Người sống với ký ức chiến tranh
Căn nhà tạm của ông Trần Ánh Yên nằm cạnh Quốc lộ 7A, đoạn qua thị trấn Đô Lương (Nghệ An), ngoài những gốc cây cảnh, chậu cảnh còn có hàng trăm kỷ vật chiến tranh được ông nâng niu, gìn giữ. Dẫu phải vất vả mưu sinh nhưng người cựu chiến binh này vẫn luôn dành cho mình một khoảng lặng để sống với những kỷ niệm đẹp về một thời hoa lửa anh hùng.
Tiếng gọi trong giấc mơ trưa
Nhập ngũ năm 1968, hai năm là lính công binh của Đoàn 22 thuộc Quân khu 4, ông từng tham gia mở đường, đào hào bảo vệ vùng biển Nghi Lộc, Cửa Lò (Nghệ An) chống lại sự đánh phá của tàu chiến Mỹ. Sau đó, ông Yên được biên chế vào Trung đoàn 271 rồi đi Thượng Lào chiến đấu. Trong Trung đoàn 271 anh hùng, ông Yên là một người sống và gắn bó lâu năm nhất từ khi vào lính đến lúc xuất ngũ (1968-1988). Sau nhiều năm chiến đấu gian khổ, ông về đoàn tụ cùng vợ con (năm 1988) với quân hàm Đại úy. Vất vả mưu sinh nhưng những ký ức về một thời oanh liệt vẫn luôn rực cháy trong ông. Ông bảo: “Khi sự sống và cái chết chỉ còn trong gang tấc, tình người, tình đồng chí đồng đội mới thực sự tỏa sáng”. Chính tay ông đã chôn cất những đồng đội của mình hy sinh nơi núi rừng hoang vu, hẻo lánh. Và chính những đồng đội, những người dân nơi chiến trường ác liệt kia đã cưu mang ông.
Chiếc ra-đi-ô này từng là “báu vật” ông Trần Ánh Yên luôn mang bên mình. |
Năm 1971, ông theo đoàn quân Nam Tiến, chiến đấu khắp các chiến trường Đông Nam Bộ. Trong một lần bị thương, ông được đưa vào ngôi chùa ở biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia để chữa trị. Một gia đình Việt kiều buôn bán ở Cam-pu-chia đã nhận ông về chăm sóc tại nhà rồi kết nghĩa anh em. Vốn tính hiền lành, vui vẻ, Trần Ánh Yên rất được mọi người quý mến. Đất nước hoàn toàn giải phóng, những người Việt kiều ở Cam-pu-chia cũng trở về nước sinh sống. Ông Yên vẫn mải miết theo đơn vị làm nhiệm vụ ở biên giới phía Nam. Năm 1988, ông theo đoàn rút quân khỏi Cam-pu-chia từ đó mất liên lạc với người anh kết nghĩa của mình.
Một trưa hè, ông nằm mơ thấy bà mẹ nuôi đang gọi mình thảng thốt, ông choàng tỉnh dậy và nghĩ cách phải tìm lại cho bằng được gia đình anh nuôi. Theo thông tin tìm hiểu qua báo, đài, những Việt kiều sinh sống ở biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia sau khi về nước sẽ định cư ở tỉnh Tây Ninh. Ông quyết định viết thư gửi Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Tây Ninh để tìm người thân. Như có phép nhiệm màu, gia đình người anh nuôi nhận được tin rồi gọi điện về cho ông. Hai bên gia đình cứ thay nhau nói chuyện điện thoại rôm rả hơn nửa ngày trời. Một thời gian sau, nhận được tin mẹ nuôi của mình từ trần, vợ chồng ông khăn gói vào Tây Ninh thăm viếng. Niềm vui ngày gặp lại dẫu không được trọn vẹn nhưng với ông đã thỏa lòng mong nhớ suốt mấy chục năm trời.
