NGƯỜI NỮ ANH HÙNG VỚI NHỮNG CHIẾN CÔNG BINH – ĐỊCH VẬN Binh vận ở vùng tạm chiếm Bà sinh năm 1929 tại Đồ Sơn, Hải Phòng trong một gia đình dân nghèo nhưng giàu lòng yêu nước, Hoàng Thị Nghị sớm kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của gia đình và quê hương. Năm 1946, giặc Pháp đánh chiếm Đồ Sơn, quê bà trở thành vùng tạm chiếm. Lúc đó, bà Nghị 17 tuổi, vừa giúp đỡ bố mẹ tản cư về nơi an toàn, vừa tham gia công tác ở Hội phụ nữ cứu quốc, chống giặc ngoại xâm ở địa phương. Tháng 2 năm 1948, bà nhập ngũ và được kết nạp vào Đảng khi mới 19 tuổi. Thời gian đầu, bà công tác tại Ban Địch vận thị trấn Đồ Sơn và được giao nhiệm vụ vận động, làm tan rã hàng ngũ binh lính địch ở các đồn Yên Cố, Pháo Đài, bót Bang Tá (Đồ Sơn), sau đó bà làm cán bộ địch vận ở huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) tới năm 1954. Thời kỳ này, tình hình cả nước rất căng thẳng. Kẻ địch từ thực hiện chính sách lấn chiếm chuyển sang chính sách xâm lược toàn bộ, tiến hành càn quét gắt gao, bày mưu tính kế lôi kéo người di cư vào Nam, thực hiện âm mưu dùng người Việt đánh người Việt. Chúng tuyên truyền: “Bà con thương gia ở lại với cộng sản thì đừng có hòng mà tự do kinh doanh, khó phất lắm đấy”, “Chúa vào Nam rồi! Cộng sản sẽ gạt mọi người theo đạo ra ngoài lề xã hội. Phải đi theo Chúa thôi. Mất quê còn hơn mất Chúa. Chúa ở đâu thì quê hương ở đấy”… Với lợi thế là người địa phương, có nhiều mối quan hệ và quen thuộc địa bàn, bà đã dựa vào dân và bằng cách riêng của mình, xây dựng các cơ sở lấy tin tức từ nội bộ địch, gây dựng cơ sở nội tuyến và tổ chức tuyên truyền, giác ngộ, kêu gọi binh lính địch phản chiến, trở về với gia đình, quê hương. Mặc dù tuổi đời còn trẻ, nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm, nhưng với tấm lòng chân thành, sự kiên trì, mềm dẻo, mưu trí, sáng tạo, lại được người dân che chở, nuôi giấu và bảo vệ, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng được nhiều cơ sở nội tuyến và tấn công làm tan rã hàng ngũ địch. Việc tiếp cận với những sĩ quan ngụy là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, nguy hiểm, luôn đòi hỏi phải đối phó với nhiều tình huống gay go. Có lần, khi tiếp xúc với một tên thiếu úy ngụy, trước lời lẽ hăm dọa, bà đã trả lời: “Nếu sợ thì tôi đã không đến. Đã đến tức là tôi không sợ. Chân lý cho tôi sức mạnh khiến chúng tôi không sợ trước mọi hành động bất chính…”. Bà đã tổ chức vận động được nhiều lính Âu Phi ở xóm Thốc Hang Trê, khu Vạn Hương, lôi kéo bọn lính thợ trên pháo đài, thức tỉnh được hơn 100 binh lính ngụy, lính Âu Phi trở về với gia đình, với cách mạng. Có lần, bác đột nhập vào gia đình binh sĩ ngụy, cảm hóa bà mẹ để thuyết phục đứa con lầm lỗi, giáo dục chị vợ để lôi kéo người chồng lầm đường, lạc bước trở về với gia đình. Đối với binh lính Âu Phi, mặc dù ngôn ngữ bất đồng, song bà và đồng đội đã sử dụng nhiều biện pháp tấn công vào tinh thần, tâm lý của họ. Khi vận động trung đội lính da đen ở Vạn Hương, mặc dù không biết tiếng, nhưng bác và một số chị em đã dắt một cháu nhỏ ra đường đón gặp bọn lính, ra hiệu hỏi họ “Có con không? Có lớn bằng đứa nhỏ này không? Có nhớ con không”… Qua những cử chỉ, các bác đã đánh sâu vào tâm lý nhớ nhà, nhớ vợ, thương con của binh lính Âu Phi. Sau đó, bác