Đồng đội tôi ở báo Quân Giải phóng
Báo Quân Giải phóng Trung Trung Bộ ra số đầu tiên ngày 19/8/1964 nhưng đến năm 1969, tôi mới về nhận công tác. Đến năm 1972 thì đảm nhiệm cương vị Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban biên tập. Tôi giữ cương vị này đến năm 1976.
Hồi ấy, 15 ngày ra một số báo, mỗi số 4 trang, in đen trắng, các số đặc biệt từ 8-12 trang, có 3 màu. Báo làm theo phương pháp in chì, ảnh kẽm, rất tốn thời gian, công sức. Quân số của báo lúc cao nhất là 28 người, được lựa chọn từ các đơn vị trong Quân khu và từ miền Bắc vào. Nhiều nhà báo sau này đảm nhận cương vị cao trong làng báo như Hồ Ngọc Sơn, Nguyễn Thành Văn, Nguyễn Quý Vân, Nguyễn Duy Quyền… Tòa soạn đóng tại huyện Trà My, Quảng Nam. Lúc không có giao liên dẫn đường, phóng viên phải tự tìm đến đơn vị để liên hệ công tác (Ban Biên tập có điện trước cho đơn vị). Các tỉnh xa như Khánh Hòa, Đăk Lăk, anh em phải đi gần một tháng trời mới đến nơi, nếu gặp mưa lũ, hay địch càn thì còn lâu hơn. Đi xa như vậy nhưng mỗi người chỉ được nhận tiêu chuẩn ăn đường không quá 10 lon gạo và một ít sắn khô, bắp, muối, còn thiếu phải tự tìm nguồn tiếp tế trên đường.
Tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường của bộ đội làm bài viết của phóng viên luôn hừng hực khí thế tấn công, truyền lửa về Quân khu, có tác dụng rất lớn động viên CB, CS. Đi đến đâu, viết đến đó, viết xong, nhờ bộ phận cơ yếu của đơn vị chuyển về tòa soạn hoặc gửi nhờ cán bộ về Quân khu họp. Ảnh thì gửi cuộn phim về để chuyển cho nhà in Khu ủy tráng ra.
Bộ Tư lệnh Quân khu 5 rất quan tâm đến báo Quân Giải phóng. Còn nhớ, cuối năm 1971, tôi đến chỗ đồng chí Đoàn Khuê, Phó Chính ủy Quân khu xin ý kiến bài viết. Anh Khuê hỏi tôi: “Nghe anh em phóng viên đi công tác đường sá xa xôi, qua nhiều vùng địch kiểm soát, ra chiến hào, rồi bám theo bộ đội vào đồn diệt địch mà chỉ có tay không à?”. Tôi báo cáo: “Vũ khí trang bị không đủ, thường là anh em đi mỗi người một hướng, nên một số người đành đi tay không”. Anh Khuê cười: “Cậu hay nói phóng viên tay bút tay súng mà đi chỉ có tay bút còn tay kia cùi chỏ hay sao?”. Lần ấy với sự can thiệp của Phó Chính ủy, chúng tôi được cấp thêm 5 khẩu K59.
Với tay bút, tay súng, đồng đội tôi đã hy sinh trên mảnh đất Khu 5 này như phóng viên Lê Văn Luyện. Lần đó Luyện rất phấn khởi khi được phân công đi Sư đoàn 2 đang tác chiến ở phía tây Quảng Nam. Trước khi đi, Luyện tâm sự với tôi rằng: “Mấy bữa nay, cơ quan mình chưa có bữa nào được ăn no. Xong đợt công tác, em sẽ cố gắng kiếm một vài món gì đó cho tòa soạn liên hoan”. Không ngờ đó là chuyến đi cuối cùng của Luyện. Anh đã hy sinh trên đường 16 do bị trúng bom B52, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.
