Vào trận đánh ấy, đồng chí Lương Văn Chiểu cùng 9 đồng chí ở mũi tấn công chủ yếu do Đại đội trưởng Nguyễn Văn Tuyến (người Thủy Nguyên, Hải Phòng) làm mũi trưởng. Mũi thứ yếu gồm 6 người do Đại đội phó Ai (người Đại Lộc, Quảng Nam) chỉ huy…
Đúng 19 giờ, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Tuyến, các bộ phận bắt đầu rời hậu cứ, vượt chướng ngại vật, tiếp cận mục tiêu. Đến nửa đêm, khi ta áp sát đồn địch, anh Tuyến trực tiếp “khử” tên lính gác, đồng thời giật nổ quả pháo ống dài 1,2m “thổi bay” 4 hàng rào cuối cùng của địch, rồi ra lệnh xung phong. Cả hai mũi xốc tới, phát huy tối đa hỏa lực, hỏa khí cấp tập vào các mục tiêu. Địch bất ngờ trước lối đánh đặc biệt tinh nhuệ của bộ đội ta.
Đồng chí Chiểu chỉ huy tổ phá hủy 3 lô cốt và chiếm giữ ngã ba giao thông hào phía Tây. Khi chuẩn bị phá lô cốt cuối cùng thì đạn địch xuyên ngang 2 bắp chân, mảnh lựu đạn găm tới tấp vào cơ thể anh. Đại đội trưởng Tuyến lao đến, đưa Chiểu ra chỗ cửa mở, dặn dò: “Chịu khó nằm tạm đây. Truy sát địch xong, anh sẽ ra ngay”. Đau xót thay, kết thúc trận đánh, anh Tuyến trở ra đến nơi thì chỉ còn nói được có 4 từ: “Anh bị thương rồi” và tắt thở. Chiểu ôm chặt anh Tuyến. Máu của hai người trộn vào nhau.
![]() |
CCB Lương Văn Chiểu (giữa) cùng đồng đội kể chuyện thời kháng chiến với thanh niên địa phương. |
Bị mất gọn đại đội bảo an, địch cay cú triển khai lực lượng chặn đường các chiến sĩ ta rút khỏi ấp 6. Song, Trung đội phó Trung đội 1 Cao Thế Hùng đã nhanh hơn chúng. Mặc dù bờ vai bên phải bị thương, đầm đìa máu, anh Hùng vẫn cố xốc Chiểu lên lưng, vừa cõng đi, vừa tránh lộ dưới pháo sáng địch rọi tỏ như ban ngày… Khi đưa được Chiểu tới trạm phẫu thuật dã chiến, hai anh em cùng nằm vật ra. Các chiến sĩ quân y khẩn trương sơ cứu cho hai người. Sau đó, đồng chí Mạc, Trung đội trưởng thông tin và một chiến sĩ tiếp tục đưa Chiểu về tới hậu cứ.
Ba ngày sau, biệt động của ta ở xã Xuyên Trà thông báo: Đồn giặc ta vừa tiến công có 76 tên bảo an, thì 75 tên đền tội tại chỗ, 1 tên mất tích. Bọn dân vệ đã trả thù một cách hèn hạ, tăng cường đàn áp dân lành. Hành động của chúng đã “tiếp thêm dầu”, làm bùng lên ngọn lửa căm thù trong lòng dân yêu nước.
Sau khi xuất ngũ, CCB, thương binh hạng 3/4 Lương Văn Chiểu về tham gia công tác thương binh-xã hội tại xã Yên Sơn (Lục Nam, Bắc Giang). Sau này hợp lý hóa gia đình về xã Tân Hoa (Lục Ngạn, Bắc Giang), ông đảm nhiệm chức Phó chủ tịch Hội CCB xã… Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương trên cơ thể tái phát, ông càng nghĩ nhiều về nghĩa tình đồng đội trong chiến đấu, lạ thay, cảm giác nhức buốt từ các vết thương cũng nhẹ dần đi. Thỉnh thoảng ông gọi cho tôi tha thiết: “Đồng đội xưa đều đã tuổi cao sức giảm, không ít người vẫn phải làm lụng để mưu sinh, đỡ đần con cháu. Nhiều lúc gọi điện thoại chẳng thấy nghe. Chẳng biết sức khỏe thế nào, có no ấm cả không?”. Ông tỏ ý nhờ tôi trợ giúp liên lạc với những đồng đội năm xưa và nói với họ rằng, mãi mãi thương nhau như lúc ra trận!
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG (QĐND)