Đại tá Trần Văn Phúc. |
Bác Huyên năm ấy đã 88 tuổi, ở căn nhà tại con hẻm trên phố Vương Thừa Vũ. Sau khi tôi chuyển lời chúc Tết của lãnh đạo Hội tới bác và gia đình, chúng tôi trò chuyện một hồi. Giữa chừng, bác Huyên trầm ngâm, nhìn vào tôi và chậm rãi nói:
– Tôi nhớ Xuân Quý Tỵ 2013 Đại tướng gửi thiệp chúc Tết tới rất nhiều cá nhân và tập thể, trong đó có anh thì phải?
Tôi giật mình trong giây lát, nghĩ về những người già hay hoài cổ và nói:
– Thưa anh đúng thế ạ. Tôi vẫn giữ tấm thiệp chúc tết của Đại tướng như một bảo vật của gia đình…
Cũng dịp Tết năm đó, như thông lệ đến giờ tôi vẫn làm là được sự ủy nhiệm của lãnh đạo Trung ương Hội, ngày 25-12 âm lịch tôi tới số nhà 30 Hoàng Diệu chúc Tết bác Huyên và cán bộ Văn phòng Đại tướng. Lúc này Đại tướng đã mệt và đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Khi tôi xin phép ra về thì bác Huyên bảo tôi hãy đợi một chút. Bác vào phòng trong giây lát rồi quay ra, trao cho tôi một phong bì và nói: – Đây là thiếp.
Với cảm xúc lâng lâng khó tả, tôi về nhà khoe với mọi người trong gia đình và nâng niu tấm thiệp chúc Tết ấy của Đại tướng. Tôi không ngờ, đó là tấm thiệp Chúc mừng năm mới cuối cùng của Đại tướng gửi tới đồng chí đồng bào (trong đó có tôi vinh dự được nhận). Đại tướng ra đi đến nay đã gần 6 năm rồi. Mỗi độ Xuân về tôi lại mang tấm thiếp của Đại tướng để chiêm ngưỡng, ôn lại những lần được cùng các đoàn đại biểu của Hội Trường Sơn được vào thăm Đại tướng và dặn con cháu không ngừng học tập, rèn luyện noi theo tấm gương của người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam
Tấm thiệp chúc Tết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tôi coi như vật kỷ niệm vô giá mà Đại tướng đã dành cho mình. Ký ức và câu chuyện tôi xin phép được chia sẻ cùng bạn bè, đồng đội Trường Sơn nhân dịp xuân mới.
HƯỚNG NAM (QDND)
Ghi theo lời kể của Đại tá Trần Văn Phúc, Chánh văn phòng Trung ương Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.