Vào chiến trường khi tuổi xuân phơi phới
Năm 1966, Phạm Thọ – chàng thanh niên quê ở Phú Thọ khi đó mới 20 tuổi nhập ngũ với niềm mong ước cháy bỏng là được ra chiến trường để chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Một năm sau đó, ông đã tham gia nhiều đợt đi vào chiến trường miền Nam.
Là quay phim của Điện ảnh quân đội nhân dân cũng như những phóng viên chiến trường khi đó, chiến sĩ Phạm Thọ luôn xác định, sẵn sàng nhận và thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao. Tháng 2-1975, ông đi cùng với một đoàn quân chủ lực xuất phát từ miền Bắc và hành quân vào Tây Nguyên.
Lúc đó, ông đi theo Sư đoàn 320, tiến thẳng vào Sài Gòn. Trên đường hành quân, khi đến khu vực Tân Uyên đã là buổi đêm. Đoàn gặp một căn cứ khá lớn của địch và bọn chúng sử dụng nhiều loại máy bay tham chiến để bắn trả lại lực lượng của ta nhưng mọi sự tấn công của địch đều đã bị các chiến sĩ vô hiệu hóa. Quân ta sau khi giải phóng xong Tây Nguyên và vượt sông Bé tiến vào Phước Long, lúc đó bản thân chiến sĩ trẻ Phạm Thọ không biết là được theo đoàn đi vào giải phóng miền Nam. Đi đến đâu, thấy địch là đánh và quay phim. Không quản ngại khó khăn, gian khổ, chiến sĩ Phạm Thọ đã quay được rất nhiều thước phim dưới làn mưa bom, bão đạn của quân thù.
“Khi đến Sài Gòn, chứng kiến cảnh các chiến sĩ của Quân đội Việt Nam đang tiến vào tiêu diệt quân địch, lúc đó đối phương cũng phản kháng lại khá dữ dội nhưng đều bị lực lượng của ta khống chế. Chúng tôi tiến vào tận Phú Lợi và căn cứ Lái Thiêu, khi đó tôi biết là sắp vào đến Sài Gòn rồi. Tôi nhớ mãi hình ảnh xe tăng đâm vào đầu cầu sắt Lái Thiêu là do đồng chí Nguyễn Huy Hiệu – Trung đoàn trưởng lúc đó chỉ huy chặn địch ở quốc lộ 13, xe tăng của địch chống trả lực lượng của ta không được đã hoảng loạn, bỏ chạy. Vì cuộc chiến diễn ra vào ban đêm nên quay phim khó hơn ban ngày, nhưng đó là những thời khắc mà tôi không thể nào quên”, Đại tá Phạm Thọ nhớ lại.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của một phóng viên quay phim, suốt dọc đường hành quân, chiến sĩ Phạm Thọ phải ngồi trên nóc một chiếc xe tăng và nhìn ra ngoài thì mới quay được. Cứ thế, ông mải miết quay phim dưới làn đạn quân thù. Khi vào đến cầu Bình Triệu, quân địch chống cự quyết liệt nhưng ông cùng đồng đội vẫn lao vào tiêu diệt từng tốp quân địch để rồi tiếp tục tiến sâu vào trung tâm Sài Gòn.
“Chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975”
Đó là một trong những bộ phim do Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện đã đoạt Bông sen Vàng tại Liên hoan phim toàn quốc năm 1975. Trong phim sử dụng rất nhiều hình ảnh mà Đại tá, NSƯT Phạm Thọ quay trong ngày đầu tiên Sài Gòn được giải phóng.
Nhớ lại thời khắc Sài Gòn ấy, Đại tá, NSƯT Phạm Thọ cho biết: “Hình ảnh thành phố khi đó thật ấn tượng, quân địch vứt quân tư trang la liệt ở đường và giơ tay hàng. Còn người dân thì đổ ra mọi nẻo đường trong thành phố với một niềm hân hoan, phấn khởi vô cùng. Mọi người ùa đến bắt tay từng cán bộ, chiến sĩ. Vì không muốn để mất những khoảnh khắc đó, tôi luôn vác máy trên vai và mải miết quay không ngừng nghỉ. Chúng tôi cùng với đoàn quân giải phóng tiến thẳng vào Bộ Tổng tham mưu ngụy vào khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30-4. Tôi cố gắng quay được hết những hình ảnh diễn ra ở đây. Khi tôi đang quay ở cổng Bộ Tổng tham mưu ngụy thì có một quả lựu đạn của quân địch ném ra nổ gần chỗ tôi và đồng chí Lê Minh Thành phụ quay đang đứng, may mắn lúc chúng tôi đã thoát chết trong gang tấc. Đó là những khoảnh khắc không thể nào quên đối với tôi. Chỉ tiếc rằng, hồi đó, máy quay phim không hiện đại như bây giờ, cứ mỗi lần quay được vài mét phim, tôi lại phải dừng lại để lên dây cót mà sự kiện lúc đó diễn ra liên tiếp và hình ảnh nào cũng hay, cũng quý. Mặc dù hạn chế về phương tiện nhưng tôi và các đồng nghiệp vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Dưới sự chỉ đạo của Trung tá Trần Việt, đạo diễn bộ phim “Chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975”, trong ngày 30-4-1975, phóng viên quay phim Phạm Thọ đã tỏa đi các hướng của Sài Gòn để ghi lại hình ảnh về không khí của ngày giải phóng. Được hòa vào dòng người để vừa tận hưởng niềm vui chiến thắng của dân tộc vừa thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao là một niềm vinh dự mà không phải ai cùng có được. Vì thế, dù phải vác chiếc máy quay rất nặng, vừa đi vừa chạy bộ từ phố này sang phố khác, nhưng trên gương mặt người chiến sĩ quay phim trẻ này vẫn rạng ngời niềm vui chiến thắng.
Những thước phim quay vào ngày 30-4-1975 sau này được sử dụng lại trong bộ phim “Mùa xuân toàn thắng”. Đại tá, NSƯT Phạm Thọ đã quay được nhiều thước phim có giá trị về Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bây giờ, khi nghĩ về những ngày tháng đáng nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ của mình, Đại tá Phạm Thọ vẫn luôn tự hào mình là người “chép sử bằng hình” góp phần đưa những hình ảnh mùa xuân toàn thắng đến với đồng bào cả nước và thế giới.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN (QĐND)