nay đã khác xưa, sự “trả lời” không phải bằng súng đạn mà bằng ý chí ngẩng cao đầu, với lòng tự trọng và tự tin vào chính nghĩa, vào sức mạnh đoàn kết toàn dân cộng với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong đấu tranh bằng ngoại giao, pháp lý…, nhất quyết không run sợ, không lệ thuộc kẻ nào – dù chúng lắm đô-la và vũ khí – chúng ta nhất định bảo vệ được Tổ Quốc thiêng liêng của mình.
Nhân đây, xin nhắc lại vài câu trong Di chúc của nhà vua Trần Nhân Tông (1258-1308),
” Các người chớ quên , chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo .
Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo …Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp.
Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta…
Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn :
” Một tấc đất của Tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác” .
Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu. “
“Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do!” Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nửa thế kỷ trước, một lần nữa lại vang vọng, nhắc nhủ chúng ta hãy sáng suốt, vững tin trong sự nghiệp bảo vệ từng “tấc đất của Tiền nhân để lại” và cả trong cả “mặt trận” kinh tế không thiếu những cạm bẫy, những lời hứa hẹn viển vông sẽ để lại di họa cho muôn đời sau…
(Ảnh kèm: – NKP thời ở Trường Sơn.) Nguồn tin từ trang Trần Nhương