và đồng đội lại tìm cách đưa đến tay họ những tờ truyền đơn có hình ảnh quê hương Tổ quốc của họ và nội dung phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa do thực dân Pháp tiến hành. Kết quả, cả trung đội lính da đen phản chiến chạy sang hàng ngũ của ta Trong chiến dịch Điện Biên phủ Phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ, đầu năm 1954, bà và đội công tác của bác vận động hàng trăm bà con các gia đình cơ sở ven thị trấn Gia Lâm dũng cảm xông ra giữa đường phố, lôi kéo binh lính ngụy ngay trước mặt bọn lính Pháp. Các bà, các chị phân công nhau, bộ phận chặn xe địch, bộ phận nhảy lên xe, mỗi người với vai kịch của mình lôi một người lính xuống: “Anh không được đi đâu cả. Anh về mà nuôi lấy con. Em chịu khổ một mình mãi rồi. Em cô đơn mãi rồi”, “Con ơi, mẹ héo hon vì con mấy năm nay rồi. Bây giờ con lại đi đâu nữa. Hòa bình rồi. Độc lập đến nơi rồi. Chính phủ Cụ Hồ sẽ về, con còn đi đâu nữa hở con”… Không khí được tạo nên khiến những người lính ngụy cứ ngỡ như gặp gia đình mình thật, vả lại nhiều người trong số họ cũng mong gặp một dịp như thế để trốn khỏi kiếp lính đánh thuê. Bà cùng đồng đội và bà con nhân dân đã tạo thời cơ trùng hợp với nguyện vọng của họ. Thế là họ nhảy ra khỏi xe, lợi dụng lúc hỗn độn cùng với “vợ” hoặc “người yêu”, “em gái”, “bố”, “mẹ” chạy tạt vào ngõ phố rồi lẩn vào các thôn ven đường. Ở đây, ta đã bố trí các bộ phận tiếp đón chu đáo, chuẩn bị quần áo thường dân cho họ thay bỏ quân phục ngụy ra, có giao liên dẫn đường đưa họ về nơi tập trung, giúp họ trở về quê quán. Liên tục những ngày sau đó, hàng trăm bà con các gia đình cơ sở, vẫn với kế hoạch như trên, tràn ra đường chặn xe địch, lôi kéo hàng trăm người lính lầm đường quay về với nhân dân. Có hôm, lôi kéo được lái xe, đưa được cả xe ô tô về khu căn cứ. Trong những lần như thế, bọn lính da đen, da trắng ngồi trên xe nhìn theo các cuộc giằng co, chỉ cười… Công tác vận động binh lính địch đã được bà và đồng đội tiến hành hết sức táo bạo như vậy. “Tập kết ngược” Ngày 21 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình lập lại. Trong khi ta nghiêm chỉnh thực hiện các điều khoản Hiệp định đình chiến, mong chờ hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất đất nước, thì kẻ địch cố tình phá hoại Hiệp định đình chiến và gây dựng thêm thế lực để củng cố nền thống trị của chúng ở miền Nam. Đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tiến tới thống nhất đất nước. Trong hoàn cảnh đó, bà nhận được lệnh của trên: “Bàn giao ngay công việc cho các đồng chí trong tổ, ngày 20 tháng 11 năm 1954 về Tổng cục Chính trị nhận nhiệm vụ mới”. Khi giao nhiệm vụ cho bác, đồng chí đại diện cho lãnh đạo Tổng cục Chính trị nói: “Trung ương cần một số cán bộ vào miền Nam công tác. Chúng tôi đã nghe anh em báo cáo về tinh thần và năng lực của đồng chí. Với thành tích đồng chí đã đạt được ở Đồ Sơn, Kiến Thụy năm 1952 cũng như đợt hoạt động phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ đầu năm 1954 ở Gia Lâm, Ngọc Hà, chứng tỏ đồng chí là một cán bộ binh vận dũng cảm và thông minh, có nhiều biện pháp táo bạo, khôn khéo… Bởi thế cấp trên quyết định chọn đồng chí tiếp tục làm nhiệm vụ này nhưng ở mặt trận phía Nam, có nhiều khó khăn hơn”. Thế là ở cái tuổi 25, bà