“Ba má kính yêu! Tuy xa nhà chưa được bao lâu nhưng sao con thấy nhớ nhà lắm!… Không nhớ sao được những buổi chiều thứ 7 mong ngóng các anh chị đi làm về, rồi những ngày chủ nhật họp mặt đông đủ, những ngày Tết nhất vui vẻ, ấm cúng tình thương yêu của ba má, các anh chị… Riêng con sức khỏe vẫn tốt, tuy có giảm sút hơn ở nhà ít nhiều. Ba má và gia đình cứ yên tâm, đừng lo nhiều cho con. Bản thân con, càng nhớ nhà con càng phải phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của cấp trên giao cho để sớm được trở về đoàn tụ với gia đình, trở về với cuộc sống lao động xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc”. (Trích thư ngày 7-8-1965).

 Liệt sĩ Đinh Văn Nhật (1947-1972)

 

Đinh Văn Nhật sinh năm 1947, tại Tân Thế giới (New Caledonia), một lãnh thổ hải ngoại thuộc Cộng hòa Pháp, và là con thứ 5 trong 10 anh, chị em của một gia đình công nhân Việt kiều yêu nước. Tháng 1-1961, Đinh Văn Nhật cùng gia đình hồi hương về nước theo lời kêu gọi của Bác Hồ và Tổ quốc, định cư tại xóm Ấp Thái, xã Dân Chủ, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Năm 1965, Đinh Văn Nhật tốt nghiệp Trường phổ thông cấp III xã Dân Chủ. Ngày những giấy triệu tập vào các trường chuyên nghiệp được gửi đến nhà cũng là ngày Nhật nhận được giấy gọi nhập ngũ. Theo tiếng gọi non sông, Nhật đã xin phép cha mẹ gác bút nghiên, lên đường nhập ngũ. Ngày lên đường, bố Nhật ôm con trai nghẹn ngào nói: “Vào đơn vị, đóng quân ở nhà dân hay bất cứ nơi nào, con cũng đều phải là đầu tàu gương mẫu. Và “không được ba lô đằng sau quay-đào ngũ” để lại nỗi nhục cho dòng họ”.

“Phú Bình, ngày 25-5-65. Ba má kính yêu! Như thế là con đã trở thành một anh hay một chú bộ đội rồi. Hôm 21 đó, sau khi biên chế thành tiểu, trung đội xong là 22 giờ 30 phút chúng con tranh thủ ngủ. 24 giờ dậy tập trung nghe điều lệnh và kỷ luật hành quân, lĩnh cơm nắm và thức ăn. Quãng 1 giờ sáng thì bắt đầu hành quân… bị trời mưa ướt hết ba má ạ! Kể ra lần đầu hành quân xa thật vất vả đối với con nhưng đã quen dần, con vẫn cố gắng dấn bước mặc dù chân bị quai dép cọ xát phồng đến 3-4 chỗ rất đau… con tạm dừng ở đây vì đến giờ ngủ trưa, chiều lấy sức khỏe đi vác củi”.

“Thái Nguyên, ngày 3-7-65. Anh Tân mến! …Em rất khỏe, tuy hành quân xa vất vả nhưng em vẫn cố gắng khắc phục để bám sát đội hình, không bị tụt. Em được đại đội và tiểu đoàn biểu dương tinh thần cố gắng…”.

Những lá thư này là báu vật của bố mẹ liệt sĩ Đinh Văn Nhật khi còn sống… 

Lương Khê, Hà Tĩnh, ngày 24-7-65. Anh Tân và anh Xuân mến! Hôm nay đây ngồi viết thư cho các anh vào giữa lúc mà bên ngoài các loại súng phòng không của ta đang nổ ròn rã vào mấy chiếc máy bay Mỹ đang gầm rít trên không. Ở đây, nó liệng rất thấp, nhìn rõ mồn một không như ở Thái Nguyên đâu. Trên đường hành quân đêm qua các làng xóm họ báo động luôn. Có nơi phải có trạm phòng không, cứ mấy phút lại nổi trống cầm canh sau đó có máy bay lại báo động. Đêm nào cũng vậy, chúng em hành quân phải dừng để tránh pháo sáng của máy bay. Coi như nó hoạt động cả ngày lẫn đêm. Không kể thời tiết mưa nắng. Mà súng phòng không của ta bắn cũng ác. Như hôm ở huyện Nam Đàn, Nghệ An, em còn nhìn thấy máy bay cháy cơ mà.

