Từ thợ máy hàng không trở thành phi công máy bay tiêm kích
Chia sẻ về con đường trở thành phi công của mình, Trung tướng Phạm Tuân cho biết, thời trẻ ông đã từng đi tuyển phi công, nhưng không trúng bởi vấn đề về tim mạch, cũng như thể trạng không đảm bảo. Điều này cũng dễ hiểu khi đất nước ta trong thời kỳ chiến tranh, thiếu thốn, điều kiện ăn uống, dinh dưỡng không đầy đủ. Tuy nhiên, ước mơ trở thành phi công không bao giờ nguội lạnh trong suy nghĩ của chàng thanh niên trẻ Phạm Tuân.
Trung tướng Phạm Tuân thời trẻ. Ảnh tư liệu. |
Năm 1965, Phạm Tuân nhập ngũ, được biên chế về Quân chủng Phòng không-Không quân và được cử sang Liên Xô học chuyên ngành thợ máy ra-đa. Tại Liên Xô, một tình huống đã xảy ra, sau nhiều lần sàng lọc, nhiều phi công Việt Nam không đủ tiêu chuẩn sức khỏe và cần được thay thế. Các học viên thợ máy chính là nguồn bổ sung đầu tiên được tính tới. Trong quá trình học tập và rèn luyện tại Liên Xô, thể trạng của Phạm Tuân được cải thiện đáng kể, cùng với đó cách tuyển chọn của nhà trường tại nước bạn cũng linh hoạt hơn tại Việt Nam. Chính vì thế, Phạm Tuân đã được chọn để đào tạo phi công tiêm kích.“Môi trường học tập và rèn luyện bên Liên Xô tốt hơn đã giúp mình cải thiện được thể trạng. Mặt khác, cách tuyển chọn học viên phi công ở nước bạn cũng có tính động và khoa học hơn: Căn cứ vào kết quả của cả quá trình thao tác hơn là chỉ căn cứ vào các thông số đo đạc y tế ở trạng thái tĩnh”, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ.
Vượt quá kiểm tra y tế, đầu năm 1966, Phạm Tuân được chọn vào Trường dạy bay Krasnodar. Đây là ngôi trường có nhiều học viên quốc tế theo học. Học viên Việt Nam dù có hạn chế về ngôn ngữ và trình độ ban đầu, nhưng nhờ chăm chỉ học tập, rèn luyện, nên kết quả học tập và thực hành bay không thua kém gì học viên các nước bạn. Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại, học viên Việt Nam rất được các thầy giáo Liên Xô quý mến không chỉ vì nước ta đang có chiến tranh, mà còn nhờ đức tính cần cù, chăm chỉ và tuân thủ kỷ luật. Mọi học viên Việt Nam đều có khao khát được bay và luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân.
Trong quá trình học tập tại Liên Xô, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ nhiều kỷ niệm sâu sắc, nhưng đặc biệt nhất trong số đó là chuyến bay đơn đầu tiên. Đây là dấu mốc quan trọng đánh giá việc phi công có thể tốt nghiệp được không và chuyến bay đã để lại nhiều kỷ niệm khó quên đối với chàng học viên phi công trẻ.
“Mình lần đầu tiên được điều khiển chiếc máy bay rời mặt đất. Đó là kỷ niệm không thể quên đối với chàng trai mới mười tám, đôi mươi. Chuyến bay đó đã để lại cho mình ấn tượng sâu sắc nhất”, Trung tướng Phạm Tuân nói.
Cuối năm 1967, Phạm Tuân tốt nghiệp và chính thức trở thành phi công tiêm kích Mig 17 với kỹ năng bay đêm điêu luyện. Sau này, Phạm Tuân tiếp tục được chọn chuyển loại sang máy bay tiêm kích Mig-21. Kiến thức chuyển loại khi đó của người phi công trẻ chỉ là những cuốn sổ người lái máy bay của các phi công đi trước. Có lẽ những “cuốn giáo trình đặc biệt này” đã tôi luyện phẩm chất và kỹ thuật bay điêu luyện cho Phạm Tuân.
