Tâm nguyện từ một giấc mơ
Nằm cách trung tâm thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên chừng 3 cây số về phía Bắc, khu phố Ninh Tịnh được nhiều người biết là ngôi làng bình yên với những khu nhà vườn trồng mai xanh tươi. Không gian thoảng mùi thơm của lúa, những bờ tre rợp mát và ríu rít tiếng chim. Hai ngôi mộ tập thể liệt sĩ nằm ở cuối xóm, cách nhau chừng 100m, với tượng đài uy nghi, nhìn ra cánh đồng lúa ngát xanh. Những ngày cuối năm, cũng như người dân trong làng, bà Phước đang gắng sức tưới vun, chăm chút cho những chậu mai nở đúng Tết. “Cái ăn thì đơn giản, nhưng cúng kính, giỗ chạp là chuyện quan trọng. Thu nhập của hai vợ chồng già trông chờ vào mùa mai Tết. Qua Tết lại tới giỗ liệt sĩ liền. Bán mai có tiền thì ngày giỗ rôm rả, xóm làng phấn khởi, hương linh các anh cũng sẽ ấm lòng” – Bà Phước tâm sự.
Nhắc chuyện khởi tâm cúng liệt sĩ, bà Phước kể: “Vào một buổi trưa khoảng 10 năm trước, đang ngả lưng nằm nghỉ trên chiếc giường đặt gần cửa sổ, tôi mơ màng thấy một đoàn quân mặc quần áo bộ đội, đứng phía ngoài cửa sổ nhìn vào với vẻ rụt rè. Khi tui ngỏ ý mời các chú vào nhà uống nước thì trong hàng quân có người lên tiếng: “Bộ đội đói quá, gia đình làm ơn cho bộ đội đồ ăn cho đỡ đói!”. Tỉnh lại, tui biết đó là một giấc mơ. Nghe kể chuyện, chồng tui nói ngay, đó là anh em bộ đội hi sinh trong căn hầm ở góc vườn nhà mình năm Mậu Thân. Sau hôm đó, hai vợ chồng tui bàn với nhau làm mâm cơm cúng liệt sĩ rồi từ đó lấy ngày 5-2 âm lịch làm ngày giỗ hằng năm” – Bà Phước nhớ lại.
Cảnh nhà còn khó khăn, ban đầu, bà Phước làm mâm cơm giỗ chỉ có hai con gà nấu cháo, thêm bánh trái và cũng không quên rượu, thuốc lá. Cúng xong, bà bày mâm cỗ ra bàn, mời những người hàng xóm cùng ngồi. Những năm sau, gần tới ngày giỗ, bà con khắp làng chủ động đến đóng góp. “Bà con tôi góp chút ít, của ít lòng nhiều, miễn xóm làng đông vui, để hương linh các anh thêm ấm áp” – Ông Nghĩa, người hàng xóm bà Phước nói.
Thành thông lệ hằng năm, gần đến ngày giỗ, vợ chồng bà Phước gửi thư mời đến một số cựu chiến binh của Phú Yên từng tham gia trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 tại Ninh Tịnh. Còn người dân làng mai không ai bảo ai, tự gác lại những lo toan riêng tư để cùng tụ hội về khu mộ và đài tưởng niệm liệt sĩ. Những nén nhang tưởng nhớ được thắp lên, hồi ức về cuộc chiến bi hùng, hình ảnh những chiến sĩ quyết tử trong cuộc Tổng tiến công Xuân 1968 lại trở về vẹn nguyên trong tâm trí mọi người.
Nhớ thời máu lửa
Theo ông Trần Văn Mười, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên, ngày ấy là Thiếu úy, Trợ lý Tác chiến của Tỉnh đội Phú Yên: 5 giờ chiều 5-2 (âm lịch) Xuân Mậu Thân 1968 các cánh quân của ta gồm Đại đội Đặc công 202, Tiểu đoàn 85, Trung đội Quyết Thắng của thị xã Tuy Hòa và Tiểu đoàn 12 (lực lượng bộ đội chủ lực chi viện từ Bắc vào) bắt đầu từ vùng ven thành phố, đồng loạt tiến vào thị xã, ém quân ở nhiều khu vực để chuẩn bị đánh vào các cứ điểm quan trọng của địch.
10 giờ đêm, từ nhiều hướng, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công vào các đơn vị, cơ quan đầu não của địch ở giữa lòng thị xã. Suốt đêm, quân địch nằm im, co cụm, nhưng sáng ra, chúng bắt đầu phản kích. Cùng với đạn pháo bắn ra, địch dùng máy bay trực thăng đổ quân, vừa yểm trợ cho ngụy quân tại các vị trí trọng yếu, vừa chặn đầu, cắt các mũi di chuyển của quân ta và giội bom xuống cứ điểm ta. Lực lượng ta trong lòng thị xã thương vong khá nhiều. Tiểu đoàn 12 mở đường máu, đưa cơ quan chỉ huy Tỉnh đội rút về làng Ninh Tịnh, ẩn nấp dưới hầm, hào tiếp tục chỉ huy cuộc chiến. Tuy nhiên, các mũi quân và hầm trú ẩn của ta bị lộ. Địch dùng xe M113 và Trung đoàn bộ 47 phản kích liên tục. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 12 đã chiến đấu anh dũng, tiêu diệt hàng trăm tên địch và nhiều xe M113. Địch tăng cường máy bay yểm trợ cho toán quân bộ binh, thả bom xuống truy sát quân giải phóng.
