Ký ức Quế Sơn
Trò chuyện cùng ông Nguyễn Hữu Chỉnh, trong tôi cũng lâng lâng cảm xúc về những kỷ niệm đời quân ngũ của ông, đặc biệt là những tháng năm ông chiến đấu trên đất Quảng, với tình cảm quân dân thắm thiết… Chúng tôi lại càng hiểu thêm về “mệnh lệnh” mà bà Việt nhắc chồng hôm 27-7 vừa rồi: “Vào Quế Sơn, ông phải ưu tiên thăm gia đình má Tuần và viếng các nghĩa trang liệt sĩ từ sớm…”.
Ông Chỉnh và má Tuần tại nhà của má ở Quế Sơn năm 2015. |
Ông Chỉnh kể chuyện, giọng nhỏ nhẹ: “Tháng 4-1970, tôi bịn rịn xa mẹ và làng quê, nhập ngũ. Cuối năm đó, huấn luyện xong thì vào thẳng Quảng Nam chiến đấu. Tôi không cao to nhưng săn chắc, nên được chỉ huy giao phụ trách hỏa lực cối 60mm. Kết thúc mỗi trận đánh mà mình tham dự, tôi thường nghĩ đến trận tiếp theo nhiều hơn là ghi lại chi tiết về chiến sự vừa xảy ra. Song, với trận đánh trong buổi sáng một ngày đầu tháng 4-1971, ở trước hang Đá Bạc thuộc xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, thì tôi nhớ rất rõ. Đó là trận đánh tuy không phức tạp và công phu lắm, nhưng lại có ý nghĩa lịch sử, vì nó chống lại cuộc càn quét cuối cùng của quân Mỹ tại vùng đất này.
Hang Đá Bạc nằm trong một núi đá màu trắng bạc, thuộc xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Địa hình rất hiểm trở; phía cửa vào hang-trên thì dốc đứng, dưới thì vực sâu ngập trong nước xanh đầy vẻ huyền bí. Quân Mỹ coi đó như là hầm ác, không một ai có thể mò vào được. Bởi vậy, chúng đặt ở cách hang này vài trăm mét một bãi đỗ xe tăng. Nhưng chúng không ngờ rằng, Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5, Quân Giải phóng đã ém trong hang từ lúc nào!
Khoảng 9 giờ sáng hôm ấy, tiếng xe tăng Mỹ gầm rú, chuẩn bị xuất kích càn quét vùng này. Dưới sự chỉ huy của ông Cừ (quê Thanh Hóa)-Đại đội phó Đại đội 1, Tiểu đội trưởng hỏa lực Nguyễn Hữu Chỉnh và chiến sĩ Nguyễn Văn Lai từ cửa hang nã đạn cối 60mm vào chỗ 13 chiếc xe tăng địch đang diễu võ dương oai tại bãi đỗ. Đáp lại, đạn pháo địch từ nhiều phía giội vào khu vực hang, chạm đá núi thì văng mảnh tung tóe. Quân ta lợi dụng địa hình địa vật che chắn, hạn chế tổn thất. Ngay hôm sau, bọn Mỹ phải rút hết về Đà Nẵng. Trong đêm liên hoan mừng thắng lợi, Đại đội phó Cừ đã hát tặng một nữ du kích địa phương bài hát dân ca “Con kiến mà leo cành đa”, ám chỉ bọn Mỹ xâm lược đưa xe tăng vào vùng Đá Bạc, rốt cuộc lại phải cuốn xéo”.
… “Và trận này nữa, tôi không thể quên, vì nó cho tôi cơ hội được sống cùng gia đình một bà má Khu 5”-ông Chỉnh xúc động bày tỏ.
Đó là vào một ngày tháng 4-1973 (lúc này, ông Chỉnh đã được bổ nhiệm làm Chính trị viên phó Đại đội 2, thuộc Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 38), trong thế trận “da báo”, ông trực tiếp phụ trách Trung đội 1 của Đại đội 2 chống quân ngụy đi càn chiếm đất tại xã Sơn Lãnh, huyện Quế Sơn. Chiều tà, ông Chuẩn (quê Nam Định), Trung đội trưởng Trung đội 1 bị mảnh đạn M79 của địch xuyên vào phổi, ngay trong công sự. Tiếng kêu “ối” bất chợt của ông Chuẩn lọt vào tai tốp lính ngụy ở gần đó. Chúng hò nhau “bắt sống Việt cộng”. “Lợi dụng địa hình che khuất, tôi lập tức kê súng AK lên chạc cây hình chữ V, ở “cự ly vàng”, lia đến bỏng tay, gửi trọn một băng đạn về phía địch, làm chúng im bặt. Bỗng quả M79 của địch từ nơi khác, bay cầu vồng vào đúng cái cây tôi vừa nổ súng”. Ông vén vạt áo, trỏ ngón tay vào lồng ngực phải: “Một mảnh của nó găm vào phần trên nhu mô phổi. Lúc ấy, tôi quên cả đau, đôn đốc các chiến sĩ khẩn trương cứu ông Chuẩn”…
Sau trận đó, Trung đội 1 chuyển đi làm nhiệm vụ ở nơi khác, ông Chỉnh được về Trung đoàn bộ để điều dưỡng. Tại đấy, má Tuần 50 tuổi-cán bộ Hội Phụ nữ huyện Quế Sơn đã đề nghị và được Ban chỉ huy Trung đoàn 38 đồng ý cho đưa ông về nhà má ở xã Sơn Lãnh để chăm sóc. “Một tháng trời, trong sự nuôi dưỡng của má Tuần, tôi cảm thấy như đang được sống nơi vòng tay của mẹ đẻ. Chỉ khác là những hình ảnh má Tuần đi ở hàng đầu, cùng các má, các chị ở Quế Sơn không sợ hiểm nguy, lăn xả chặn xe tải của quân Mỹ đưa lính đi càn, rồi những lúc các cô gái xứ Quảng dưới sự chỉ đạo của Ban chấp hành Huyện hội-trực tiếp là má Tuần, mang trái cây, sữa hộp, đường, mía đến cho chiến sĩ ta bồi dưỡng sức khỏe… được má và tôi cùng các con má ôn lại, với những xúc cảm đặc biệt”-ông Chỉnh kể trong tâm trạng rưng rưng.
Một tháng sau vết thương lành, ông Chỉnh trở về đơn vị, tiếp tục tham gia đánh giặc cho đến ngày toàn thắng. Sau đó, ông cùng đồng đội thuộc Tiểu đoàn 7 thực hiện các nhiệm vụ mới do cấp trên giao, hết làm quản giáo Tổng trại tù binh 1, Quân khu 5 tại Khâm Đức (Quảng Nam), đi trồng bông ở thị trấn Sông Mao (thuộc tỉnh Bình Thuận ngày nay), lại ra địa đầu phía Bắc làm Quốc lộ 2.79 từ Lai Châu tới Lạng Sơn. Cho đến tháng 4-1981, ông được chuyển ngành, học hàm thụ tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, ra trường về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Năm 2011, tròn 60 tuổi, ông nghỉ hưu, sống cùng gia đình riêng ở số 267, phố Quang Trung, TP Hải Dương.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG