Cắm cờ trên đảo Song Tử Tây
Tôi quê ở Hoằng Sơn, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, vốn là “dân” đặc công nước thuộc d 861 Bộ Tham mưu, quân chủng Hải quân. Với tôi, việc cắm cờ trên đảo Song Tử Tây, (Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) là một kỷ niệm khó quên trong đời quân ngũ của mình.
Tôi nhập ngũ năm 1972, sau thời gian huấn luyện binh chủng như tập bơi, lặn, vùi mình trong cát nóng và tập võ thuật, bắn súng, tập đánh tàu và các mục tiêu trên biển, tôi được biên chế về đơn vị chiến đấu. Cuối tháng 3 năm 1975, chúng tôi hành quân từ Hải Phòng vào cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) ém quân.
Ngày 11-4-1975, đơn vị tôi được lệnh xuất phát giải phóng đảo Song Tử Tây, đây là đảo được lựa chọn đánh đầu tiên để rút kinh nghiệm giải phóng các đảo khác. Trên đường hành trình, đơn vị đi 3 tàu HQ 673, HQ 674 và HQ 675 vốn là tàu chở hàng được cải biên. Anh em bộ đội ở dưới khoang hầm, phía trên phủ lưới đánh cá để cải trang. Sau hơn 3 ngày lênh đênh trên biển, đến gần Song tử Tây thì 2 tàu HQ 674 và HQ 675 thả neo đậu vòng ngoài, tàu HQ 673 chở anh em đổ bộ xuống đảo bằng xuồng cao su và tiếp cận đảo từ 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Tôi được đơn vị giao nhiệm vụ cầm cờ, loa và phải cắm được cờ trên đảo. Bấy giờ, mọi người đều lạ lẫm với đảo, do vì không có điều kiện và thời gian trinh sát trước. Đằng sau là biển cả mênh mông, trên đảo địch chiếm giữ, nhưng ai nấy đều quyết tâm chiếm đảo dù phải xác định hy sinh. Đảo Song Tử Tây ngày ấy cây sâm đất mọc um tùm như cây cỏ, trên đảo mấy cây dừa thưa lá cao vút do chịu gió biển liên tục. Chim nhiều vô kể, nhiều đến nỗi anh em vận động tiếp cận đảo sát mép nước mà dẫm, bò phải trứng chim nghe cứ nổ bôm bốp như pháo tép đốt ngày tết vậy! Thấy động, một số chim nhớn nhác bay lên, địch liền bắn cầm canh vu vơ mấy loạt đạn, thấy yên chúng lại thôi. Khoảng hơn 4 giờ, anh em từ 4 hướng tấn công đảo, sau hơn 20 phút chiến đấu ta làm chủ toàn bộ đảo, bắt sống hơn 30 tù binh (sau này ta kiểm tra lại, toàn bộ ở đảo có hơn 40 người). Riêng tôi, vừa nổ súng cùng đồng đội, vừa xác định vị trí cột cờ để lao tới kéo cờ của ta lên. Khi hạ lá cờ của ngụy quyền Sài Gòn xuống đất còn khoảng 3 mét thì cờ bị giắt dây, thế là tôi vội leo lên giật xuống rồi điều chỉnh ròng rọc, nhanh chóng kéo lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng lên (Cờ nửa xanh, nửa đỏ). Lúc này tiếng súng đã giảm, nhưng đây đó lẻ tẻ vẫn còn tiếng súng nổ về phía cột cờ, tôi liền dùng loa pin kêu gọi địch đầu hàng. Giải phóng đảo xong, mọi người ở lại thu dọn, chăm sóc anh em bị thương và tù binh địch. Bên ta hy sinh một đồng chí (Quang), một bị thương nhưng trên đường về Đà Nẵng, phương tiện cấp cứu lúc đó hạn chế và phải vận chuyển lên xuống nhiều nên đồng chí Quyền (quê Tiên Lãng, Hải Phòng) đã hy sinh. Anh em ở lại đảo khoảng gần một tháng luyện tập các phương án và các mũi bảo vệ đảo, đề phòng địch tái chiếm hoặc sự chiếm đóng của nước ngoài. Sau đó bàn giao cho đơn vị bạn rồi rút về Đà Nẵng nhận nhiệm vụ mới.
Năm 1987, tôi gặp người con gái quê ở An Dương, Hải Phòng là Dương Thị Hoàn, phục vụ cấp dưỡng ở đơn vị, chúng tôi yêu nhau và được đơn vị đứng ra tổ chức, lễ cưới tuy chỉ có bánh kẹo, nước chè và lời ca tiếng hát của đồng đội nhưng thật đầm ấm và hạnh phúc. Giờ đây, chúng tôi đã có hai người con trai nay đã trưởng thành. Năm 1988, tôi được phục viên đi xuất khẩu lao động ở Nga đến năm 1990 về nước. Năm 2009, tôi được hưởng chế độ theo Quyết định 142 hưởng phụ cấp một triệu đồng/tháng.
Năm 2012, tôi được VTV3 mời ra đảo tham gia chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ”. Tại đảo Song Tử Tây, chúng tôi đi tìm lại cột cờ năm xưa, bây giờ nó chỉ còn là chứng tích lịch sử, một cột cờ – bia chủ quyền mới to đẹp, uy nghi với dòng chữ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM – ĐẢO SONG TỬ TÂY sừng sững trên đảo. Ra đảo lần này, tôi và các cựu chiến binh không khỏi bồi hồi xúc động. Thật không thể tưởng tượng nổi sự thay da đổi thịt ở đây. Nhớ lại cảnh cũ, người xưa tôi bâng khuâng lắm. Điều làm cho chúng tôi vui và rất tự hào là gặp các cháu ở đây – Những người đồng đội của chúng ta, họ hơn chúng tôi về hiểu biết, không kém cha ông về bản lĩnh người lính. Chúng tôi rất tin tưởng ở họ trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.”
Bài, ảnh: Lê Quý Hoàng
(Theo lời kể của Cựu chiến binh Lê Xuân Phát)