Phóng viên Phạm Quang Dụ là 1 trong số 10 phóng viên được học ở trường báo chí Trung ương bổ sung cho tòa soạn. Anh được giao ở nhà làm công tác trị sự là chính. Để chuẩn bị cho những trận đánh lớn, cuối năm 1974, tôi cử 2 đồng chí đi Tây Nguyên và Dụ về Sư đoàn 3 ở Bình Định. Dụ vừa mới đi được hơn một tuần, thì một hôm, anh Nguyễn Nam Khánh, Chủ nhiệm Chính trị gọi tôi ra nói nhỏ, vẻ mặt rất nghiêm trọng: “Lộc nè, đài BBC vừa nói lính biệt kích vừa tóm được một phóng viên báo ở An Lão. Có phải cậu Dụ đi về hướng đó không?”. Tôi giật mình: “Đúng rồi”. Những ngày kế đó rất căng thẳng. Trường hợp phóng viên của báo ngã xuống không ít như đồng chí Phạm Đình Côn hy sinh ở Minh Long (Quảng Ngãi), Hồ Hoàng Đỡ ở Phù Mỹ (Bình Định), Nguyễn Thiện Tơ ở khu vực điểm 1001 Quảng Đà nhưng đều có tin báo, nhiều người biết. Còn trường hợp này không ai hay. Anh Khánh bảo tôi: “Cứ chờ xem đài địch có nói gì nữa không. Mình vẫn tin cậu Dụ”. Quả đúng như vậy, chẳng có chuyện gì xảy ra. Sau này tôi được biết Dụ đến An Toàn (An Lão) thì được một giao liên dẫn đi, giữa đường gặp địch phục kích. Cả hai đã chiến đấu anh dũng và hy sinh. Bọn địch dựa vào máy ảnh, súng ngắn và giấy giới thiệu của Dụ nên chúng biết đó là phóng viên. Vì ghi là mất tích nên 15 năm sau, nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của nhiều nguồn, anh mới được công nhận là liệt sĩ. Chúng tôi đã 4 lần tổ chức đi tìm hài cốt Dụ nhưng không thấy.
90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, nhớ về đồng đội ngày ấy, càng thấy thương nhớ và day dứt không nguôi.
Hồi ấy, 15 ngày ra một số báo, mỗi số 4 trang, in đen trắng, các số đặc biệt từ 8-12 trang, có 3 màu. Báo làm theo phương pháp in chì, ảnh kẽm, rất tốn thời gian, công sức. Quân số của báo lúc cao nhất là 28 người, được lựa chọn từ các đơn vị trong Quân khu và từ miền Bắc vào. Nhiều nhà báo sau này đảm nhận cương vị cao trong làng báo như Hồ Ngọc Sơn, Nguyễn Thành Văn, Nguyễn Quý Vân, Nguyễn Duy Quyền… Tòa soạn đóng tại huyện Trà My, Quảng Nam. Lúc không có giao liên dẫn đường, phóng viên phải tự tìm đến đơn vị để liên hệ công tác (Ban Biên tập có điện trước cho đơn vị). Các tỉnh xa như Khánh Hòa, Đăk Lăk, anh em phải đi gần một tháng trời mới đến nơi, nếu gặp mưa lũ, hay địch càn thì còn lâu hơn. Đi xa như vậy nhưng mỗi người chỉ được nhận tiêu chuẩn ăn đường không quá 10 lon gạo và một ít sắn khô, bắp, muối, còn thiếu phải tự tìm nguồn tiếp tế trên đường.
Tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường của bộ đội làm bài viết của phóng viên luôn hừng hực khí thế tấn công, truyền lửa về Quân khu, có tác dụng rất lớn động viên CB, CS. Đi đến đâu, viết đến đó, viết xong, nhờ bộ phận cơ yếu của đơn vị chuyển về tòa soạn hoặc gửi nhờ cán bộ về Quân khu họp. Ảnh thì gửi cuộn phim về để chuyển cho nhà in Khu ủy tráng ra.