Trực tiếp chiến đấu trên trận địa Ninh Tịnh, ông Mười nhớ như in thời khắc bi hùng hôm ấy. Khi thấy máy bay trực thăng của địch liên tục quần đảo và thả bom khu vực gần đó, ta quyết định rút nhanh cơ quan đầu não ra vùng ven để tiếp tục chỉ huy lực lượng. “Tôi cùng hai đồng chí liên lạc ra khỏi hầm, đang men theo con mương ở cánh đồng để quan sát tình hình, chuẩn bị quay về dẫn đường, đưa Bộ Chỉ huy đến một khu vực khác. Bất chợt, nghe một tiếng nổ long trời từ căn hầm phía trong. Tôi thắt lòng khi biết quả bom địch vừa thả xuống đã trúng hầm ẩn náu của chỉ huy. Hai đồng chí chỉ huy là Tỉnh đội trưởng Nguyễn Tất Lưu (người Hà Tây) và Chính ủy Nguyễn Nam Khánh (người Quảng Ngãi), cùng hơn 30 chiến sĩ Tiểu đoàn 12 làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan chỉ huy đang trú dưới hầm đều hy sinh” – Ông Mười nghẹn ngào kể.
Dưới làn đạn xối xả của địch, ông Mười cùng hai đồng đội tiếp tục bò theo con mương, băng qua cánh đồng cỏ lác để vượt ra vùng ven. Khoảng lặng yên giữa những loạt đạn, từ một khoảng cách không xa, ông nghe có tiếng rên từ căn hầm phía ngoài nên đoán biết, nhiều anh em bộ đội nằm dưới hầm này cũng đã bị thương nặng. Cùng lúc đó, từ trên chiếc máy bay trực thăng, quân ngụy thả xuống một tốp quân. Chúng hò hét, bao vây căn hầm. “Rất nhanh, tôi thấy bóng một đồng chí vụt đứng dậy trước miệng hầm, giọng vang rõ: “Hồ Chí Minh muôn năm”. Cùng lúc, hai quả lựu đạn được tung lên, phát nổ rung trời. Anh em dưới căn hầm quyết chiến đấu, tiêu diệt địch đến hơi thở cuối cùng” – Ông Mười kể.
Theo ông Nguyễn Văn Thiệt (chồng bà Phước), số cán bộ, chiến sĩ nằm xuống nơi đây, cho đến giờ cũng không thể biết chính xác là bao nhiêu, nhưng chủ yếu là quân của Tiểu đoàn 12 từ Bắc vào. “Sau khi trận địa im tiếng súng, từ vùng di tản trở về, chúng tôi đã chứng kiến cảnh quân địch cho thu gom thi thể của bộ đội ta nằm rải rác trên khắp trận địa Ninh Tịnh đổ dồn xuống hầm rồi lấp đất, mà không cầm được nước mắt”.
Trưởng thành trong chiến tranh, sau giải phóng, ông Trần Văn Mười trở thành Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên. Ông cho biết: Trước đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên có ý định quy tập hai ngôi mộ này về nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh ở Đông Tác. Biết tin, bà con Ninh Tịnh đã đề đạt nguyện vọng được giữ lại nguyên vẹn hiện trạng phần mộ ở đây. “Bà con nói, anh em nằm xuống ở nơi này đã lâu. Hơn nữa, trong tình cảnh này, việc phân định được hài cốt từng người một rất khó. Cứ để anh em nằm đây cho yên ổn, đã có dân làng chúng tôi chăm sóc. Từ đó, tỉnh Phú Yên cho quy hoạch xây dựng nơi này thành tượng đài nghĩa trang và khu công viên” – Ông Mười nhắc lại.
Hàng chục năm qua, bà Nguyễn Thị Phước cùng gia đình đã trở thành nơi nương tựa cho hương linh các liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, đang nằm dưới hai ngôi mộ tập thể, trước khu vườn mai của gia đình bà, ở khu phố Ninh Tịnh, phường 9, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Ngày trước, nói đến Ninh Tịnh, người ta nghĩ về một làng vùng ven thị xã Tuy Hòa toàn cỏ lác, rừng dương với khung cảnh hoang tàn do bom đạn quân thù. Làng Ninh Tịnh bây giờ đã trở thành một khu phố yên bình với những cánh đồng lúa, những nhà vườn trồng hoa mai nổi tiếng nhất của thành phố Tuy Hòa. Một con đường bê tông khang trang, nối từ trung tâm thành phố chạy đến cuối làng, ghi dấu hành trình khi Tiểu đoàn 12 mở đường máu, đưa cơ quan chỉ huy Tỉnh đội rút về làng Ninh Tịnh. Con đường mang tên Mậu Thân, khắc ghi dấu ấn bi hùng trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Phương Oanh (Báo Biên phòng)