Những cô gái mười tám, đôi mươi ngày ấy giờ đã hằn những nếp nhăn trên khuôn mặt, mái tóc đã lấm tấm bạc nhưng lời kể vẫn thiết tha, hào hùng khi nhắc về kỷ niệm, câu chuyện chiến đấu khó quên như thể chúng vừa mới xảy ra. Những người phụ nữ vốn bề ngoài nhỏ bé ấy nhưng bên trong luôn chứa đựng một ý chí thép, một quyết tâm mãnh liệt không gì có thể đánh gục được.
Trong mũi tấn công vào Bộ tư lệnh Hải quân địch sáng 31-1-1968 có một người mẹ ôm trên tay đứa con mới hai tuổi vào trận đánh. Đó là Đoàn Thị Nhỏ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Giải phóng Củ Chi. Bà là vợ của Đại tá Nguyễn Đức Hùng (bí danh Tư Chu) – chỉ huy lực lượng Biệt động Sài Gòn mà quân địch treo giá hàng triệu USD để truy lùng. Kể lại việc ôm con nhỏ từ Tây Ninh về Sài Gòn chiều mồng 1 Tết Mậu Thân dẫn đường cho 11 chiến sĩ vào cơ sở giấu quân trong nội đô, bà Nhỏ không giấu được xúc động khi những chiến sĩ của mũi tiến công ấy đều hy sinh.
![]() |
Các nhân chứng từng là nữ giao liên, trinh sát trò chuyện trong Chương trình giao lưu “Nữ biệt động Sài Gòn –Chợ Lớn – Gia Định trong Mậu Thân 1968”. |
Bà Nhỏ nhớ lại: “Chúng tôi vào đến một nhà đã chuẩn bị trước. Tuy nhiên, người chủ nhà do lo lắng và sợ quá đã bất ngờ từ chối cho lực lượng của ta trú ém. Trong lúc cấp bách, tôi nghĩ ra cách đưa các chiến sĩ vào rạp hát, tham gia đánh “bầu cua tôm cá” và lẫn vào đám đông. Còn tôi một mình ôm con đi tìm cơ sở nhà bà Đặng Thị Hai (bí danh Mười Lợi). Lúc ấy, lòng tôi như lửa đốt khi không tìm ra địa chỉ, trong khi con tôi khát sữa, cứ khóc liên hồi. May mắn thay, cuối cùng tôi cũng tìm được nhà của bà Đặng Thị Hai, ở quận Bình Thạnh. Tôi gửi con cho một cơ sở cách mạng ở gần Đại học Quốc gia hành chính ngụy (nay là đường 3-2, quận 10) rồi đưa quân tập kết ở nhà bà Mười Lợi”.
Còn đối với Anh hùng LLVT nhân dân Võ Thị Tâm, khi nhắc đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bà lại nhớ những năm tháng làm đủ việc từ ô sin, bán kem, bán rau… để nắm tình hình, thông thuộc đường phố Sài Gòn. Bà Võ Thị Tâm cho biết: “Từ năm 1964, tôi được điều về lực lượng vũ trang T4 Sài Gòn-Gia Định, làm công tác vũ trang trong nội thành, xây dựng cơ sở, trinh sát, nắm tình hình chuẩn bị cho “trận dứt điểm”. Cuối tháng 12-1967, tôi được giao nhiệm vụ làm trinh sát kiêm dẫn đường cho Tư lệnh tiền phương phân khu 2, ba lần dẫn quân tấn công vào nội đô Sài Gòn”.
Bà Tâm chia sẻ, do yêu cầu nhiệm vụ, bà phải trà trộn khắp nơi trong nội thành Sài Gòn để nắm tình hình, chuẩn bị lực lượng. Chính nhờ sự che chở của người dân dù họ biết bà hoạt động cách mạng mới có điều thuận lợi để bà hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí, đã có lần, một sĩ quan chế độ cũ đã im lặng bỏ qua khi biết bà Tâm rải truyền đơn. Hòa vào quần chúng, bà tạo được vỏ bọc hợp pháp để hoạt động trong nội thành. Lần thứ ba dẫn đường đưa lực lượng Phân khu 2 tấn công nội đô, bà Tâm bị thương ở mặt rất nặng, máu ra nhiều, một mắt bị hư, nhưng quyết tâm không rời đơn vị.
Nhớ lại thời khắc ấy, bà Tâm bồi hồi cho biết: “Đêm cuối cùng ở ngôi nhà đường Ngô Nhân Tịnh, Trung đoàn trưởng Hai Hoàng ra lệnh cho bà phải cải trang làm thường dân để tìm cách ra ngoài, vì bà là phụ nữ, có thể dựa vào thế hợp pháp để thoát hiểm. 4 giờ 30 phút ngày 17-6-1968, tôi đành chấp hành mệnh lệnh chỉ huy, tìm cách ra hợp pháp, len lỏi qua các ngõ tắt, mang thành tích của Trung đoàn 31 và lời thề của 10 chiến sĩ còn lại “Thà chết không đầu hàng giặc” về báo cáo với lãnh đạo Phân khu 2”.
“Lòng dân” cũng là bài học mà nữ biệt động Nguyễn Thị Mai tâm đắc khi nói về thời gian chiến đấu trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Bà Mai vốn sinh ra trên mảnh đất Đại Lộc, Quảng Nam. Từ nhỏ, bà đã làm giao liên cho huyện đội. Năm 1964, đang 21 tuổi, bà đã xin mẹ vào Sài Gòn – Gia Định để gia nhập đội biệt động 90C chiến đấu, liên lạc, vận chuyển vũ khí, tài liệu từ căn cứ vào Sài Gòn. Một lần, bà bị địch bắt khi đang chuyển nhiều tài liệu mật và 30 kíp nổ. Dù đang điều trị vết thương ở căn cứ do trước đó địch đã tra tấn bà dã man, nhưng bà vẫn trốn viện, có mặt trong đoàn quân tham gia đánh chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.
Bà Mai nhớ lại: “Trận đánh Tết Mậu Thân 1968 là đơn vị tôi đánh vào khám Chí Hòa. Tôi là tổ trưởng tổ trinh sát điều động trận đánh đó. Đội 90C của tôi bị địch khủng bố, xé lẻ không tiếp cận được mục tiêu. Lực lượng hy sinh nhiều. Anh em biệt động vừa chiến đấu yểm trợ bộ đội, vừa vận chuyển thương binh đến căn hầm nhà ông Trương Văn Thàng. Ở Mặt trận bảy Hiền, tôi được dân che chở, làm công tác giao liên, trinh sát, cứu thương. Vượt qua mưa đạn, tôi luôn gắng sức đưa thương binh xuống hầm trú ẩn”. Khi một số thương binh đã được chuyển về tuyến sau thì cũng là lúc địch phát hiện ra căn hầm. Chúng bắt năm chiến sĩ còn lại của ta cùng bà Mai và bà Nguyễn Thị Năm (vợ ông Trương Văn Thàng). Chúng tra tấn dã man nhiều ngày liền và bà Nguyễn Thị Năm đã hy sinh.
Ghi nhận chiến công của lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định, trong đó có những nữ biệt động gan dạ, kiên trung, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đã tặng 16 chữ vàng: “Đoàn kết một lòng – Mưu trí vô song – Dũng cảm tuyệt vời – Trung kiên bất khuất”.
Bài và ảnh: HÙNG KHOA (QĐND)