Như thường lệ, sau khi bố trí xong đội hình, cán bộ đại đội và cán bộ dẫn quân lên chỉ huy binh trạm hội ý. Chúng tôi chia nhau mắc võng theo đội hình đã được xác định. Tổ nuôi quân thì sửa sang lại bếp Hoàng Cầm của một đơn vị đã dừng chân trước đó để nấu cơm chiều. Sau một ngày hành quân, có chiến sĩ vừa treo võng xong liền tranh thủ ngủ một giấc. Đó là một ngày giữa mùa mưa năm 1972 trên đường Trường Sơn, khi chúng tôi hành quân ra trận.
Chạng vạng tối, cán bộ đi hội ý ở binh trạm về tập hợp cả đại đội lại để thông báo và quán triệt một số tình hình về chặng đường hành quân sắp tới. Các anh cho biết, trạm dừng chân chúng tôi sẽ đến vào chiều hôm sau vừa bị B52 rải thảm, gây thương vong cho gần hết một tiểu đoàn bộ đội vừa hành quân đến trạm. Binh trạm đang huy động cán bộ, chiến sĩ và lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) gần đó khắc phục hậu quả. Nguyên nhân bước đầu có thể là bộ đội ta nấu nướng, phơi quần áo bị lộ, máy bay trinh sát OV10 của địch phát hiện được nên chúng gọi B52 đến rải bom. Vì vậy, cán bộ đại đội, chỉ huy hành quân và cán bộ binh trạm quán triệt chúng tôi phải hết sức giữ bí mật, ban đêm không được để lộ ánh sáng, ánh lửa khi nấu bếp…
Không khí của đêm trú quân hôm ấy cũng trở nên nặng nề. Sau bữa cơm tối, người nào về võng người đó. Mưa ập đến, nước xối xả trên mái tăng, cùng tiếng suối đổ, tiếng hoẵng kêu trong mưa thật não nề. Tự nhiên văng vẳng trong mưa tôi nghe tiếng chim thật lạ. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong cơn mưa rừng tôi để ý đến một loài chim có tiếng kêu vừa thánh thót lại vừa da diết. Từ khi tôi bước chân vào Trường Sơn, đêm đêm đã nghe tiếng chim này, nhưng đêm nay dường như tiếng chim da diết ấy ướt đẫm trong mưa, khiến lòng tôi se lại, vừa bâng khuâng vừa bồi hồi. Ở Trường Sơn, loài chim ấy đêm nào cũng xuất hiện. Một loài chim mà mỗi người lính đều đặt một tên và kể một câu chuyện theo cách riêng của họ. Thường thì câu chuyện mà những người lính nghĩ ra chủ yếu là chuyện tình yêu đôi lứa mà họ muốn gửi gắm vào đó niềm tin yêu, lòng chung thủy đã nhuốm màu huyền thoại.
Có người nói đó là loài chim “chót vót”. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một đôi trai gái người dân tộc Vân Kiều yêu nhau tha thiết, nhưng rồi họ không lấy được nhau. Người con gái bị gia đình ép buộc lấy một người khác. Vì không chịu lấy người mình không yêu nên người con gái trốn nhà đi. Người con trai thương người yêu quá cũng trốn nhà đi tìm. Núi rừng hiểm trở, họ đi mãi, đi mãi mà không tìm được nhau. Họ đi cho đến khi kiệt sức và mỗi người chết ở một ngả rừng. Thấy vậy, trời thương quá bèn cho họ biến thành đôi chim “chót vót”. Từ những đỉnh núi cao chót vót, đôi chim ấy cất tiếng hót của mình để gọi tìm nhau. Khi chúng tìm được nhau cũng là lúc trời hửng sáng; vì vậy loài chim ấy rất mực yêu thương nhau.
Có người thì lại kể đó là loài chim “khó khăn khắc phục”. Chuyện kể rằng, ở một vùng quê nọ có một đôi nam nữ yêu nhau. Người con trai đi bộ đội và trở thành lái xe Trường Sơn. Thời chiến tranh, cô thôn nữ nết na, xinh đẹp, dịu dàng ấy vẫn một lòng chờ đợi người yêu. Cô đẹp nên nhiều trai làng nhìn ngó. Bởi vậy, bố mẹ ép cô lấy chồng, con gái có thì có lứa, thời chiến biết đâu mà đợi chờ… Rồi cô thôn nữ dịu dàng, nết na, xinh đẹp ấy trốn nhà gia nhập vào đội quân TNXP. Tình cờ, họ gặp nhau ở Trường Sơn. Và trong một đêm tối trời, cô TNXP ấy đang dẫn đường cho anh lái xe vượt qua cung đường trọng điểm “cua chữ ôm” thì bị bom nổ chậm còn sót lại. Họ hy sinh khi chưa là của nhau, khi tình yêu đang đẹp như cổ tích. Kỳ lạ thay, sau cái đêm ấy, trên hai ngọn núi cao ở hai đầu “cua chữ ôm”, đêm đêm có hai con chim hiện ra cất tiếng hót gọi nhau da diết: “Khó khăn khắc phục”…
Càng về gần nửa đêm mưa càng to, gió giật từng cơn, tiếng sét như muốn xé vụn rừng đại ngàn. Bỗng chúng tôi bị dựng dậy bởi tin từ tổ gác. Có hai chiến sĩ bị đất vùi xuống dưới một hố bom cũ. Cả đại đội như bật khỏi võng chạy xuyên qua màn mưa theo chân hai chiến sĩ gác. Đến nơi mới biết hai chiến sĩ của Trung đội 1 treo võng bên sườn đồi sát một hố bom cũ, do mưa nhiều, đất quanh hố bom nhão ra, tụt xuống kéo cả hai chiến sĩ treo võng cùng một thân cây sát miệng hố bom. Đất đá và cây đè hai chiến sĩ ngập trong hố bom đầy nước. Trong ánh đèn pin loang loáng, hàng chục chiến sĩ, người kéo, người nâng cây, người moi bùn, phải vài chục phút mới kéo được hai chiến sĩ dưới thân cây ngập bùn lên khỏi hố.
Chúng tôi về vị trí của mình, ai cũng ướt sũng, nước mưa ngấm vào người lạnh run cầm cập, nhưng phải cắn răng chịu đựng. Hai chiến sĩ Trung đội 1 được đưa vào cấp cứu tại trạm xá binh đoàn và gửi ở lại, không theo được với đơn vị hành quân.
Ba giờ sáng, tổ nuôi quân lại lục tục rửa nồi, bắc bếp nấu cơm. Trong chúng tôi nhiều người đã thức, có chiến sĩ đã cuốn tăng võng nhét vào ba lô; có chiến sĩ thì vẫn trùm kín chăn le lói giọt đèn pin như hạt đỗ, dường như anh ta đang đọc những lá thư nhà… Chiến sĩ trực nhật đã xuống bếp nhận cơm nắm cho tiểu đội mình. Tôi cũng không còn nghe tiếng chim “khó khăn khắc phục”. Trong mưa mù nhưng trời đã sáng, chúng tôi lại cuốn võng tiếp tục hành quân.
Thiếu tướng HỒ ANH THẮNG (QĐND)