TRUÔNG BỒN
Kính tặng 12 nữ anh hùng LS hy sinh tại Truông Bồn
Bài thơ bốn mùa của nhà thơ QH có đoạn:
“Em như gần, em như xa
Trải bao mưa, nắng vẫn là trăng xưa
Ở đây trăng chỉ hai mùa
Thương em thì vẫn bốn mùa thương em”
QH đã cho chúng ta một tình cảm thân yêu chia sẻ với những nữ thanh niên xung phong ở tuyến lửa khu 4. Tiếp theo là bài thơ: “Mười hai cô gái Truông Bồn” thi tình yêu thật sự của tôi với những cô gái ấy được nhân lên gấp bội.
Mười hai cô gái Truông Bồn
Nửa đêm thức dậy dưới vòm sao khuya
Tôi đã từng đi trên con đường ấy và chung chịu những trận bom ở cung đường lửa Truông Bồn mới thắm thía nỗi gian khổ mất mát, đau thương của thanh niên xung phong, bộ đội và hàng hóa vận chuyển cho miền Nam mới thấy sức tàn phá của bom Mỹ dội xuống ngày đêm, càng thấu hiểu sự chịu đựng của 12 nữ thanh niên xung phong tại Truông Bồn.
Bỗng từ đâu vụt hiện lên
Một hàng tiêu mọc đường đêm trắng lòa
Các bạn thanh niên mới mười sáu, mười bảy tuổi cứ đêm đêm mặc áo trắng, cờ trắng đứng ở trọng điểm Truông Bồn để dẫn xe đi trong đêm tối, khoảng cách giữa các cô với nhau là 500, 600 mét biến thành hàng cọc tiêu sống.
Mười hai cô gái dịu hiền
Bom không át nổi nghìn đêm tiếng cười
Bom nổ là vậy mà mười hai cô gái vẫn lạc quan yêu đời vừa đi bộ dẫn xe, vừa cất tiếng hát động viên anh lính lái xe chở hàng ra tiền tuyến. Có cô ở trọng điểm này 4 năm, 5 năm, làm công việc thầm lặng nhưng vô cùng nguy hiểm với sự gan dạ thông minh để dẫn cả vạn lượt xe ra tiền tuyến. Hành động dung cảm ấy để lại ấn tượng, tình cảm sâu sắc khó quên.
Ơi! Người gái nhỏ thân yêu
Ân tình biết trả bao nhiêu cho cùng
Cánh lái xe vui nhộn táo tợn và ngỗ ngáo phải rung động bởi hàng cọc tiêu bằng xương bằng thịt cứ đêm đêm dẫn xe đi dưới làn bom địch thì không thể có giá nào tương xứng với các anh đâu. Các anh gặp đấy, nhìn thấy nhưng chỉ xuất hiện vào ban đêm nên đành chỉ cất lên lời trêu gẹo ngọt ngào
Sững sờ tay vẫy trong đêm
Áo em trắng quá, anh nhìn thêm thương
Ơi màu áo trắng quê hương
Như sao thức suốt đêm trường long lanh
Về phía các cô đã dạn dày trong bom đạn, từng giao tiếp với hàng ngàn lính lái xe nên đã vui vẻ trả lời
Anh đi vượt núi xuyên rừng
Chúng em thức mấy đêm trường thấm chi
Đúng là các cô khiêm nhường đến vậy, họ lại cất tiếng hò, tiếng hát để khích lệ lái xe. Thời ấy mọi người đều biết động viên nhau, thương cảm cho nhau tất cả vì miền Nam ruột thịt
Sững sờ tay vẫy trong đêm
Áo em trắng quá anh nhìn thêm thương
Nhà thơ QH đã nói hơi quá nhưng rất là hay chứ thời ấy chỉ có vải trắng thô mà xà phòng lại hiếm. Những chiếc áo ấy đã dính mùi bụi của đường, mùi khét của xăng dầu và nhiều lần áo đã thấm máu đào thì làm gì còn “trắng quá”. Những chiếc áo ấy chỉ còn trăng trắng đủ cho lái xe căng mắt ra nhìn khỏi để xe lọt xuống hố bom.
Hố sâu hun hút bốn bề
Màn đêm thăm thẳm như che mắt nhìn
Bỗng từ đâu vụt hiện lên
Một hàng tiêu mọc đường đêm trắng lòa
Xin cảm ơn nhà thơ QH đã cho tôi và rất nhiều người rung động. Bài thơ rất hay đã được nghệ sỹ Trần Thị Tuyết ngâm trên làn sóng phát thanh Tiếng Nói Việt Nam thời kháng chiến, chúng tôi đắm say như nuốt từng lời. Giờ đây vẫn thế và còn vang vọng tới mai sau.
Đô Lương, 16-06-2010 – Đào Thiện Sính
* Lúc 06h30 ngày 31/10/1968 Mỹ trút xuống Truông Bồn hơn 100 quả bom, mười hai nữ thanh niên xung phong đã hy sinh cùng hàng chục chiến sỹ công binh, lái xe đã ra đi mãi mãi. Mảnh đất Truông Bồn thuộc huyện Đô Lương, Tỉnh Nghệ An.
Hình ảnh của 1 trong 12 nữ thanh niên xung phong đã hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước tại Truông Bồn