Trong khởi nghĩa Tháng Tám, Đoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu cùng các đội tự vệ vũ trang chiếm các công sở, cơ quan đầu não của địch, giành chính quyền về tay nhân dân ở Hà Nội. Ngày 2-9-1945, họ vinh dự có mặt trong đội hình bảo vệ lễ đài nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Trải qua thực tế đấu tranh đã rèn luyện cho đội ngũ thanh niên yêu nước Hà Nội trưởng thành, bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Và câu chuyện của hai “cốt cán” của Đoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu trong những ngày đầu của cuộc cách mạng dưới đây là một minh chứng cho tình nghĩa sâu nặng, trước sau như một của những người “vừa là đồng chí, vừa là anh em”…
“Hơn 7 thập kỷ về trước, trên đường cách mạng, tôi gặp anh Lê Quang Đạo lần đầu khi anh là Xứ ủy viên kiêm Bí thư Ban cán sự Hà Nội, ở tuổi còn rất trẻ. Trước khi anh vĩnh biệt cõi đời, tôi vào thăm anh ở bệnh viện, vẫn nụ cười ấy, vẫn con người ấy, say sưa, cởi mở trao đổi việc Đảng, việc nước, việc công, việc riêng tư với bạn bè, đồng chí. Trong anh, chỉ có thời gian và sức khỏe là khác đi còn tất cả vẫn như ngày xưa. Đôi mắt tinh nhanh ẩn sau cặp kính trắng vẫn như muốn khuyến khích trò chuyện…
Anh Đạo hơn tôi ba tuổi và là người đã truyền thụ cho tôi một cách có hệ thống về lý luận và công tác cách mạng, để lại dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời tôi. Lần đầu tôi gặp anh Đạo là một ngày hè năm 1943. Lúc ấy tôi đã thôi học ở trường Bưởi để đi làm một cán bộ thoát ly. Tôi được giao tổ chức một lớp bồi dưỡng cho nhóm cốt cán của Đoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, gồm các đồng chí: Phùng Văn Phúc, Nguyễn Hữu Phúc (tức Lê Đức Vân), Nguyễn Viết Tiết (Nguyễn Anh Bảo) và tôi. Lớp học đặt tại nhà tôi ở Vĩnh Lại, Bình Giang, Hải Dương.
Hôm ấy, theo mật hiệu, tôi đi đón đồng chí Xứ ủy viên về giảng dạy. Trên con đường từ ga xe lửa huyện lỵ Cẩm Giàng, một người đúng như đã được mô tả đang đi về phía tôi. Anh ăn vận như một viên chức hồi ấy: Khăn xếp, áo the và cặp kính trắng. Phút đầu tiên gặp là phút mừng rỡ, thân thiết, cởi mở. Vừa đi anh vừa tươi cười thăm hỏi người thân trong gia đình tôi và tìm hiều tình hình quê hương tôi rất tỉ mỉ. Chuyện trò vui vẻ, quãng đường dài 4 cây số dường như ngắn lại. Về tới nhà, vệ sinh cá nhân xong, anh sà ngay tới chỗ mẹ tôi đang sàng gạo thăm hỏi rất ân cần. Rồi anh lại xuống bếp hỏi chuyện chị gái tôi lúc ấy đang nấu cơm, như một người thân trong gia đình mới đi xa về.
Những ngày ở nhà tôi, ngoài giờ lên lớp anh luôn tranh thủ thời gian giác ngộ cách mạng cho mẹ và chị gái tôi. Anh đã nêu tấm gương sáng về làm công tác quần chúng.
Anh Đạo ở quê tôi 7 ngày, cùng ăn cùng ở với các học viên, anh đã bồi dưỡng cho chúng tôi những vấn đề rất cơ bản của người làm cách mạng. Anh đã giảng cho chúng tôi với nhiệt huyết của một người cộng sản, say sưa giảng hết ngày này qua ngày khác. Vừa truyền thụ kiến thức, anh vừa gây sự hứng thú học tập, lại vừa truyền cho chúng tôi một ngọn lửa cháy bỏng nhiệt tình cách mạng. Tôi không thấy anh có giáo án, chỉ có cuốn sổ tay nho nhỏ thỉnh thoảng anh lướt qua những tiêu đề trên đó.
Chúng tôi đều đã tốt nghiệp trung học và ít nhiều làm quen với các sách báo chính trị tiến bộ nên tiếp thu tốt những điều anh giảng và cố gắng ghi chép nhanh những điều chính yếu. Sự chăm chú nghe giảng và tinh thần phấn khởi tiếp thu biểu lộ trên từng nét mặt của chúng tôi làm anh rất vui.
Với vốn kiến thức quý báu mà anh Lê Quang Đạo đã trao cho, chúng tôi đi vào hoạt động cách mạng những năm sau đó với tinh thần tự tin, năng động và sáng tạo hơn. Các đồng chí tham gia lớp huấn luyện đều được kết nạp Đảng và sau đó cùng với một đồng chí nữa mới thoát khỏi nhà tù thực dân thành lập chi bộ thanh niên của Đảng bộ Thành phố Hà Nội. Khi đồng chí Hoàng Văn Thụ bị bắt rồi bị tử hình, Đảng chủ trương kết nạp lớp đảng viên Hoàng Văn Thụ nhằm tăng số đảng viên lên gấp đôi. Với vốn hiểu biết đã được đồng chí Lê Quang Đạo truyền cho, tôi mở các lớp bồi dưỡng về đảng cho những thanh niên cứu quốc tích cực nhất, giác ngộ nhất. Nhiều anh chị em trong số đó đã được kết nạp vào Đảng, mang tên Đảng viên lớp Hoàng Văn Thụ.
Những năm tháng sau này, trong suốt cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, anh Lê Quang Đạo và tôi được phân công hoạt động trên các địa phương, lĩnh vực công tác khác nhau. Chúng tôi ít có điều kiện gần gũi. Mãi sau thắng lợi 30-4-1975, chiến tranh kết thúc, nước nhà độc lập thống nhất hoàn toàn, anh Lê Quang Đạo chuyển ra công tác ở cơ quan Trung ương Đảng, ở Hà Nội, Quốc hội và Mặt trận, chúng tôi mới có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, bàn luận công việc với nhau rất cởi mở và chân tình.
Như vậy từ lúc tóc còn xanh cho đến khi ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, chúng tôi- những thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, vẫn luôn giữ được tình cảm ‘vừa là đồng chí, vừa là anh em’”.
SONG THANH*- QĐND
*Lược ghi theo lời kể của đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương.