
Trận chiến anh hùng
Trong những năm chiến tranh, quân đội Mỹ – ngụy xây dựng ở Mỹ Thủy cảng quân sự dã chiến. Ngày 1-5-1972, Quảng Trị được giải phóng, Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) tỉnh Quảng Bình điều động các Phân đội 160, 170 và 180 chi viện cho An ninh vũ trang (ANVT) Quảng Trị bảo vệ bờ biển. Mất Quảng Trị, Mỹ – ngụy điên cuồng tung ra mọi lá bài để tái chiếm, đặc biệt là thành cổ Quảng Trị nhằm giành thế mạnh trên bàn đàm phán Paris. Một trong những hướng định đưa quân vào Quảng Trị, là đường biển, bởi vậy, ngoài nhiệm vụ giữ vững địa bàn, Phân đội 180 còn có nhiệm vụ “giảm tải” cho Thành cổ trước các cánh quân đổ bộ từ biển. Giữ vị trí chiến lược, các chiến sĩ Phân đội 180 quân số chỉ 30 người nhưng đã ghi dấu bằng nhiều trận đánh, trong đó có trận đánh ngày 24-5-1972.
Từ đêm 23-5-1972, địch dùng máy bay B52 dội bom xuống xã Hải An, Hải Khê. Pháo các loại từ Hạm đội 7 của Mỹ từ ngoài khơi bắn vào không ngớt. Cả bầu trời vùng quê này bị bao trùm khói lửa bom đạn. Đúng 7 giờ sáng ngày 24-5, địch dùng tàu thuyền chở 1 Tiểu đoàn thủy quân lục chiến đổ bộ vào đất liền, men theo dãy đồi cát ven biển thôn Thuận Đầu, xã Hải An nhằm thực hiện kế hoạch tái chiếm Quảng Trị và bắt nhân dân 2 xã Hải An, Hải Khê đưa vào Thừa Thiên – Huế. Địch vừa đặt chân vào đất liền, một tổ ANVT của Tiểu đội 3 và 1 Tiểu đội du kích xã Hải An chặn đánh tại chỗ. Trong trận đánh này, ta diệt 10 tên địch, đầy lùi cánh quân này, nhưng đồng chí Hoàng Viết Tuệ và Dương Công Tường đã hy sinh.
Bị thất bại ở thôn Thuận Đầu, xã Hải An, bọn thủy quân lục chiến tìm đường lui về hướng Thừa Thiên. Trên đường đi đến địa phận thôn Trung An, xã Hải Khê thì bị 2 tổ an ninh thuộc Tiểu đội 3, Phân đội 180 phối hợp với du kích xã Hải Khê chặn đánh. Với quyết tâm bảo vệ nhân dân, bảo vệ địa bàn, 2 tổ an ninh của Tiểu đội 3 đã chiến đấu ngoan cường, suốt 1 ngày liên tục, dù chênh lệch về lực lượng, vũ khí trang bị, bẻ gãy hàng chục đợt tấn công của địch, tiêu diệt 70 tên, bảo vệ được hơn 2.000 nhân dân và chỉ chịu hy sinh khi hết đạn.
Kết nối đồng đội
Là đơn vị của CANDVT tỉnh Quảng Bình chi viện cho Quảng Trị, nhưng Phân đội 180 sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã tiếp tục ở lại xây dựng địa bàn, thành lập Đồn Biên phòng 138 (nay là Đồn Biên phòng Mỹ Thủy), BĐBP Quảng Trị. Bia tưởng niệm Tiểu đội 3, Phân đội 180 được xây ngay cạnh Đồn Biên phòng Mỹ Thủy. “Cán bộ, chiến sĩ đơn vị, ai cũng thuộc nằm lòng về sự hy sinh anh dũng của các anh, rồi từ đó nhìn vào bản thân mình để hoàn thiện, phấn đấu” – Trung tá Hoàng Văn Viễn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Thủy chia sẻ. Mỗi khi có cán bộ, chiến sĩ mới nhận nhiệm vụ, anh đều tập trung để giới thiệu về truyền thống đơn vị, trong đó không thể thiếu việc giới thiệu bia tưởng niệm, chiến công của Tiểu đội 3 Anh hùng. Vào những dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Quảng Trị, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước hay ngày Tiểu đội 3 hi sinh, những người lính CANDVT từng chiến đấu trên chiến trường này đều đến đây thắp hương cho đồng đội.