Trưởng thành trong chiến đấu và kinh nghiệm đối phó với “pháo đài bay”Giữa năm 1968, phi công Phạm Tuân được biên chế về Trung đoàn 923. Các trận đụng độ máy bay Mỹ đã dần tôi luyện và hoàn thiện kỹ năng chiến đấu của người phi công trẻ, đặc biệt là không chiến trong đêm tối. Mỗi trận đánh đều là một bài học kinh nghiệm trả giá bằng xương máu cho công tác dẫn đường, chỉ huy và phi công. Trung tướng Phạm Tuân đánh giá, kết quả của các cuộc đối đầu giữa ta và địch phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp nhịp nhàng giữa người chỉ huy, công tác dẫn đường mặt đất và kỹ năng của phi công trên không trung, trong đó người phi công chính là mắt xích quan trọng nhất.
“Những cuộc không chiến thực tế khác hoàn toàn huấn luyện. Ranh giới giữa sự sống và cái chết giúp mình hoàn thiện kỹ năng, kỹ thuật chiến đấu tốt hơn”, Trung tướng Phạm Tuân cho biết.
Nhớ lại những bài học nhận diện và phương thức công kích máy bay B-52 trong 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ, một trong những phát hiện của phi công ta để nhận diện B-52 là khi nó bay vào không phận ta đều bật đèn để quan sát nhau. Đây có thể là tín hiệu B-52 sử dụng để báo hiệu vị trí cho các máy bay hộ tống. Trong quá trình chiến đấu, phi công ta đã phát hiện được điểm đặc biệt này, từ đó vạch mặt “pháo đài bay” trên bầu trời đêm Hà Nội.
Căn cứ không quân Mỹ tại đảo Guam, một trong những căn cứ chính của máy bay B-52 tham gia chiến dịch Linebacker II. Ảnh tư liệu |
“Trong lần xuất kích đêm 18-12-1972, mình quan sát thấy B-52 nhờ dải đèn tín hiệu “Trong lần xuất kích đêm 18-12-1972, mình quan sát thấy B-52 nhờ dải đèn tín hiệu trên máy bay. Tín hiệu này sau đó được nhiều phi công khác của ta nhận thấy và phát hiện đây chính là điểm đặc biệt của “pháo đài bay”, Trung tướng Phạm Tuân nói.
Trong các lần đánh tập B-52, phi công ta thường lợi dụng dẫn đường mặt đất để bay thấp, rồi bất ngờ leo cao tấn công máy bay giả định. Tuy nhiên, trong thực tế đánh B-52 khác hoàn toàn vì hệ thống ra-đa dẫn đường bị gây nhiễu. Với hệ thống gây nhiễu đa dạng, công suất cực mạnh, kênh dẫn đường mặt đất không dẫn được phi công ta tiếp cận được B-52.
“Tình huống như thế đã xảy ra với anh Bùi Doãn Độ. Do bị nhiễu dẫn đường có sai lệch, máy bay của ta nằm phía dưới B-52, nên không công kích được”, Trung tướng Phạm Tuân kể lại.
Sau nhiều lần rút kinh nghiệm, toàn bộ lực lượng máy bay tiêm kích, sở chỉ huy không quân và ra-đa dẫn đường của ta được chuyển ra các sân bay nằm ở vòng ngoài, xa Hà Nội, cũng như sử dụng các đài dẫn đường từ xa để chỉ huy máy bay tiêm kích vào công kích B-52 để hạn chế nhiễu. Trung tướng Phạm Tuân đánh giá, đây sự thay đổi chiến thuật quan trọng giúp Không quân ta có cơ hội tiếp cận và tiêu diệt B-52.
Theo Trung tướng Phạm Tuân, ngoài các yếu tố trên, một yếu tố quan trong khác rút kinh nghiệm thực tế các trận đội đầu “pháo đài bay”, phi công ta thay đổi chiến thuật từ việc bay thấp đột kích chuyển sang tăng tốc độ và bay ở độ cao lớn xen lẫn vào trong đội hình hộ tống của địch. Với đội hình máy bay hộ tống lớn và quy mô như của B-52, nhất là trong đêm tối, máy bay tiêm kích của ta bay có thể bay lẫn vào trong đội hình hộ tống của, mà địch không thể phát hiện. Nhờ tốc độ cao và độ cao lớn, máy bay tiêm kích ta có thể chủ động chọn thời điểm công kích B-52, mà các đơn vị F-4 hộ tống không thể ngăn chặn. Đó chính là sáng tạo trong cách đánh B-52 của Không quân ta.