Bộ Tư lệnh Quân khu 5 rất quan tâm đến báo Quân Giải phóng. Còn nhớ, cuối năm 1971, tôi đến chỗ đồng chí Đoàn Khuê, Phó Chính ủy Quân khu xin ý kiến bài viết. Anh Khuê hỏi tôi: “Nghe anh em phóng viên đi công tác đường sá xa xôi, qua nhiều vùng địch kiểm soát, ra chiến hào, rồi bám theo bộ đội vào đồn diệt địch mà chỉ có tay không à?”. Tôi báo cáo: “Vũ khí trang bị không đủ, thường là anh em đi mỗi người một hướng, nên một số người đành đi tay không”. Anh Khuê cười: “Cậu hay nói phóng viên tay bút tay súng mà đi chỉ có tay bút còn tay kia cùi chỏ hay sao?”. Lần ấy với sự can thiệp của Phó Chính ủy, chúng tôi được cấp thêm 5 khẩu K59.
Với tay bút, tay súng, đồng đội tôi đã hy sinh trên mảnh đất Khu 5 này như phóng viên Lê Văn Luyện. Lần đó Luyện rất phấn khởi khi được phân công đi Sư đoàn 2 đang tác chiến ở phía tây Quảng Nam. Trước khi đi, Luyện tâm sự với tôi rằng: “Mấy bữa nay, cơ quan mình chưa có bữa nào được ăn no. Xong đợt công tác, em sẽ cố gắng kiếm một vài món gì đó cho tòa soạn liên hoan”. Không ngờ đó là chuyến đi cuối cùng của Luyện. Anh đã hy sinh trên đường 16 do bị trúng bom B52, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.
Phóng viên Phạm Quang Dụ là 1 trong số 10 phóng viên được học ở trường báo chí Trung ương bổ sung cho tòa soạn. Anh được giao ở nhà làm công tác trị sự là chính. Để chuẩn bị cho những trận đánh lớn, cuối năm 1974, tôi cử 2 đồng chí đi Tây Nguyên và Dụ về Sư đoàn 3 ở Bình Định. Dụ vừa mới đi được hơn một tuần, thì một hôm, anh Nguyễn Nam Khánh, Chủ nhiệm Chính trị gọi tôi ra nói nhỏ, vẻ mặt rất nghiêm trọng: “Lộc nè, đài BBC vừa nói lính biệt kích vừa tóm được một phóng viên báo ở An Lão. Có phải cậu Dụ đi về hướng đó không?”. Tôi giật mình: “Đúng rồi”. Những ngày kế đó rất căng thẳng. Trường hợp phóng viên của báo ngã xuống không ít như đồng chí Phạm Đình Côn hy sinh ở Minh Long (Quảng Ngãi), Hồ Hoàng Đỡ ở Phù Mỹ (Bình Định), Nguyễn Thiện Tơ ở khu vực điểm 1001 Quảng Đà nhưng đều có tin báo, nhiều người biết. Còn trường hợp này không ai hay. Anh Khánh bảo tôi: “Cứ chờ xem đài địch có nói gì nữa không. Mình vẫn tin cậu Dụ”. Quả đúng như vậy, chẳng có chuyện gì xảy ra. Sau này tôi được biết Dụ đến An Toàn (An Lão) thì được một giao liên dẫn đi, giữa đường gặp địch phục kích. Cả hai đã chiến đấu anh dũng và hy sinh. Bọn địch dựa vào máy ảnh, súng ngắn và giấy giới thiệu của Dụ nên chúng biết đó là phóng viên. Vì ghi là mất tích nên 15 năm sau, nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của nhiều nguồn, anh mới được công nhận là liệt sĩ. Chúng tôi đã 4 lần tổ chức đi tìm hài cốt Dụ nhưng không thấy.
90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, nhớ về đồng đội ngày ấy, càng thấy thương nhớ và day dứt không nguôi.
Đại tá Lê Hữu Lộc
Trưởng ban Biên tập Lê Hữu Lộc (ngoài cùng, bên phải) cùng các PV Báo Quân Giải phóng miền Trung Trung bộ tại Nước Oa, Quảng Nam (1974). Ảnh: T.L