Nghị tạm biệt quê hương, người thân trong gia đình, tạm biệt mối tình đầu để lên đường vào Nam. Bà nói dối bố là đi công tác nước ngoài 2 năm. Bố bác ngạc nhiên hỏi: “Con là đàn bà con gái thì làm tướng làm tá gì mà phải đi học ở nước ngoài, lại học những hai năm?”, bác trả lời: “Không làm tướng làm tá cũng phải học bố ạ. Không học nó bó trí khôn của mình lại”. Khi chia tay người yêu, bác cố kìm nén cảm xúc, khuyên người yêu rằng: “Anh đừng chờ em nữa, đừng tự ràng buộc vào lời giao ước mà khổ. Đừng chờ em, nếu đã quá hai năm mà em chưa về”. Ngày 2 tháng 1 năm 1955, với cái tên Nguyễn Thị Na, vợ của một trung úy phi công, bà di cư theo chồng vào Nam. Để hợp pháp hóa, tổ chức sắp xếp bà với đồng chí Thọ Tuynh (cũng là cán bộ được Cục Địch vận cử vào Nam hoạt động) thành một “cặp vợ chồng”. Tuy nhiên, sau khi vào Nam, để tránh phức tạp, hai người đã “ly hôn” ngay khi chưa làm lễ cưới. Ở Sài Gòn, bà Nghị thực hiện nhiệm vụ trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nguy hiểm, địa bàn mới lạ, chưa hiểu biết nhiều về phong tục, tập quán địa phương, nhiều khó khăn không thể lường trước, trong khi đó, kẻ thù lại vô cùng xảo quyệt. Đã có biết bao khó khăn vất vả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng mà bà đã từng trải qua trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Để công việc được thuận lợi, bà phải tìm nhiều nghề hợp pháp để kiếm sống và che mắt địch. Số tiền lãi thu được từ việc buôn bán, bà coi là tiền của chung, ai cần cũng có thể lấy để chi tiêu. Bà vừa tranh thủ tiếp xúc, thâm nhập, móc nối, xây dựng cơ sở nội tuyến, vừa tấn công, làm tan rã hàng ngũ địch, nhanh chóng tạo nên được cái thế khá vững chắc cho công tác của mình. Chỉ hơn một năm, từ tháng 2 năm 1955 đến tháng 3 năm 1956, với quyết tâm cao, lại biết dựa vào quần chúng, nhanh chóng tạo thế hợp pháp, bà đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng cơ sở hoạt động của bộ phận binh vận ở Sài Gòn, tổ chức được nhiều nơi ăn, ở cho cán bộ địch vận của ta và giác ngộ được một số hạ sĩ quan, binh lính địch ngay trong các đơn vị ở nội thành. Sau 14 tháng vào Nam, tổ công tác do bà phụ trách phát triển khá rộng, đã có hàng trăm sĩ quan, hạ sĩ quan và binh lính địch ở các lực lượng bảo an, bộ binh, pháo binh, thiết giáp, không quân.. được tuyên truyền, vận động trở thành nội gián của ta. Là người “có thâm niên” làm công tác binh – địch vận, bà Nghị vừa tuyên truyền, vận động, giác ngộ đối với binh lính, vừa tranh thủ sĩ quan và nhân viên ngụy quyền, vừa triệt để khai thác và lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ địch, tạo thời cơ thuận lợi cho phong trào cách mạng. Bà tự tổng kết rút kinh nghiệm cho mình là: Đánh giặc trong lòng giặc phải đánh từ “sân sau” của mỗi tên lính, từ trong bếp của mỗi tên sĩ quan ngụy. Vì vậy, với phương châm “vừa xây dựng cơ sở vừa tấn công, lấy tấn công để xây dựng cơ sở”, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bà luôn chú trọng việc tiếp xúc với thân nhân, gia đình binh lính ngụy, thông qua “cái sân sau” của binh lính ngụy để tiến hành có hiệu quả công tác tuyên truyền vận động, giác ngộ, thức tỉnh họ trở thành binh sĩ yêu nước, từ bỏ con đường phi nghĩa, trở về với cách mạng, với nhân dân. Bà và các đồng đội