Sinh năm 1953, tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, tuổi thơ ấu của Ngô Minh gắn liền với mảnh đất bờ Bắc sông Bến Hải. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, Ngô Minh và những người bạn cùng trang lứa là những chiến sĩ nhí sát cánh với các chú bộ đội dân quân trên trận chiến với quân thù. Những cô bé, cậu bé học sinh hồi ấy cũng run bắn người khi nghe tiếng bom rơi. Lòng căm thù trước hành động tàn bạo của giặc và sự cảm phục các thế hệ cha anh đang cầm súng chống quân thù đã bồi đắp lên ý chí, lòng gan dạ trong trái tim Ngô Minh và các thế hệ học sinh trong những năm tháng đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh.
Từ nhỏ, Ngô Minh và hai chị em gái được gửi về ở với bà ngoại ở Nghệ An vì bố mẹ tham gia kháng chiến. Năm 1964, ba chị em Ngô Minh lặn lội đi bộ từ Nghệ An đến Quảng Bình thăm bố đang công tác. Trên đường quay về đến đèo Lý Hòa (Quảng Bình), cậu bé Ngô Minh được chứng kiến trận đánh đầy tinh thần dũng cảm, hiên ngang của hải đội tàu Quân chủng Hải quân Việt Nam với không quân địch. Lần ấy, máy bay địch từ tàu sân bay ngoài khơi bay từng tốp quần thảo nhiều lượt bắn rốc-két và đánh bom các tàu của hải quân của ta đang làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Lý Hòa. Trước sự tấn công mạnh mẽ của địch, những chiếc tàu lúc chạy nhanh, lúc quặt sang trái, sang phải hay dừng đột ngột để né tránh đạn địch. Các khẩu pháo trên tàu liên tục nhả đạn để đánh trả máy bay địch và để tăng hiệu quả của đạn cũng như tăng độ chính xác, bộ đội Hải quân bình tĩnh, hiên ngang đợi lúc máy bay địch bổ nhào cắt bom, bắn đạn mới bắn trả. Nhiều pháo thủ bị thương vẫn một tay ôm vết thương, một tay quay thước tầm hướng nòng pháo phòng không để bắt theo mục tiêu. Đặc biệt hơn, khi tàu cháy, các anh vẫn bám tàu, bám súng chiến đấu đến khi cả tàu, súng và người chìm thì thôi. Hình ảnh đó mãi in đậm trong tâm khảm thiếu niên Ngô Minh.
Hơn một ngày đêm đi bộ trở về quê từ đèo Lý Hòa, mấy chị em của Ngô Minh chia sẻ cho nhau những câu chuyện được mẹ kể về tội ác của Mỹ-ngụy; những tấm gương dũng cảm của anh Bộ đội Cụ Hồ như: Phan Đình Giót, Cù Chính Lan, Bế Văn Đàn… và chuyện về Bác Hồ kính yêu ra đi tìm đường cứu nước. Đặc biệt là những câu chuyện về ông, bà, bố và cô dì, chú, bác của gia đình tham gia kháng chiến cứu nước. Những câu chuyện đó làm con đường dường như ngắn lại và khơi lên trong lòng Ngô Minh một ước ao được đánh địch, diệt thù. Chính vì thế, khi đến huyện Vĩnh Linh, Ngô Minh ở lại nhà bà nội còn chị và em gái tiếp tục đưa nhau về với bà ngoại ở Nghệ An.
Đến năm 1967, địch tổ chức lực lượng lớn không quân, hải quân đánh hủy diệt cả huyện Vĩnh Linh, rồi vượt sông Bến Hải đánh chiếm bờ Bắc. Sức tàn phá khủng khiếp của bom, đạn đã phá hủy hoàn toàn các công trình trên mặt đất, bộ đội và dân quân ta bị hy sinh nhiều. Cùng với các bạn đồng trang lứa, Ngô Minh hừng hực khí thế tham gia phong trào giúp sức cho trận địa đang được dấy lên mạnh mẽ ở các trường học. Buổi sáng, học sinh đi theo các giao thông hào đến lớp. Buổi trưa và chiều, các em học sinh tham gia tải đạn, mang nước và vác lá ngụy trang cho các trận địa pháo phòng không của bộ đội và dân quân. Năm 1967 đánh dấu mốc ra trận đầu tiên của lứa tuổi học sinh huyện Vĩnh Linh.