Thiếu tướng Trần Đình Dũng, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP, nguyên là chiến sĩ ANVT Quảng Trị, bởi vậy, ông nắm rất rõ về việc chiến đấu, hi sinh của Tiểu đội 3, Phân đội 180. Khi còn là Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị, ông đã khởi xướng việc vận động xây dựng bia tưởng niệm Tiểu đội 3 Anh hùng được khang trang. Ông Dũng đã giúp chúng tôi kết nối với 2 người từng chiến đấu trong đội hình Phân đội 180.
Đó là ông Vũ Xuân Cường và Phan Văn Vĩnh. Hai ông đã bước vào tuổi 70 nhưng vẫn còn rất minh mẫn, khi nhắc đến Phân đội 180 thì các ông trở nên rất sôi nổi. Năm 1972, ông Cường là y sĩ của CANDVT Quảng Bình. Khi Phân đội 180 lên đường chi viện cho ANVT Quảng Trị, vì thiếu người nên ông tham gia hộ tống đoàn. Trong đêm 23-5, trên đường ông rút ra Quảng Bình, đến thôn Thuận Đầu thì gặp trận đánh của tổ an ninh thuộc Tiểu đội 3 với Tiểu đoàn thủy quân lục chiến địch. Trong trận đánh, khiến hai đồng chí Hoàng Viết Tuệ và Dương Công Tường hy sinh. Trời tối, ông cùng với dân quân liệm các anh bằng tăng võng, khênh qua những ruộng khoai, đưa lên gò cát để chôn. Ông cho biết, đồng chí Tuệ vừa tròn 20 tuổi, đồng chí Tường 21 tuổi, cả hai đều chưa có gia đình.

Còn ông Phan Văn Vinh, chiến sĩ Tiểu đội 2, Phân đội 180 rưng rưng kể lại: Khi ấy, đáng lẽ Tiểu đội 2 của ông có nhiệm vụ chặn đường rút của quân địch, nhưng giờ phút cuối lại thay bằng Tiểu đội 3. Sự hy sinh của 9 đồng chí Tiểu đội 3 lúc ấy càng làm bùng lên ngọn lửa quyết tâm đánh địch. Hiện nay, những người từng chiến đấu ở Phân đội 180 sống ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, đều cố gắng tổ chức gặp mặt, thăm hỏi nhau lúc ốm đau. Tuy nhiên, mọi người vẫn còn nhiều băn khoăn. Đó là trên bia tưởng niệm, liệt sĩ Đinh Công Tường ghi nhầm thành Đinh Công Trường và còn một liệt sĩ Nguyễn Văn Dần chưa có tên trên bia tưởng niệm.
Theo ông Vinh và ông Cường, anh Dần hy sinh vào ngày 24-5 cùng với anh Mửu, anh Lực, anh Mai, anh Tư, anh Từ, anh Dung, nhưng hy sinh khi không ở trong hầm. Bia tưởng niệm được khắc lên đá nên việc sửa lại và tạc thêm là rất khó. Nay bia đã xuống cấp, mọi người đều mong muốn được xây lại nhà bia cho các anh. Khi được biết, Đồn Biên phòng Mỹ Thủy đã làm tờ trình đề nghị làm việc này, hai ông rất phấn khởi, nói sẽ cùng nhau thông báo với đồng đội để khi việc triển khai, mọi người có cơ hội chung tay góp sức.
Trúc Hà (Báo Biên phòng)