Nhắc lại kỷ niệm cũ, CCB Nguyễn Đức Việt kể: “Chi khu Long Thành là mục tiêu quan trọng ở cửa ngõ hướng đông bắc Sài Gòn. Chiếm được mục tiêu này sẽ thuận lợi tiến công lên nội đô hoặc phát triển chiến đấu xuống Bà Rịa-Vũng Tàu. Bởi vậy, đơn vị hạ quyết tâm phải đánh chiếm bằng được quận lỵ Long Thành”.
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Việt (ngoài cùng, bên phải) cùng đồng đội họp mặt tại Long Thành. |
Trước khi bước vào thời điểm quyết định của trận tiến công chi khu Long Thành, Nhơn Trạch, Tiểu đoàn 2 đảm nhiệm lực lượng dự bị, sẵn sàng đánh địch trên hướng tiến công chủ yếu của Trung đoàn 101. Ngày 27-4-1975, trung đoàn tiến công chiếm giữ nhiều mục tiêu quan trọng nhưng chưa giải quyết dứt điểm được mục tiêu then chốt. Địch ở chi khu Long Thành chia làm 3 khu vực co cụm, cố thủ, quyết giữ mục tiêu trung tâm quận lỵ. Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 chiến đấu anh dũng, nhưng vẫn không đánh bật quân địch, lại bị thương vong tổn thất.
Rạng sáng 28-4, chỉ huy Trung đoàn 101 họp, quyết định đưa Tiểu đoàn 2 chínhthức đảm nhiệm tiến công trên hướng chủ yếu, quyết tâm tiêu diệt địch ở chi khu Long Thành trong ngày 28. Nhận nhiệm vụ xong, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đức Việt xác định rõ mục tiêu quan trọng phải tiêu diệt đầu tiên là ổ hỏa lực địch đặt trên tháp nước, vì đây là chướng ngại vật cản trở bước tiến của bộ đội ta trong những đợt tiến công trước đó.
Khoảng 12 giờ ngày 28-4, hiệu lệnh tiến công phát ra, sau thời gian pháo bắn chuẩn bị, theo kế hoạch, đơn vị nổ súng. Cùng với pháo 100mm trên xe tăng T54 đi đầu bắn vào tháp nước, hỏa lực của tiểu đoàn bắn mạnh vào ổ đề kháng của địch và khu vực xung quanh. Tiếng đại liên im bặt, địch rối loạn đội hình. Chớp thời cơ, Tiểu đoàn trưởng chỉ huy Đại đội 5, Đại đội 7 xung phong đánh chiếm mục tiêu, rồi phối hợp với Tiểu đoàn 3 tiến công thẳng vào trung tâm chỉ huy-nhà quận trưởng Long Thành. Bọn địch ở đây quyết tử thủ nên liên tục phản kháng. Chúng lợi dụng nhà cao tầng và các ngõ ngách ném lựu đạn, bắn mạnh vào đội hình của ta. Trước tình thế bất lợi, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh đại đội hỏa lực chọn vị trí thuận tiện nã đạn vào trung tâm chỉ huy, uy hiếp tinh thần và chế áp mục tiêu kiên cố. Bọn địch bên trong hoảng loạn, một số chạy ra ngoài. Các đại đội bộ binh thừa cơ xung phong tiến công, nhanh chóng đánh chiếm từng mục tiêu, làm chủ trung tâm chỉ huy của địch đúng theo dự kiến.
Trong trận đánh ấy, dù giành thắng lợi, nhưng nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Đó cũng là lý do khiến CCB Nguyễn Đức Việt mang theo nhiều trăn trở. Sau khi kết thúc chiến tranh, ông dành nhiều thời gian thực hiện các chương trình nghĩa tình đồng đội. Mới đây, ông cùng Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 325 tham gia hội thảo trận tiến công quận lỵ Long Thành và kiến nghị xây dựng nhà bia tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận đánh năm xưa.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH (QĐND)