Ngô Minh nhớ lại: “Năm ấy, huyện Vĩnh Linh phải gồng mình hứng chịu bom, đạn pháo từ chiến hạm địch dưới sông và pháo của địch từ bờ phía Nam bắn ra. Tôi cùng gia đình đào một địa đạo sâu 20m và dài 50m được thiết kế gồm một hầm bằng có kèo chống đỡ và một hầm chữ A có cửa xuống hầm địa đạo để trú ẩn. Ngày cũng như đêm, cuộc sống của nhân dân đều ở trong các giao thông hào và địa đạo để tránh bom, đạn. Khi đó, các đơn vị liên tục di chuyển trận địa bởi trận địa vừa sử dụng xong đã bị lộ tọa độ và địch sẽ tấn công vào tọa độ đó. Học sinh toàn huyện tổ chức thành nhiều nhóm vác đạn, lá ngụy trang cho các trận địa pháo của ta đánh địch. Nhờ vậy, thời gian di chuyển trận địa được nhanh hơn và những khẩu pháo rơi rớt lá ngụy trang luôn được sớm ngụy trang lại. Các tổ học sinh còn giúp bộ đội dân quân chặt tre, đan phên làm trận địa giả đánh lừa địch”.
Không chỉ bám trận địa, các cô bé, cậu bé học sinh còn là lực lượng đắc lực hỗ trợ vận chuyển cứu chữa thương binh, tử sĩ. Nhiều chiến sĩ nhí cũng đã anh dũng hy sinh vì mưa bom, đạn lạc trên chiến trường. Những bàn chân nhỏ bé thoăn thoắt trong bom đạn như những con thoi dệt lũy thép Vĩnh Linh thêm chắc, thêm kiên cường trong lửa đạn.
Sau năm 1967, Ngô Minh cùng các học sinh khác được sơ tán đi học ở các tỉnh phía Bắc. Năm 1971, khi đang là học sinh Trường cấp 3 Mỹ Tho, Ý Yên, Nam Hà (nay là tỉnh Nam Định), có một đoàn tuyển quân của huyện đến trường tuyển 50 học sinh để về bổ sung cho khu đội Vĩnh Linh. Những học sinh nam của quê hương Vĩnh Linh đang học tại trường đều hăng hái viết đơn lên đường nhập ngũ. Ngày ấy, cậu học trò Ngô Minh chỉ nặng gần 38kg, nên dù viết đơn xin nhập ngũ tới ba lần, lá đơn của Ngô Minh vẫn bị gác lại. “Sau 3 lần viết đơn mà không được, tôi cắt ngón tay và viết lá đơn xin nhập ngũ bằng máu. Sau đó, tôi được biên chế vào Tiểu đội Trinh sát, Tiểu đoàn 47 (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Lần ấy số lượng học sinh gác bút nghiên lên đường vượt hơn 100% số lượng cần tuyển, đặc biệt tất cả học sinh nam ở quê Vĩnh Linh đất lửa đều hành quân ra chiến tuyến, dâng hiến tuổi xuân cho mùa xuân Tổ quốc”, Ngô Minh bồi hồi nhớ lại thời khắc viết huyết đơn xin nhập ngũ.
Tròn 50 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên Ngô Minh được sát cánh với bộ đội trên trận địa tại mảnh đất thép anh hùng, Vĩnh Linh ngày nay đã thay da đổi thịt với những ngôi nhà cao tầng và cuộc sống ấm no hạnh phúc. Vẫn còn đó những bàn chân nhỏ xinh của lứa tuổi măng non trên các nẻo đường đất lửa Vĩnh Linh, nhưng những bàn chân ấy không phải đi trong bom đạn nữa, mà bước đi trên con đường của hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Rồi mai đây, các mầm non này sẽ trưởng thành và đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước mạnh, giàu.
Bài, ảnh: HÀ ĐĂNG (QDND)