Ngày tháng trôi như “bóng câu qua cửa sổ”. Mới đó mà hôm nay đã là ngày 27 tháng Chạp năm 1983. Chiều đến, Nguyễn Văn Đản vội ra chợ hoa tìm mua một cành bích đào-loại hoa đặc trưng mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Với anh, loài hoa ấy không thể thiếu bởi nó không chỉ tạo cho bầu không khí Tết một sắc thái đặc biệt mà nó còn là một kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên trong cuộc đời chiến đấu của anh những năm tháng ở Trường Sơn.
Chợ hoa Hà Nội như một cánh rừng rực rỡ sắc màu, ngan ngát hương thơm, bạt ngàn chủng loại. Người mua hoa đông như đi trẩy hội. Giữa lúc Đản đang loay hoay tìm cách tránh dòng người chen lấn, len lách, chợt có một người phụ nữ trạc 34-35 tuổi, tay cầm cành bích đào xuất hiện ngay trước mặt.
– Chị mua cành đào này bao nhiêu tiền đấy? – Anh hỏi.
Dường như phát hiện trong giọng nói của Đản có chút âm sắc quen thuộc, người phụ nữ sững người, nhìn anh giây lát, rồi reo lên:
– Ôi, anh Đản!
– Thu Hiền!-Đản cũng gần như hét lên, vui mừng và cảm động khôn xiết vì họ chia tay nhau đã lâu lắm rồi, nay tình cờ gặp lại, hỏi sao không vui cho được!

Vài câu chào hỏi xã giao, đôi lời hàn huyên qua lại, rồi không ai bảo ai, cả Đản và Hiền cùng lặng người. Những kỷ niệm xa xưa-hơn 10 năm chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa từ trong ký ức sâu thẳm bỗng trỗi dậy, ùa về, sống động như những tháng năm nào…
Độ ấy, vào cuối năm 1970, Đản đang làm thợ sửa chữa pháo của Tiểu đoàn 123, Trung đoàn 241 thì được điều lên làm Trợ lý pháo của trung đoàn cao xạ bảo vệ tuyến đường Trường Sơn. Ngay từ ngày đầu về đây, Đản và Ngô Văn Khoa-quê ở Thái Bình (lái xe kéo pháo) bắt quen và thân nhau vì hai người đều là bạn chung của Vương Văn Tỉnh (lái xe của Tổng đội Thanh niên xung phong), đồng hương với Đản (Nam Sách-Hải Dương), nhưng anh Tỉnh đã hy sinh hồi tháng 9-1965 ở dốc Bò Lăn (Thanh Hóa). Khoa hứa với Đản, khi nào đánh thắng giặc Mỹ, sẽ dẫn Đản đến địa điểm anh Tỉnh hy sinh và nơi anh an nghỉ.
Những chuyến xe Đản và Khoa ra Quảng Bình lấy đạn hoặc kéo pháo hỏng ra trạm sửa chữa… đã gắn bó hai người như anh em một nhà. Từ những chuyến đi ấy, Khoa gặp và đem lòng yêu thương một nữ Thanh niên xung phong ở trạm gác bắc bãi Chà Lì, tên là Thu Hiền. Ngoài dáng người thon thả, xinh xắn, thùy mị, nết na, Hiền còn có tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, dũng cảm, hăng hái, xông pha đến những nơi khó khăn nhất, nguy hiểm nhất. Đặc biệt, cô cũng rất cứng rắn, nghiêm túc và kiên quyết trong khi thi hành nhiệm vụ. Còn Khoa-một chàng trai dễ mến, sống chân thật, thẳng thắn, nhiệt tình giúp đỡ bạn bè, đồng đội; luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đặc biệt dũng cảm, không ngại khó, ngại khổ, vất vả hy sinh. Cả Khoa và Hiền đều được bạn bè hai đơn vị quý mến.