không chỉ gây dựng được một mạng lưới cơ sở, cài cắm nội gián mà còn xây dựng được một mạng lưới binh sĩ yêu nước, có cảm tình với cách mạng ở trong các binh chủng của quân đội địch, góp phần giảm bớt những bàn tay gây tội ác, giảm thiệt hại, tổn thất cho cách mạng, tạo thế trận, sẵn sàng chuẩn bị cho việc tấn công địch từ ngay trong lòng của chúng. “Tâm công” trong nhà lao của địch Ngày 21 tháng 3 năm 1956, bà bị Cảnh sát đặc biệt miền Đông bắt giam, chúng tra tấn dã man, dụ dỗ, mua chuộc xảo quyệt, nhưng trước sau bà không khai nhận. Kẻ địch không lấy được cung, chúng đưa bà về nhà lao Gia Định, Thủ Đức, bắt chào cờ, tố cộng, suy tôn Ngô tổng thống. Bà không chịu, chúng liền nhốt bác vào hầm, không cho uống nước. Chúng liệt bà vào danh sách “cứng đầu”, vào trại Tam Hiệp (Biên Hòa). Tại đây, bà lại cùng chị em tổ chức tuyệt thực. Ngày 2 tháng 1 năm 1957, Chúng đưa bà ra Côn Đảo, tiếp tục tra tấn, thuyết phục, dụ dỗ rồi đưa bà xuống hầm xay lúa – nơi chúng đã từng tra tấn Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Sau một thời gian ở Côn Đảo không khai thác được gì, địch lại đưa bà trở về đất liền, lúc thì ở nhà lao Phú Lợi, khi bị đẩy sang nhà lao Gia Định, rồi lại về nhà lao Thủ Đức, nhà lao Phú Lợi. Trong thời gian ở tù, bà cùng với chị em gắn bó với nhau, kết thành đội ngũ đấu tranh chống trả lại tất cả mọi thủ đoạn của bọn giám ngục. Trước những trận tra tấn bằng nhiều thủ đoạn dã man, độc ác, nham hiểm của kẻ thù, bà luôn nhớ lới dặn dò của cấp trên khi giao nhiệm vụ: “Dù khó khăn gian khổ ác liệt thế nào cũng phải giữ cho lòng mình luôn trong sáng”. Bà luôn tự nhủ với bản thân “ Với kẻ thù, chỉ có một sống, hai chết ” để giữ vững khí tiết cách mạng, tỉnh táo đối phó với những thủ đoạn thâm độc của kẻ địch. Bà cùng với các đồng chí khác trong tù thành lập tổ đoàn kết, thành lập chi bộ nhà tù, ra nghị quyết giúp đỡ nhau, chống thi hành nội quy, chống chào cờ, chống tố cộng, phổ biến cho nhau kinh nghiệm đối phó với địch để bảo vệ cơ sở, bảo vệ khí tiết… Mặt khác, trong thời gian bị tù đày, bà Nghị không quên tiến hành công tác binh – địch vận. Bà đã tận dụng mọi thời cơ, tranh thủ tuyên truyền, vận động, giác ngộ, thức tỉnh binh lính, cai ngục nhà tù, vận động họ làm những việc có ích như giúp đỡ người bị tù về nước uống, nới thêm thời gian đi tắm, mua giúp xà phòng, chỉ thêu, giấy bút…, đặc biệt là hạn chế những việc làm tàn ác đối với những người tù. Tháng 1 năm 1960, chúng buộc phải trả tự do cho bác với bản án “Tình nghi chính trị”. Ra tù, chưa bắt liên lạc được với tổ chức, bà tự nhủ: Là người cách mạng, làm gì có lợi cho cách mạng thì làm. Vì vậy, bà đã tham gia hoạt động trong Ban dân trí vận của Đặc khu Sài Gòn – Gia Định và tiếp tục có nhiều đóng góp cho công tác vận động quần chúng trong lòng địch. Bác vừa kết hợp buôn bán, vừa tranh thủ rải truyền đơn để cho dân chúng thấy rõ tội ác của kẻ địch, bộ mặt thật và chế độ độc tài gia đình trị của anh em họ Ngô; điều tra, nghiên cứu, tuyên truyền, giác ngộ các gia đình công chức, trí thức và các tầng lớp sĩ quan ngụy đứng về phía cách mạng, ủng hộ cách mạng… Đầu năm 1961, sau thời gian ra căn cứ học tập trở về, bà bắt liên lạc được với tổ chức binh vận và tiếp tục hoạt động. Thời gian này, bà được giao