Vượt sông Sê-rê-pốc tiến vào Buôn Ma Thuột
Trong Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975, Trung đoàn 149 (nay là Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Quân khu 2) được vinh dự tham gia đánh trận mở màn, tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, tiêu diệt sư đoàn thiện chiến 23 ngụy. Trong ký ức của Đại tá Hoàng Phục Hưng, nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 149, sau là Chính ủy Trung đoàn, thì trận đánh vào tận sào huyệt địch là kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời quân ngũ của ông.
Đại tá Hoàng Phục Hưng. Ảnh: HÀ THU |
Ngày 5-3-1975, Sư đoàn 316 nhận lệnh bắt đầu triển khai lực lượng tiến công Buôn Ma Thuột. Trung đoàn 149 được giao nhiệm vụ tiến công từ hướng nam vào thị xã Buôn Ma Thuột. Trung đoàn giao nhiệm vụ: Tiểu đoàn 7 và một đại đội của Tiểu đoàn 8 đảm nhiệm hướng tấn công chủ yếu của trung đoàn, đánh thẳng vào sở chỉ huy Sư đoàn 23; Tiểu đoàn 8 (thiếu) đánh vào dinh tỉnh trưởng; Tiểu đoàn 9 phối hợp với Trung đoàn Đặc công 198 tiến công và chốt giữ Sân bay Hòa Bình, khống chế không cho địch sử dụng sân bay để tăng viện ứng cứu Buôn Ma Thuột bằng đường không. Từ chỗ xác định đây là trận chiến đấu hết sức quan trọng và phức tạp nên Bộ tư lệnh Mặt trận giao cho đồng chí Đàm Văn Ngụy-Sư đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy. “Sau này, khi có điều kiện xem xét lại toàn bộ trận đánh, tôi mới hiểu được sự tài tình của Bộ chỉ huy Chiến dịch quyết định dùng Trung đoàn 149 hành quân bộ, luồn sâu bí mật trước 7 ngày, đánh hiểm từ phía nam lên, là nơi địch sơ hở nhất và cũng là nơi tiếp cận gần nhất sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy”-Đại tá Hoàng Phục Hưng cho biết.
Về phía địch, qua nhiều nguồn tin và một số tài liệu thu thập được, chúng phần nào phán đoán ta sẽ đánh vào thị xã. Chúng tăng cường 2 tiểu đoàn của Sư đoàn 23 ngụy về Buôn Ma Thuột nhưng các hoạt động cũng chỉ mang tính phòng xa. Chúng vẫn cho là ta đánh Plei-cu và Kon Tum.
Đêm 5-3, từ hướng nam, Trung đoàn 149 và các đơn vị tăng cường luồn rừng, vòng xuống vùng ngoại vi phía nam thị xã, bí mật lách qua các đồn bảo an, dân vệ, vượt sông Sê-rê-pốc tiến vào sát thị xã. Đại tá Hoàng Phục Hưng nhớ lại: “Quãng đường từ điểm tập kết đến vị trí xuất phát tiến công khá xa, lại phải tuyệt đối giữ bí mật khi đi trong vùng địch còn kiểm soát. Chúng tôi phải băng qua nhiều sông, suối, rừng khộp mênh mông. Có những chặng hành quân xa nguồn nước, mỗi người cả ngày đêm chỉ có một bình tông nước, chỉ đủ nhấm ướt cổ họng chứ không dám uống”.
Sau khi tiêu diệt địch tại hai điểm cao 491 và Chư Lom, đêm 9-3, các đơn vị của Trung đoàn 149 đã đến vị trí xuất phát tiến công vào thị xã, chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng nổ súng. 5 giờ sáng 10-3, Tiểu đoàn 7 đã chiếm lĩnh xong vị trí xuất phát xung phong ở suối Ea Tam. Đèn thị xã vụt tắt. Bão lửa của pháo binh ta nhằm vào các mục tiêu chủ yếu trong thị xã nhả đạn. Các hướng nhanh chóng cơ động lực lượng vượt Đường 14 tiến đánh địch. Đến 7 giờ, phần lớn lực lượng của Tiểu đoàn 7 đã áp sát mục tiêu khu nhà thờ của quân ngụy, đánh vào cổng chính sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Địch ở khu vực này rất đông, chúng lợi dụng tháp chuông và các điểm cao xung quanh, dùng hỏa lực mạnh cố thủ, điên cuồng chống trả. Trên trời, từng tốp máy bay gầm rú ném bom ngăn bước tiến của quân ta. Các trận đánh của tiểu đoàn với quân phản kích kéo dài tới 17 giờ cùng ngày mà ta chỉ đánh chiếm được khu cư xá sĩ quan và khu nhà thờ quân đội. Đêm 10-3, chấp hành lệnh của trung đoàn, tiểu đoàn xốc lại lực lượng, bổ sung súng đạn, lương thực; sơ bộ giải quyết công tác chính sách, tổ chức rút kinh nghiệm, động viên bộ đội và chuẩn bị mọi mặt cho trận đánh quyết định ngày hôm sau.
5 giờ 30 phút sáng 11-3, cuộc tiến công mới bắt đầu. Tiểu đoàn 7 từ bàn đạp xuất phát xung phong là khu vực mục tiêu đã chiếm được trong ngày 10-3, tiến thẳng vào khu tham mưu, sở chỉ huy địch nhưng do hỏa lực của chúng chống trả quá mạnh, gây cho bộ đội ta nhiều thương vong nên tiểu đoàn phải chấn chỉnh lại đội hình. 9 giờ 30 phút, Tiểu đoàn 7 bẻ gãy đợt phản kích của hơn 100 tên địch. Tiếp đà thắng lợi, tiểu đoàn nhanh chóng phát triển chiến đấu, đánh chiếm khu tham mưu, diệt tại chỗ 269 tên, bắt 19 tên rồi tiến thẳng vào khu trung tâm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy lúc 10 giờ 30 phút.
Đã hơn 40 năm trôi qua nhưng khi nhớ lại thời khắc ấy, Đại tá Hoàng Phục Hưng vẫn không khỏi bồi hồi: “Theo nhiệm vụ được phân công trước khi bước vào trận đánh, đồng chí Bùi Văn Vui, Tiểu đội phó Tiểu đội 5, Trung đội 2, Đại đội 1 được giao mang lá cờ chiến thắng cắm lên nóc sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy nhưng không may đồng chí ấy hy sinh khi đánh chiếm khu nhà thờ. Gần 11 giờ ngày 11-3, khi tôi vào đến sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, đã nhìn thấy lá cờ chiến thắng của ta tung bay trên nóc sở chỉ huy địch. Sau tôi được nghe kể lại là khi vào tới sào huyệt địch, mọi người đang loay hoay không còn cờ để cắm thì đồng chí Trần Công Kỳ, Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 1 tìm thấy lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do địch thu được, giao cho 3 chiến sĩ: Nguyễn Đức Thịnh, Ngô Văn Quyền, Trần Văn Thanh mang cắm lên nóc sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy”.
VƯƠNG HÂN