Tình yêu bắt đầu từ ‘Tọa độ chết”
Hoàng Nguyệt Anh
Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước có rất nhiều mối tình đã đơm hoa. Có những mối tình may mắn kết trái và có những mối tình sẽ mãi mãi nằm lại nơi chiến trường đầy bom rơi, bão đạn. Tình yêu của hai CCB Trần Giang San và Trần Thị Thanh từ trong bom đạn chiến tranh nơi “tọa độ chết” ngã ba Đồng Lộc có kết thúc viên mãn và hạnh phúc. Một tình yêu vượt qua khoảng cách về không gian và khó khăn, gian khổ của chiến trường với một niềm tin son sắt, thủy chung.
Sinh ra bên dòng sông Lô êm đềm của tỉnh Vĩnh Phúc, năm 1966 chàng thanh niên Trần Giang San lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc và trở thành chiến sĩ lái xe ở Tiểu đoàn 736, Binh trạm 25 (Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần). Hàng ngày anh lái xe đưa, đón bộ đội ra, vào Ngã ba Đồng Lộc. Còn cô gái Trần Thị Thanh, là giao liên tại T12 (Tổng cục Hậu cần), nhiệm vụ của cô là theo các đoàn xe để sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho bộ đội. Hai người quen nhau vào năm 1969. Hồi đó, ông San thường xuyên phải lái xe vào ban đêm, chở thương binh ra tuyến ngoài chữa trị nên thường đi qua nơi bà Thanh làm nhiệm vụ. Nghe câu hò da diết của người con gái Hà Tĩnh, ông San đã bị người con gái xinh đẹp, có mái tóc dài đen mượt mê hoặc nhưng không dám nói ra. Một lần lái xe qua đó, ông San đánh bạo hỏi: “Đồng chí giao liên ơi, có yêu lính lái xe không?” Bà Thanh cũng tươi cười trêu lại: “Lính lái xe phải đi nhiều lắm, em không yêu đâu”. Qua những lần gặp như vậy hai người đã nhớ mặt nhau.
Ngày đó, tình cờ ông San lại ở nhờ nhà của Bí thư huyện ủy Can Lộc (Hà Tĩnh), con gái ông dạy ở khu vực bà Thanh đóng quân, ông đánh liều viết thư cho bà Thanh rồi nhờ cô giáo gửi hộ. Đến giờ bà Thanh vẫn nhớ bức thư chỉ vẻn vẹn có mấy câu, nhưng chứa đựng tất cả tình cảm mà ông San gửi gắm vào đó: “Quê anh ở mãi Vĩnh Phú (Nay là Vĩnh Phúc và Phú Thọ), liệu em có theo anh về đấy hay không?” Đó cũng là câu hỏi mà bà phải suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định nhận lời yêu ông. Vốn là một cô gái xinh xắn, duyên dáng, bà Thanh đã làm xao lòng trái tim của bao người lính mỗi khi hành quân qua nơi bà làm nhiệm vụ, nhưng bà đã quyết định yêu và gắn bó với ông San, bởi bà “yêu cái tình cần cù, thật thà của ông ấy”.
Yêu nhau được hơn hai năm thì ông bà quyết định xin phép binh trạm cho cử hành hôn lễ. Đến đầu năm 1972 binh trạm đồng ý và thông báo trước cho hai người có một tuần để chuẩn bị lễ cưới. Vậy là, một đám cưới “đặc biệt” được tổ chức tại đơn vị, ngay giữa trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Được gọi là đám cưới đặc biệt vì “không có nhà trai, nhà gái cũng chỉ có hai người thân là ông vợ và bố vợ tôi, còn lại chủ yếu là anh em lái xe trong binh trạm. Tuy vậy đám cưới của chúng tôi diễn ra rất đầm ấm và hạnh phúc, tràn đầy niềm vui, tiếng hát chúc mừng của bạn bè” – Ông San bồi hồi nhớ lại – “Đám cưới của chúng tôi cũng có hình đôi chim bồ câu và hai chữ hạnh phúc ở giữa. Hai khẩu hiệu: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” được căng lên hai bên. Hôm ấy, mọi người yêu cầu chú rể lên “góp vui” văn nghệ, tôi đã hát bài “Đường Trường Sơn xe anh qua”, bây giờ tôi vẫn còn nhớ bài hát ấy”. Áo cưới của cô dâu, chú rể là bộ quân phục hàng ngày vẫn cùng họ làm nhiệm vụ, nhưng dường như với cả hai người, đó chính là bộ áo cưới đẹp nhất. Đám cưới vừa xong, ngay tối hôm đó bà Thanh phải trở về đơn vị và ông San cũng phải lên đường làm nhiệm vụ. Nên dù đã cưới, nhưng hai người không có đêm tân hôn. Phải đến ba tháng sau, ông San mới được nghỉ một tuần về thăm bà Thanh. Nhưng khi đến đơn vị, bà Thanh lại có nhiệm vụ đưa quân ra Quảng Bình, hai người chỉ được gần nhau trọn vẹn có hai ngày rồi ông lại trở về đơn vị. Cuối năm 1972, bà Thanh sinh người con đầu tiên và xin xuất ngũ. Lúc đó ông San có ý định đưa vợ về Vĩnh Phú, nhưng vì bố mẹ vợ thương con gái nên bà Thanh phải ở lại Hà Tĩnh. Năm 1974 khi ông San xuất ngũ cả nhà mới trở về Vĩnh Phú, và đây cũng là lần đầu tiên, bác Thanh về quê chồng.
Trở về với đời thường, gặp phải vô vàn khó khăn, có những lúc ông bà phải đi đào củ mài để ăn độn, người con thứ ba sinh ra bị chất độc da cam phải nằm nguyên một chỗ. Tuy vậy, họ luôn sống vui vẻ, hoà thuận, thấu hiểu nhau. Nói chuyện với chúng tôi, ông bà luôn dành cho người bạn đời của mình những tình cảm yêu thương trìu mến và ấm áp. Dường như tình yêu của họ trở lại thời tuổi trẻ, như vừa mới diễn ra đây thôi chứ không phải đã qua hơn bốn mươi năm trước.