Hai lần đụng độ và “pháo đài bay” gẫy cánh
Nhớ về những ngày đêm lịch sử cuối năm 1972, Trung tướng Phạm Tuân kể lại, tối 18-12-1972, sau khi nhận lệnh xuất kích, chiếc Mig-21 do ông điều khiển cất cánh từ sân bay Nội Bài lao vào bầu trời đêm. Tiếp cận đội hộ tống của máy bay Mỹ, ông phát hiện dải đèn nhận diện lạ ở độ cao hơn 8km, nhưng không biết đó là của B-52. Xin lệnh công kích và được đồng ý, phi công Phạm Tuân tiếp cận mục tiêu và bật ra-đa. Cả màn hình ra-đa sáng rực vì nhiễu.
“Lúc đó, chiếc B-52 bất ngờ tắt đèn tín hiệu nhận diện. Không nhìn thấy mục tiêu trong đêm, tôi bật tăng lực để tăng tốc máy bay tìm mục tiêu. Luồng lửa động cơ do chiếc Mig-21 tạo ra thu hút sự chú ý của đám F-4 hộ tống. Sau vài vòng tìm kiếm không thấy mục tiêu, tôi đã điều khiển máy bay thoát ly”, Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.
Máy bay tiêm kích Mig-21 mang số hiệu 5121 phi công Phạm Tuân điều khiển bắn rơi B-52 trên bầu trời Hà Nội, được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Trong đêm, sân bay Nội Bài bị B-52 đánh phá dữ dội, đường băng bị hỏng nhiều đoạn, chiếc Mig-21 do phi công Phạm Tuân điều khiển hạ cánh và đâm vào hố bom bị gãy càng và lật ngửa. Rất may, phi công Phạm Tuân an toàn. Lần xuất kích thứ hai vào đêm 27-12-2017. Máy bay của Phạm Tuân cất cánh từ sân bay Yên Bái, bay thấp theo đài dẫn mặt đất bí mật tiếp cận phi đội hộ tống của địch. Trong đêm tối, các phi đội F-4 hộ tống của Mỹ không phát hiện ra máy bay của ta. Phi công Phạm Tuân khéo léo điều khiển máy bay né tránh và tiến sâu trong đội hình địch. Khi lên tới độ cao 7km, Phạm Tuân tiếp tục phát hiện thêm đội hình hộ tống mới của địch. “Khi lên tới độ cao 7km, đài chỉ huy mặt đất báo có máy bay B-52 bay vào Hà Nội. Khoảng cách giảm nhanh chóng 200 cây, rồi 100 cây… Ngay lập tức, mình thả thùng dầu phụ, bật tăng lực tiếp cận mục tiêu. Máy bay nhanh chóng vượt tường âm thanh. Khi phát hiện ra mục tiêu, máy bay của mình chỉ cách B-52 khoảng 10km”, Trung tướng Phạm Tuân kể lại. Cảm thấy thời cơ đã tới, Phạm Tuân xin lệnh công kích. Chiếc Mig-21 lúc đó chỉ còn cách B-52 khoảng 3km.
“Dù đang bay tốc độ vượt tường âm thanh, nhưng tôi cảm đó thời gian trôi thật chậm. Để chắc ăn, tôi tiếp tục rút ngắn khoảng cách và phóng tên lửa ở cự ly rất gần và thoát ly. Khi thoát ly, tôi thấy rõ thời điểm cả 2 quả tên lửa điểm nổ khi trúng mục tiêu”, Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại. Thấy máy bay B-52 bị máy bay ta bắn rơi, các phi đội F-4 hộ tống của địch quyết tâm truy đuổi, nhưng sau khi thoát ly, phi công Phạm Tuân đã nhanh chóng điều khiển chiếc Mig-21 cắt đuôi máy bay truy kích của địch, trở về sân bay Yên Bái và hạ cánh an toàn.
Bài và ảnh: TUẤN SƠN (QĐND) |