Nhắc về câu chuyện ngày đó, Thiếu tướng Lê Huy Mai chia sẻ: “Tháng 8-2017, tôi gặp đồng chí Trần Văn Nẩy, người cùng ở lại quyết tử bảo vệ hơn 50 thương binh. Khi ôn lại chuyện này, anh Nẩy ôm chặt tôi và nói: Nếu hôm đó không ở lại, hơn 50 thương binh sẽ bị địch bắt và chắc chắn anh em mình ân hận cả đời!”.
Đó là vào giữa tháng Giêng năm Mậu Thân-1968, sau những trận tập kích của trực thăng địch đánh vào làng Long Quang và Linh Yên (xã Triệu Trạch, Triệu Phong, Quảng Trị), Đại đội Phòng không 12,7mm của Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 (Quân khu 4) bị thương vong nhiều. Đến tối, đồng chí Lê Huy Mai, Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát đặc công cùng Chính trị viên Nguyễn Bá Cự chỉ huy lực lượng trinh sát cùng đại đội vận tải đưa toàn bộ thương binh về bệnh xá trung đoàn ở làng An Hưng (xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong). Đến gần sáng, khi Trần Văn Nẩy, Nguyễn Hữu Tứ, Nguyễn Văn Xương đang cáng thương binh cuối cùng đến bệnh xá, Đại đội trưởng Lê Huy Mai hội ý và quán triệt: “Trao đổi với chỉ huy bệnh xá, tôi được biết hiện ở trong làng còn hơn 50 thương binh nhưng không có lực lượng bảo vệ. Địch có thể đổ bộ bất cứ lúc nào và khi đó toàn bộ thương binh sẽ bị bắt. Do không liên lạc được với cấp trên nên tôi quyết định chúng ta sẽ ở lại bảo vệ thương binh an toàn”.
Thiếu tướng Lê Huy Mai (bên trái) tại lễ đón nhận, an táng hài cốt liệt sĩ của Ban liên lạc Nghĩa tình đồng đội Quân khu Trị Thiên. |
Quả đúng như Đại đội trưởng Lê Huy Mai dự đoán, mới đầu giờ sáng, hai chiến sĩ Nẩy và Xương đang canh gác bỗng phát hiện một toán lính Mỹ từ làng Phù Lưu qua cầu sang An Hưng. Cả hai nín thở đợi địch vào tầm bắn. Đoàng, đoàng…, hai loạt đạn AK nổ đanh gọn. Tên lính đi đầu ngã gục. Bọn còn lại hoảng sợ lui chạy tán loạn ngược về Phù Lưu.
Làng An Hưng 3 trước mặt là sông nước lầy lội. Đường duy nhất vào làng là đi qua làng Phù Lưu, vượt cây cầu nhỏ bắc qua con mương ngăn cách. Quanh làng An Hưng có nhiều bụi tre rậm rạp, do vậy, bộ binh Mỹ muốn tiến công thì chỉ có con đường duy nhất là từ Phù Lưu đánh qua. Lúc này, Lê Huy Mai và Nguyễn Hữu Tứ cũng đã đến. Nhận định địch sẽ tấn công, Huy Mai lệnh cho đồng đội nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa, củng cố công sự sẵn sàng đánh địch. Từng giây phút nín thở trôi qua, lính Mỹ triển khai tấn công, dùng M79 và đại liên bắn xối xả vào trận địa phòng ngự và gọi pháo, súng cối yểm trợ đánh phá vào làng An Hưng. Sau mỗi lần hỏa lực bắn cấp tập, chúng ồ ạt xông lên, nhưng đều bị những loạt đạn chính xác của ta đẩy lùi. Cả buổi sáng, dưới sự yểm trợ của pháo binh và trực thăng vũ trang, lính Mỹ tổ chức 4 lần tấn công, nhưng đều bị bẻ gãy.
Thiếu tướng Lê Huy Mai nhớ lại: “Trận địa phòng ngự của chúng tôi được lũy tre già quanh làng che chở nên cản được rất nhiều đạn địch. Đến gần trưa, một quả M79 nổ ở bụi tre cách công sự vài mét; tôi bị nhiều mảnh đạn văng trúng phần mềm ở tay, vai, chân. Băng bó xong, tôi tiếp tục cầm súng và nói với đồng đội: Mình còn thì thương binh còn. Mất trận địa là mất tất cả thương binh và mạng sống của chính mình. Chúng ta không còn đường lùi”.
Nghe đại đội trưởng nói, ánh mắt của các đồng chí Xương, Tứ, Nẩy hừng hực lửa căm thù. Đầu giờ chiều, địch lại tấn công ồ ạt. Tứ bị một mảnh pháo găm trúng bụng. Thấy Tứ ôm bụng, đồng đội lao tới băng bó giúp. Nhưng khi Tứ bỏ tay, vén áo lên thì ruột lòi ra, không thể băng và cầm máu được. Cuối cùng, Huy Mai phải lấy bát sắt ăn cơm chụp vào vết thương rồi băng lại. Đội hình phòng ngự lúc này chỉ còn lại 3 người.
Một lúc sau, Huy Mai cũng trúng đạn của địch bắn từ trực thăng và bị thương ở chân trái. Tổ chiến đấu đề nghị ban chỉ huy bệnh xá cử cán bộ, chiến sĩ đưa thương binh nặng xuống hầm bí mật và tổ chức cho thương binh nhẹ hơn rời khỏi làng. “Sau khi triển khai sơ tán thương binh, tôi không thể nhấc chân mình lên được. Xương và Nẩy tình nguyện ở lại chốt chặn địch và đề nghị tôi và Tứ rời khỏi làng. Biết ở lại cũng chỉ làm gánh nặng cho Xương và Nẩy, tôi và Tứ đồng ý rời đi. 4 anh em ôm chặt lấy nhau. Tôi dặn: “Chúng tôi đặt tính mạng của hơn 50 thương binh vào hai đồng chí đấy”.
Tối cùng ngày, Đại đội trưởng Lê Huy Mai bò về đến làng Lương Tài và được đồng đội cứu sống. Vài tiếng sau, Chính trị viên Nguyễn Bá Cự đến thăm và thông tin: Có 5 thương binh hy sinh vì bị đạn pháo địch bắn trúng hầm trú ẩn, số còn lại được đưa về bệnh xá an toàn. Các đồng chí Tứ, Xương, Nẩy cũng đã về tới đơn vị trước khi đồng chí Mai về khoảng 2 tiếng. Các anh thật dũng cảm, ngoan cường. Các anh đã bảo vệ được thương binh, bảo vệ được bệnh xá dã chiến. Huy Mai nắm tay anh Cự, nói: “Trinh sát Nguyễn Văn Xương và Trần Văn Nẩy mới là người xứng đáng có công lớn trong trận đánh này, đồng chí ạ!”.
Bài và ảnh: VIỆT HÀ (QĐND)