Hành trình trở về
Năm 1988, ông đưa con trai đầu đi thi Học viện Ngân hàng ở Chùa Bộc – Hà Nội, gặp một người hao hao giống đồng đội cũ của mình. Ông đến gần, vỗ vai và hỏi: “Có phải Kiệm 271 không? Bùi Xuân Kiệm phải không?”. Bất chợt, người đàn ông đó quay sang, hỏi lại: “Bác là đồng đội cũ của anh Kiệm à”. Thì ra, người đó là em họ của ông Kiệm và cho ông số điện thoại và địa chỉ nhà ông Kiệm. Ông Yên xoa hai bàn tay sần sùi rồi mỉm cười hiền lành: “Tôi cũng không tin nổi sao lại có sự tình cờ đến như vậy. Chắc là những anh em trong trung đoàn 271 linh thiêng đã sắp đặt cuộc gặp gỡ này. Hai anh em ôm nhau, khóc nức nở”.
Sau khi chuyện trò, hàn huyên, biết cuộc sống của anh em ở Nghệ An, Hà Tĩnh còn gặp nhiều vất vả, ông Bùi Xuân Kiệm bàn với ông Yên thành lập Hội Cựu chiến binh 271, kết nối lại tình đồng chí, đồng đội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, hội còn tổ chức các chuyến đi thăm lại chiến trường xưa. Sau những lần “trở về” ấy, thấy những vật dụng của đồng đội thời chiến tranh ông đều tìm cách mang về. Đến giờ, ông đã có hàng trăm kỷ vật. Theo ông, kỷ vật nào cũng quý, cũng gắn nhiều kỷ niệm. Kỷ vật lâu nhất, có ý nghĩa nhất là chiếc đài radio. Lúc hành quân trên đường Trường Sơn, ngày đi đêm nghỉ mang hai cơ số đạn, ăn không đủ no, có chiếc đài của anh chính trị viên phát những bài ca kháng chiến, chương trình thời sự, tuy mệt nhưng vẫn cố gắng theo cho kịp chính trị viên để được nghe tiếng đài. Ông vừa cho tôi xem, vừa chỉ dẫn rõ công dụng và nguồn gốc xuất xứ của từng vật dụng thân thuộc với người lính từ chiếc bật lửa, chiếc bi đông, lưỡi cưa, đèn chiến đấu đến những vật dụng phức tạp như ống nhòm, đồng hồ pháo binh, vỏ bom bi, hay chiếc lược nhôm tự tay ông làm để tặng người yêu cũng là vợ của ông… tất cả đều được ông cất giữ cẩn thận. Những lúc đồng đội đến chơi, ông thường mang ra để cùng hàn huyên, nhắc lại một thời khói lửa mà hào hùng. Ông định sau này sẽ dành tặng toàn bộ những hiện vật của mình cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Sau ngày giải phóng, ông không nhớ rõ đã bao lần về thăm lại chiến trường xưa để tìm phần mộ đồng đội nhưng chắc chắn rằng con số đó cũng đã hơn chục lần. Sau những chuyến đi, ông và đồng đội đã lập được danh sách 1031 ngôi mộ liệt sĩ của Trung đoàn 271, Sư đoàn 302 hy sinh từ năm 1972 đến năm 1977 tại những chiến trường nơi ông đã từng công tác và chiến đấu. Thời gian tới, ông sẽ cùng đồng đội đi tìm thông tin của những ngôi mộ liệt sĩ còn lại và làm một chiếc tủ trưng bày, ghi rõ tên và nguồn gốc của từng hiện vật ông đang có. Ngôi nhà gỗ 3 gian ông mua về dựng ngay trong khuôn viên nhà mình sẽ là nơi để ông trưng bày những kỷ vật chiến tranh mà ông đã dày công sưu tầm, cất giữ.
Bài và ảnh: LÊ TƯỜNG HIẾU – LÊ NGUYỄN( theo Báo QĐND)–