Đó là lá thư của Liệt sĩ Lê Thanh Việt viết ngày 11/11/1971 trên đường hành quân vào Nam chiến đấu. Thư được viết tại một địa danh thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trong dịp gia đình từ Quảng Ninh vào tìm mộ và thăm nơi Liệt sĩ Lê Thanh Việt hy sinh, gia đình đã trao tặng cho Bảo tàng Quân đoàn 3 để trưng bày, tuyên truyền và giới thiệu đến công chúng góp phần giáo dục truyền thống, tiếp lửa tinh thần, tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.
Lê Thanh Việt sinh năm 1954, trong một gia đình có bố mẹ là công chức nhà nước tại Khu tập thể giao thông, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Tháng 1/1971, khi mới 17 tuổi, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ quốc sau khi học hết cấp 3, thay vì chọn con đường vào giảng đường đại học, Lê Thanh Việt đã viết đơn xung phong nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện tại Đông Triều, Quảng Ninh thuộc đơn vị Trung đoàn 42 Trung Dũng, Quân khu Tả Ngạn (ngay trước khi vào Tây Nguyên được đổi lấy tên là Trung đoàn 24B). Với nhiệt huyết của thanh niên thời chiến, bao ước mơ, hoài bão, khát khao được cống hiến hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc anh cùng đồng đội hồ hởi, phấn khởi lên đường với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Di ảnh liệt sĩ Lê Thanh Việt
Đúng 2 giờ chiều ngày 31 tháng 10 năm 1971, lễ xuất phát của Trung đoàn 24B được tổ chức trọng thể tại rừng phi lao xã Tràng An, huyện Đông Triều.
Sau lễ xuất phát, anh là một trong số 1950 đồng chí của Trung đoàn 24B Trung Dũng hành quân về ga Tiền Trung (Hải Hưng) để lên tàu hỏa. Đội hình đi tàu được chia thành 4 khối. Đúng 2 giờ ngày 3 tháng 11, chuyến tàu đầu tiên chở khối thứ nhất, đêm hôm sau là khối thứ hai, tiếp đó từ ngày 6 tháng 11 khối thứ ba, khối thứ tư lần lượt lên tàu tiến về phía Nam[1].
Lá thư của liệt sĩ Lê Thanh Việt viết gửi gia đình trước khi hành quân chiến đấu (gia đình cung cấp)
Trên đường hành quân vào chiến trường Tây Nguyên khói lửa, tại Quảng Trạch, Quảng Bình anh đã viết lá thư này gửi về gia đình động viên thày u và các em, trong thư có đoạn viết: “…Sau những ngày đi xe – ca nô mệt nhọc đêm nay con ghi vội vài chữ để thày đỡ mong. Đoàn con đã vào tới Quảng Bình này và ngày mai tiếp tục hành quân…
Kể từ 3 giờ chiều ngày 9/11-71 chúng con lên xe vào vùng nóng này là 5 giờ sáng ngày 10/11-71. Như thế là liên tục 15 tiếng đồng hồ ngồi xe quân sự.
Đây là thời gian cuối cùng chúng con nghỉ ở nhà dân, từ ngày mai chúng con chính thức ngủ rừng và vất vả hơn, còn gian khổ hơn, còn phải đổ máu nhiều. Chúng con những chiến sĩ cảm tử sẽ và đang đỡ lấy những gì gian khó nhất trong cuộc sống để dành lại những gì hạnh phúc nhất cho xã hội. Con nói thế để thày cũng hiểu chúng con.
Từ ngày mai – ngày mai trở đi nó sẽ là khói lửa, sẽ được giáp mặt với loại (trinh sát L19 của Mỹ) và từ ngày mai nòng súng sẽ sẵn sàng dương lên nhả đạn vào đầu thù.
Con sống ở đây trong gian khổ nhưng đã có đồng đội, có tổ chức. Nên dẫu khó khăn đến mấy cũng vượt được. Nhất là những lúc ốm đau, anh em chúng con lại càng thương và hiểu nhau hơn…
… Con cũng chỉ là một trong những triệu người xả thân vì Tổ quốc và chính thầy và mẹ con cũng chỉ là một trong những triệu gia đình phải hy sinh những gì quý giá nhất để góp phần với xã hội, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc …”
Và đây là lá thư cuối cùng anh gửi về mà gia đình nhận được, những lời lẽ trong thư như một lời tri ân đến thày mẹ và gia đình. Anh đã viết: “…Nhiều gia đình như con biết, có con cái đi vào Nam là hay kể lể với xã hội, nhất là trong những lúc khó khăn. Nên càng gian khó và vất vả bao nhiêu thì thày và mẹ con cũng đừng nhắc tới con mà cố gắng mà khắc phục thôi”. Vào chiến trường Tây Nguyên, đơn vị anh đã tham gia chiến đấu cùng với các đơn vị chủ lực Mặt trận Tây Nguyên trên địa bàn Kon Tum, Gia Lai. Trong Chiến dịch Xuân – Hè 1972, Trung đoàn 24B được giao nhiệm vụ đánh cắt giao thông, đánh quân giải tỏa phối hợp cùng Trung đoàn 95 làm chủ đoạn đường 14 từ khu vực Tân Phú đi Minh Đức, đồng thời cùng địa phương bao vây Tu-mơ-rông, chuẩn bị địa bàn hoạt động lâu dài. Lê Thanh Việt cùng đồng đội Trung đoàn 24B đã phát huy cao độ truyền thống “Trung Dũng”, “Luôn luôn Trung Dũng”, chiến đấu dũng cảm và anh đã hy sinh vì Tổ quốc trong trận đánh ngày 24/6/1972 tại Chư Thoi, Chư Tút, Gia Lai.
Gia đình LS Lê Thanh Việt tại Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên (Quân đoàn III) tháng 6 năm 2023
Gia đình LS Lê Thanh Việt viếng nghĩa trang LS huyện Chư Prong Gia Lai tháng 6/2023
Không ai chọn cho mình cái chết, cũng không ai muốn mình phải chết và không có cái chết nào ý nghĩa bằng được sống. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, bị kẻ thù xâm lược thì lựa chọn cái chết để đất nước được trường tồn là một lựa chọn vinh quang và cao cả. Mỗi một thân xác nằm xuống, mỗi một phần thi thể mất đi là một ánh hào quang soi sáng con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, thịnh vượng./.
Hồ Phi Chiến (Bảo tàng Quân đoàn 3)
[1] Theo Lịch sử Trung đoàn 24 – Đoàn Trung Dũng (1946 – 2016), trang 84, 85.