Trong căn nhà nhỏ ở xã Mỹ Hà (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), bên bến sông Thương lịch sử, Đại tá Bùi Minh Hiếu đã kể cho chúng tôi nghe về trận đánh cuối cùng trước cửa ngõ Sài Gòn cách đây 42 năm. Khi ấy, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đặc công 198. Vừa nói chuyện, ông vừa mở bản đồ, chỉ cho chúng tôi hướng tấn công của ta, sự phản công của địch và khẳng định sự độc đáo, sáng tạo của Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh khi sử dụng lực lượng đặc công luồn sâu, đánh hiểm, chốt giữ các vị trí quan trọng trong chiều sâu chiến dịch, tạo đầu cầu, bàn đạp cho chủ lực tiến công.

 

Đại tá, cựu chiến binh Bùi Minh Hiếu và vợ.  

 

Sau khi lập công xuất sắc trong Chiến dịch Tây Nguyên, chiều 14-4-1975, Trung đoàn 198 được Đoàn 559 tăng cường gần 100 xe ô tô, hành quân xuống miền Đông Nam Bộ, bổ sung vào lực lượng của Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh để đánh vào sào huyệt cuối cùng của địch.

Nhiệm vụ chủ yếu của Trung đoàn 198 được Bộ tư lệnh chiến dịch giao là bí mật luồn sâu, đánh chiếm, chốt giữ cầu Bông, cầu Sáng và thành Công Binh, mở đường cho lực lượng cơ động của Quân đoàn 3 thọc sâu theo hướng tây bắc Sài Gòn. Cùng với nhận nhiệm vụ là nhận quân trang, trận này ai cũng mặc quân phục mới và đeo một chiếc băng đỏ trên tay. Cán bộ, chiến sĩ từ rừng sâu trở về còn được quán triệt phải giữ đúng lễ tiết tác phong quân nhân khi tiếp xúc với nhân dân vùng đồng bằng, đô thị mới giải phóng. Tất cả đều háo hức bước vào trận chiến đấu quyết định. Nhật ký bằng thơ của Bùi Minh Hiếu ngày 20-4-1975 viết:Mơ về đất lạ Biên Hòa/ Sài Gòn rợp bóng cờ hoa thỏa lòng/ Ta đi mỗi bước thêm mong/ Về trận quyết định xung phong diệt thù…

Sáng 25-4, cả trung đoàn đã bám mép sông Sài Gòn chờ đến đêm vượt sông vào vị trí tập kết. Sau khi vượt sông, Trung đoàn 198 được chia làm hai mũi luồn sâu. Mũi 1 gồm 2 tiểu đoàn đặc công của Trung đoàn 198, có nhiệm vụ luồn sâu sau lưng địch đánh chiếm cầu Bông và thành Công Binh trên Đường 22 (từ Tây Ninh về Sài Gòn). Mũi 2 gồm 1 tiểu đoàn đặc công và một tiểu đoàn bộ binh (thuộc Trung đoàn 64), có nhiệm vụ luồn sâu sau lưng địch đánh chiếm cầu Sáng trên Đường 15 án ngữ phía đông Sài Gòn.

Hành quân đến 4 giờ sáng 29-4, vẫn chưa thấy mục tiêu, Trung đoàn trưởng Bùi Minh Hiếu lệnh cho tổ trinh sát đặc công đột nhập vào ấp bên cạnh, bắt hai dân vệ (một tổ chức bán vũ trang của ngụy quyền Sài Gòn làm nhiệm vụ canh gác ấp) dẫn đường. Cả mũi lại tiếp tục bí mật hành quân. Cách đồn địch canh gác cầu Sáng khoảng 200m, Trung đoàn trưởng cho quân dừng lại kiểm đếm lực lượng và đưa trinh sát lên bám mục tiêu. Do hành quân xa trong đêm tối gặp nhiều kênh, rạch, ruộng sình lầy nên khi kiểm quân số mới có Đại đội 1 làm nhiệm vụ dự bị, Đại đội 3 đảm nhiệm hướng tấn công thứ yếu có mặt, còn Đại đội 2 tấn công chủ yếu, đại đội hỏa lực và tiểu đoàn bộ binh phối thuộc vẫn chưa tới.

Nhận định nếu chờ đủ lực lượng thì trời sáng, có thể địch phát hiện dùng máy bay ném bom và bắn pháo nên Trung đoàn trưởng Bùi Minh Hiếu quyết định sử dụng Đại đội 1 làm lực lượng tấn công hướng chủ yếu, Đại đội 3 tấn công hướng thứ yếu. Lực lượng còn lại đến sau sẵn sàng chi viện.

Đúng 5 giờ 5 phút ngày 29-4, hiệu lệnh tấn công phát ra, Đại đội 1 khai hỏa bằng loạt đạn B40, B41 phá lô cốt, sau đó thọc sâu, chia cắt, tiêu diệt địch. Đại đội 3 men theo mép kênh Sáng đánh mũi vu hồi.

Nghe tiếng súng nổ, Đại đội 2 đặc công, đại đội hỏa lực và tiểu đoàn bộ binh phối thuộc từ phía sau lao lên tiếp ứng. Trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ cho Đại đội 2 đặc công cơ động nhanh qua kênh, bí mật vòng đánh phía sau phía tây cầu Sáng khi chúng đang bị hỏa lực của Đại đội 1 và Đại đội 3 thu hút phía đông cầu. Tiểu đoàn bộ binh phối thuộc làm lực lượng dự bị. 25 phút sau, ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa. Địch cho một tiểu đoàn nhảy dù xuống phản kích. Để tránh thương vong không đáng có, ta đã thuyết phục chúng ra hàng.

Đến 7 giờ sáng 29-4, Trung đoàn trưởng Bùi Minh Hiếu ra lệnh cho tiểu đoàn bộ binh phối thuộc (thuộc Trung đoàn 64) qua cầu Sáng, tiến về quận Hóc Môn tiếp sức cho Tiểu đoàn Đặc công 37 đang đánh chiếm thành Công Binh.

Đến chiều 29-4, các mục tiêu: Cầu Bông, cầu Sáng và thành Công Binh tiếp tục được giữ vững, đón các cánh quân thọc sâu của Quân đoàn 3 vào đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Chỉ trong 3 ngày hành quân chiến đấu (từ 27 đến 29-4), Trung đoàn Đặc công 198 đã tiêu diệt và bắt sống 565 tên địch, phá hủy hàng chục xe tăng, xe bọc thép, thu hơn 100 xe ô tô, 10 khẩu pháo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường cơ động cho Quân đoàn 3 tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trung đoàn cũng có 13 đồng chí hy sinh và 74 đồng chí bị thương. 

Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ (nguồn báo QĐND)