nhiều nhiệm vụ khác nhau: Xây dựng bàn đạp trên các vùng ven để cán bộ của ngành có căn cứ đứng chân tấn công vào nội thành, đội trưởng đội giao liên phụ trách đường dây từ R vào tới ven đô, trực tiếp phụ trách một tổ công tác triển khai nghị quyết của Ban binh vận làm thí điểm ở ấp chiến lược Gò Mối (Bình Dương), làm đội trưởng đội điều chỉnh các đầu mối từ Trung ương về cho tỉnh và từ tỉnh về Trung ương. Năm 1967, bà được làm đội trưởng một đội xây dựng cơ sở nội tuyến ở địa bàn Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn. Dù ở cương vị công tác nào, bà cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tết Mậu Thân năm 1968, bà Nghị lúc ấy với tên gọi là Năm, bán hàng tạp hóa trong nội thành, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tuyên truyền, vận động đại đội bảo an ở đồn Hiệp Hòa quay súng trở về với cách mạng. Bà còn lãnh đạo cơ sở trong hàng ngũ địch ở đại đội bảo an Lai Cua (Long An), vận động, giác ngộ binh lính nổi dậy diệt 58 tên ác ôn, đưa gần 100 người và hơn 100 khẩu súng chạy sang hàng ngũ ta. Trận địch vận cùng Trung đoàn 38 pháo binh đánh Gò Đậu cũng tiêu diệt được nhiều địch, góp phần giảm thương vong cho quân ta. Năm 1969, bà lại bị địch bắt lần thứ 2, bị giam ở D42 Sở thú gần 6 tháng, đến 23 tháng 12 năm 1969 chúng đưa bà đến nhà lao Thủ Đức. Tháng 5 năm 1970, kẻ địch lại đầy bà ra Côn Đảo, sau đó lại đưa vào đất liền. Tháng 2 năm 1975, bà lại bị đày ra Côn Đảo cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ở đây, kẻ địch tiếp tục tra tấn bác với những kiểu tra tấn rất man rợ như thục chai, cho lươn, rắn vào chỗ kín của phụ nữ… Nhưng chúng vẫn không khuất phục được bác. Trong tù, bà cùng chị em tuyên truyền Hiệp định Pari, thành lập “Ban tranh thủ” (tức tranh thủ khai thác sự giúp đỡ của bọn giám ngục đối với người của ta), đòi giảm đánh đập, tuyên truyền và phân hóa hàng ngũ địch, giác ngộ cai ngục giúp đỡ tù nhân, giảm sự tàn ác và vận động được một chỉ huy bảo an làm nội tuyến cho ta để chuẩn bị tư thế tự giải phóng. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, bà lại một lần nữa phát huy khả năng của mình, thuyết phục cai ngục mở cửa phòng giam cho anh chị em ta thoát ra ngoài và vận động bọn chỉ huy bảo an nhà tù lấy vũ khí trang bị cho tù binh nổi dậy. Ngày 3 tháng 5 năm 1975, bác Hoàng Thị Nghị là một trong số 250 tù chính trị từ “địa ngục trần gian” lên tàu về đất liền. Với gần 30 năm liên tục làm công tác binh – địch vận, trong đó có 20 năm công tác ở miền Nam, bà Hoàng Thị Nghị đã cống hiến cả tuổi trẻ thanh xuân của mình, một lòng một dạ phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng, cho Tổ quốc và nhân dân. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, với cương vị nào, là cán bộ binh – địch vận hay dân trí vận, bà luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với những những thành tích xuất sắc ấy, ngày 6 tháng 11 năm 1978, bà Hoàng Thị Nghị được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bà là một trong những cán bộ ưu tú nhất ngành binh – địch vận, là một trong ba Anh hùng hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Cục Dân vận, đồng thời cũng là nữ Anh hùng hùng lực lượng vũ trang nhân dân duy nhất hiện nay của Tổng cục Chính trị.
Hà Lê Thu Hằng |