Ngày đó, với lệnh ngầm của cấp trên: “Tiêu diệt bất cứ thứ gì chuyển động”, một đại đội lính Mỹ do Trung úy Willian Calley chỉ huy đã điên cuồng nổ súng sát hại 504 thường dân một cách man rợ, trong đó đa phần là người già, phụ nữ và trẻ em.
Năm 1968, khi tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc, Billy Kelly được điều động đóng quân tại Đức Phổ, Quảng Ngãi, về chính đơn vị đã gây ra vụ thảm sát Sơn Mỹ sau khi sự việc xảy ra được vài tháng. Đau lòng trước sự việc trên và dù không phải người liên quan trực tiếp nhưng ông vẫn đau đáu trong tâm can. Trở lại Việt Nam lần đầu tiên năm 1996, Billy Kelly lập tức đến Sơn Mỹ. Kể từ đó đến nay, trừ hai năm khi ông tham gia điều trần về tội ác chiến tranh ở Mỹ, năm nào Billy Kelly cũng tới Việt Nam để dâng hương tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Sơn Mỹ.
Một căn hầm tránh pháo ở Sơn Mỹ bị lính Mỹ đánh sập ngày 16-3-1968 được phục dựng lại. Ảnh: YÊN BA |
“Tôi đến chia buồn với bạn và gia đình”, Billy Kelly nói thành thạo bằng tiếng Việt mỗi lần ông gặp thân nhân của những nạn nhân vụ thảm sát. Ông giải thích theo ý hiểu của mình, đây là câu nói của người Việt Nam để chia sẻ đau buồn và khi đó, nỗi đau được sẻ chia và sẽ mãi không quên.
Chiến tranh luôn mang lại đau thương và tội ác trong chiến tranh là điều cả thế giới lên án. Nhưng cũng chính trong buổi sáng khi những lính Mỹ đang sát hại man rợ những người dân thì vẫn có những lính Mỹ khác cảm thấy ghê rợn trước những gì họ tận mắt chứng kiến; họ sẵn sàng xả súng vào chính đồng đội mình để ngăn cản tội ác và cứu những người dân Sơn Mỹ. Hugh Thompson, Larry Colburn và Glenn Andreotta trên một chiếc trực thăng ở đó đã làm như vậy. Sau này, Hugh Thompson và Larry Colburn còn là nhân chứng trong vụ điều trần tố cáo vụ thảm sát của lĩnh Mỹ ở Sơn Mỹ.
Khi còn sống, Hugh Thompson và Larry Colburn vẫn hay đến Quảng Ngãi như Billy Kelly và những người Mỹ yêu hòa bình với mong muốn góp sức xoa dịu nỗi đau và hỗ trợ được phần nào để hồi sinh mảnh đất chịu nhiều đau thương này. Những năm gần đây, ngày càng nhiều khách quốc tế đến với Quảng Ngãi, về với Sơn Mỹ để chia sẻ nỗi đau, ôn lại lịch sử, để tránh lặp lại những tội ác của chiến tranh. Chị Cao Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc phụ trách Khu chứng tích Sơn Mỹ cho biết, trong những ngày gần đây, các đoàn của hơn 10 nước, trong đó có đoàn của hơn 70 cựu chiến binh Mỹ đã tới đây tìm hiểu và chia sẻ thông điệp hòa bình, lên án tội ác chiến tranh và phản đối chiến tranh phi nghĩa.
Đài tưởng niệm Khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: YÊN BA |
Billy Kelly cho rằng, vẫn còn rất ít người Mỹ ngày nay biết về vụ thảm sát này, nhưng ông biết, khi biên đội tàu sân bay Carl Vinson có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam vừa qua, đã có những thủy thủ Mỹ tới các bệnh viện để thăm các nạn nhân thế hệ thứ hai, thứ ba của chất độc da cam do Mỹ rải xuống trong giai đoạn chiến tranh ở Việt Nam. Ông tin rằng, đây là dấu hiệu tích cực và có thể là bước đột phá để nước Mỹ nỗ lực hơn nữa trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.
Billy Kelly năm nay 75 tuổi, nhưng vẫn tích cực tham gia các hoạt động phản đối chiến tranh trên khắp thế giới và các hoạt động đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.
“Tôi cũng như nhiều người Việt Nam đều mong đợi quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục có những bước phát triển tốt đẹp. Hai nước tuy khác nhau, nhưng tính nhân văn thì ở đâu cũng vậy. Tôi đã làm bạn với rất nhiều người Việt Nam, trong đó có cả những người thân của nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ. Tôi luôn tin rằng tính nhân văn và tình bạn sẽ giúp xoa dịu nỗi đau để chúng ta cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”, Billy Kelly khẳng định.
“Quảng Ngãi đang đổi thay từng ngày. Đời sống của người dân đã tốt hơn rất nhiều so với ngày đầu tiên tôi trở lại. Tôi cảm nhận rõ những triển vọng phát triển của tỉnh và đất nước Việt Nam”, Billy Kelly tâm sự.
Hôm nay (16-3), lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát sẽ được tổ chức tại chính nơi vụ thảm sát diễn ra đúng ngày này 50 năm trước. Những tiếng chuông cầu nguyện sẽ vang lên, những bông hoa hồng đỏ thắm vẫn được dâng lên tưởng niệm các nạn nhân. Bên cạnh đó, dự án xây dựng công viên hòa bình Mỹ Lai sẽ chính thức được công bố để nơi đây sẽ là điểm đến cho thế giới cầu nguyện hòa bình, phản đối chiến tranh.
NGỌC HƯNG (QĐND)