Còn nói về sức khỏe của em thì tốt, không ốm đau gì cả, chỉ mất ngủ thôi vì hành quân ngày nào cũng vậy, từ cây số tối đến cây số sáng. Vai đeo ba lô lúc đầu còn đau bây giờ đã đỡ vì nó quen dần. Chân phỏng giờ đã chai nhưng đêm nào cũng vậy mà, nói chung ai cũng thế, đều bị buốt vì máu dồn xuống chân. Càng gần sáng càng buốt tợn. Nhưng em chưa bị sốt bao giờ, tuy chân đâu em vẫn cố gắng bám sát đội hình… Hôm đi bên cạnh đồng chí Chính ủy trung đoàn, khi thấy đồng đội gọi tên em, đồng chí hỏi có phải Nhật ở Tân Thế giới không? “Phải đấy thủ trưởng ạ!” em trả lời. Chính ủy nhìn em nói: “Đúng là đôi chân vạn dặm, từ Tân Thế giới xa xôi về bây giờ lại làm cuộc vạn lý trường chinh của Việt Nam. Thật đồng chí Nhật là một con người đã và đang làm nên những thành tích lớn hơn tuổi đời”.

Anh Tân và anh Xuân mến, ngày mai đây chúng em lên rừng, cuộc hành quân sẽ vô cùng gian khổ hơn những ngày qua nhiều. Đòi hỏi sức chịu đựng phải cao hơn. Một cuộc hành quân hoàn toàn bằng tinh thần… Từ nay thư từ có lẽ sẽ rất hiếm, mong gia đình đừng mong thư em vì hoàn cảnh không cho phép và được phép”…

Sau lá thư này là những ngày bặt vô âm tín tin tức của liệt sĩ Đinh Văn Nhật với gia đình. Cảm nhận nỗi đau của mẹ, Đinh Thúy Hạnh – em gái Liệt sĩ Đinh Văn Nhật đã tặng mẹ bài thơ “Mẹ ơi”: “Con là con trai của mẹ đây./ Con đi đánh giặc từng giây mẹ chờ./ Hòa bình thống nhất tự do./ Mẹ mong đỏ mắt nhìn đò sang sông/…/Nghìn trùng xa cách núi non./ Con nằm yên đó ngủ ngon giấc lành./ Nhiệm vụ con đã hoàn thành./ Chỉ mong quy tập ngày lành đón con!”.

Đại tá Đinh Quang Thìn cho biết: “Sau chiến tranh, cả gia đình tôi cùng đi tìm anh trai theo tâm nguyện của bố, mẹ. Qua nhiều nhân chứng, chúng tôi được nghe kể: Vào sáng ngày 12-4-1972, khi đơn vị của anh đang hành quân đến suối Dung, thị xã Phước Long thì trung đội của anh Nhật bị địch phục kích. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch xảy ra. Anh Nhật cùng các đồng đội bình tĩnh, bắn từng viên đạn chính xác về phía quân thù. Đến xế chiều, trong lúc xung phong đánh địch. Anh bị một viên đạn bắn trúng ngực trọng thương và hy sinh. Sau khi trung đội anh đánh bật được bọn địch phục kích, đồng đội anh nghẹn ngào hành quân tiếp sau khi đã chôn cất và gửi các đồng đội đã hy sinh trong lòng đất mẹ Phước Long”.

Nhờ những nguồn thông tin, di nguyện của bố, mẹ đã được các con thực hiện. Ngày 20-4-2012, hài cốt Liệt sĩ Đinh Văn Nhật, người con tài hoa của gia đình đã được đưa về cải táng tại nghĩa trang thôn Cao Sơn 5, xã Sơn Cẩm, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên).

Bài, ảnh: VIỆT HÀ (QĐND)