Họ gặp nhau lần đầu tiên vào đêm 15-2-1971. Đêm ấy, giặc Mỹ đánh bom dữ dội, khiến đường bị hỏng nặng. Thu Hiền chắn đường, bắt xe Khoa dừng lại. Khoa thì ruột gan nóng như lửa đốt, muốn nhanh chóng chở đạn về ngay đơn vị. Hai bên đều đưa ra những lý lẽ đầy thuyết phục nhưng cuối cùng, Khoa vẫn phải chấp hành “lệnh” của Thu Hiền: Đánh xe vào lề đường, chờ lực lượng Thanh niên xung phong khắc phục sự cố, khi thông đường mới được đi tiếp. Tình cờ, Khoa và Hiền lại là đồng hương với nhau nên hai người sớm kết thân. Chiến tranh đã tạo cho họ cơ hội “đốt cháy giai đoạn”, không cần “tìm” mà như đã “hiểu” nhau từ lâu rồi.
Những chuyến sau, lúc xe Khoa phải chờ đợi như thế, mặc nhiên, Đản trở thành người trông xe một cách “tự nguyện”, tạo điều kiện cho hai bạn tâm sự. Mỗi lần qua lại trạm gác, Khoa đều có hoa, khi thì hoa sim, khi thì hoa mua, khi thì giò phong lan hoặc chí ít cũng là bó hoa chè rừng… tặng Thu Hiền. Vào dịp Tết Nhâm Tý 1972, không biết Khoa kiếm đâu được cành bích đào thật đẹp, đem từ Lệ Thủy (Quảng Bình) vào tặng người yêu… Thu Hiền xúc động lắm. Cô tin Khoa cũng như tin vào mối tình đầu đẹp đẽ, trong sáng của mình. Họ hứa với nhau sẽ đợi chờ đến khi đất nước sạch bóng quân thù…
Thật không may, đêm 18-3-1972, chuyến xe chở đầy vũ khí của Khoa đến cây số 68-thị trấn Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị thì bị máy bay Mỹ phát hiện. Tên giặc trời quái ác quần thảo bổ nhào, bắn như vãi đạn xuống mặt đường. Mặc, Khoa vẫn bình tĩnh, vững vàng tay lái, đánh xe sang phải; lại quặt sang bên trái, tránh đạn của kẻ thù. Tên giặc lái hám mồi, vẫn ngoan cố đeo bám. Xe Khoa bị mấy viên đạn 20mm bắn trúng, khựng lại và anh cũng bị trúng đạn, hy sinh đêm ấy…
Khi khâm liệm và chôn cất bạn, Đản móc trong túi áo Khoa ra một chiếc ví. Trong đó có mảnh giấy ghi rõ họ tên, ký hiệu đơn vị, địa chỉ quê hương và ảnh Thu Hiền. Đản lặng lẽ cất kỹ kỷ vật của Khoa, chờ ngày trao lại cho người yêu của anh và báo cho Thu Hiền biết tin buồn này. Nhưng vì nhiệm vụ, Đản không có dịp gặp lại Thu Hiền nữa…
Cho đến hôm nay, nhìn cành hoa bích đào mà Thu Hiền cầm trên tay, Đản lại nhớ đến cành hoa cuối cùng Khoa tặng Hiền trong dịp Tết Nhâm Tý 1972 tại đất lửa Trường Sơn.
– Anh Đản à, anh còn nhớ cành hoa bích đào năm ấy anh Khoa tặng em không? Ai ngờ, đó lại là kỷ niệm cuối cùng của chúng em. Hằng năm, cứ đến ngày áp Tết, em lại mua một cành bích đào cắm vào bình. Em nhớ lại hình ảnh của anh Khoa, nhớ lại mối tình đầu ngọt ngào, trong sáng nơi trận tuyến diệt thù đầy máu và nước mắt nhưng đẹp vô cùng và cũng sâu sắc vô cùng… Cho dù bây giờ, anh ấy đã đi xa mãi mãi…
Thì ra, Thu Hiền cũng cùng chung ý nghĩ với Đản. Hằng năm, cứ mỗi dịp năm hết, Tết đến, mỗi người đều mua một cành hoa bích đào như là cho riêng mình để hồi tưởng những tháng năm chiến đấu nơi chiến trường với bao kỷ niệm của một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
LÊ HOÀI THAO