“Ba chiến sĩ gang thép”
QĐND – Trong những ngày cuối thu này, tôi có dịp cùng đoàn cán bộ, chiến sĩ từng công tác ở Cơ quan Chính trị Quân khu 8 (giai đoạn 1946-1975) đến Khu di tích lịch sử Quốc gia Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Đến để ngưỡng vọng về chiến thắng ngày 2-1-1963, bộ đội và du kích của ta đã đánh bại chiến thuật tân kỳ “Bủa lưới phóng lao”, “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” của Mỹ. Có được chiến công lịch sử đó, không thể không nhắc nhớ về “Ba chiến sĩ gang thép” trong “Đội cảm tử” lúc bấy giờ!
“Ba đồng chí kết thành trái núi”
Sáng sớm 2-1-1963, Bộ tư lệnh Sư đoàn 7 và Chiến đoàn bảo an thuộc Tiểu khu Định Tường mở cuộc càn quét vào xã Tân Phú để vây diệt trung đội địa phương của ta đang trú quân tại Ấp Bắc. Chúng chia thành hai cánh tiến vào thì bị lực lượng ta chặn đánh phải gọi tăng viện. Cùng thời gian này, trận địa công binh dùng thủy lôi đánh chìm một tàu địch tại Vàm Kinh 3 và bắn hỏng hai chiếc khác. Đến 9 giờ 30 phút, chúng cho trực thăng đổ bộ xuống Ấp Bắc. Dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Bảy Đen, các đơn vị quân đội ta dùng súng nã vào đội hình địch làm nhiều tên chết và bị thương, số còn lại phải rút chạy. Một cánh quân địch khác tấn công vào đội hình Đại đội 1 (Tiểu đoàn 514 tỉnh Mỹ Tho) liền bị diệt hơn 50 tên.
Tượng đài “Ba chiến sĩ gang thép”, phía trước là ngôi mộ tháp còn chi chít vết đạn. |
Từ 11 đến 12 giờ trưa, địch sử dụng tiểu đoàn bộ binh có hơn 10 xe M113 yểm trợ mở 5 đợt tấn công vào đội hình Đại đội 1, Tiểu đoàn 261, Quân khu 8, chính diện vào hướng của Tiểu đội 1 nhưng đều bị đánh bật ra. Do ta không có vũ khí chống tăng nên chỉ huy Bảy Đen ra lệnh cho Tiểu đội 1 dùng súng trường bắn vào xích chiếc M113, lựu đạn thì ném dưới lườn xe. Đợt tấn công cuối cùng địch rất hung hãn, chúng cho xe M113 trườn tới gần đội hình của đơn vị, trong khi vũ khí của ta vẫn nã đạn kiềm chế nhưng bất lực. Để diệt được địch thì phải áp sát chúng, Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Đừng cùng Tiểu đội phó Hùng và chiến sĩ Đỗ Văn Trạch bí mật bò cạnh bờ ranh rồi áp sát vào ngôi mộ tháp cao khoảng 6m. Ba chiến sĩ nấp sau ngôi mộ khoảng 15 phút thì chiếc M113 của địch tiến đến. Bất ngờ, cả ba chiến sĩ cùng nhảy lên xe, ném thủ pháo diệt được 5 tên địch, hai xe còn lại tháo chạy trở ra. Chiếc xe M113 bốc cháy, ba chiến sĩ quay lại không kịp nên đã anh dũng hy sinh. “Ba đồng chí kết thành trái núi/ Dựa lưng nhau quật ngã lũ đê hèn”. Cảm phục sự hy sinh anh dũng của các anh, nhân dân tôn vinh là “Ba chiến sĩ gang thép” và Tiểu đội 1 là “Tiểu đội gang thép”.
Tri ân
Đi sâu vào bên trong, qua ba hồ sen lớn và nhiều loại cây kiểng là nhà mộ “Ba chiến sĩ gang thép”, nhà trưng bày xe M113, máy bay, pháo 105mm của địch sử dụng trong trận chiến Ấp Bắc. Chị Trần Thị Ngọc Hân, nhân viên Ban Quản lý khu di tích, cho biết: “Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Đừng sinh năm 1938, quê ở Đồng Tháp. Chiến sĩ Đỗ Văn Trạch sinh năm 1944, quê ở Bến Tre. Còn Tiểu đội phó Hùng quê ở Long An. Theo một số cựu chiến binh thì chỉ biết bí danh đồng chí Hùng thôi, còn lại không ai rõ. Ban Quản lý khu di tích có đến xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An để tìm hiểu nhưng đến nay vẫn chưa xác nhận được thân thế cũng như gia đình đồng chí Hùng”.
Chúng tôi gợi ý muốn gặp ông Hồ Văn Truyền, người đã trực tiếp chôn cất “Ba chiến sĩ gang thép” năm xưa, thì chị Hân nói: “Bác Truyền năm nay ngoài 90 tuổi, sức khỏe yếu nên nằm ở nhà, trí nhớ cũng không còn minh mẫn nữa. Tuy nhiên, con trai bác Truyền cũng làm ở Ban Quản lý này nên nhiều lần chúng tôi đến nhà tìm hiểu về các sự kiện có liên quan đến Chiến thắng Ấp Bắc. Bác ấy kể, lúc đó, bác nghĩ tuy ba chiến sĩ ở ba tỉnh khác nhau nhưng cùng chung chí hướng nên đã chôn cất ba người cùng một mộ. Ngày 7-1-1993, Khu di tích Ấp Bắc được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia thì mới phân chia ra ba ngôi mộ. Trải qua nhiều lần trùng tu mới được khang trang như hôm nay”.
Bà Sáu Mai, nhà ở cạnh khu di tích, cho biết: “Các anh không ai có vợ con gì nên thương lắm. Năm 2003, khi chúng tôi làm cỏ trong khu di tích mới bàn tính với nhau hùn lại làm giỗ các anh. Ý tưởng này được mọi người nhiệt tình ủng hộ. Hằng năm, chúng tôi chọn ngày 7 tháng Chạp âm lịch để cúng giỗ. Hôm đó, người thì con gà nuôi, người thì hái trái cây ngoài vườn, người nấu xôi, gói bánh tét… Mỗi người một ít gom lại, tổ chức nấu nướng tại nhà anh Chinh bảo vệ khu di tích, rồi bưng qua mời các anh về ăn”. Dừng một lúc, bà Sáu Mai kể tiếp: “Lễ giỗ đầu khoảng 30 người, nấu các món cũng thịnh soạn lắm. Năm sau, mọi người thấy vậy nên góp thêm tiền bạc, công sức, tăng lên gần trăm người. Đến lần giỗ thứ ba thì mời lãnh đạo ấp đến dự. Sau đó, mấy chú trên xã thấy việc làm có ý nghĩa nên đứng ra tổ chức, không chỉ riêng bà con trong ấp mà những vùng lân cận cũng tới dự, mời cả thân nhân các liệt sĩ, có năm lên đến mấy trăm người”.
Bài và ảnh: HỒ KIÊN GIANG(Theo báo QĐND)