Từ nhiều năm nay, CCB, thương binh Nguyễn Thanh Điềm, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Phát triển nguồn lực hỗ trợ gia đình liệt sĩ, luôn nặng lòng với hoạt động tri ân những người, những vùng quê có công với cách mạng, những đồng chí, đồng đội đã một thời cùng ông vào sống, ra chết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước… Với ông, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân các gia đình liệt sĩ và Nhân dân vùng căn cứ cách mạng năm xưa… không chỉ là tâm nguyện, trách nhiệm mà còn là niềm hạnh phúc.
Dịp tri ân liệt sĩ 27/7/2022, CCB, thương binh Nguyễn Thanh Điềm cùng Đại tá Trần Quốc Việt, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre về tặng nhà tình nghĩa gia đình liệt sĩ ở xã Lương Hoà, huyện Giồng Trôm, quê hương của nữ tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Định. Sau khi thắp nén hương cho anh linh liệt sĩ, ông Nguyễn Thanh Điềm nói với Đại tá Trần Quốc Việt: “Trong những năm tham gia làm dân công hỏa tuyến, tôi đã trực tiếp tham gia một số trận đánh và chuyển thương binh, đưa liệt sĩ về an táng ở các nghĩa trang tạm ở vùng giải phóng. Trong đó có lần đội dân công hỏa tuyến chúng tôi có an táng nhiều liệt sĩ ở vùng Châu Bình, Giồng Trôm. Nếu anh có điều kiện thì cùng về thăm lại vùng đất căn cứ kháng chiến và xem lại vùng đất tôi đã từng chôn cất các liệt sĩ thời chiến tranh ác liệt sau phong trào Đồng Khởi năm 1960”.
Nghe chuyện, Đại tá Trần Quốc Việt trả lời: “Sau giải phóng tất cả các liệt sĩ an táng ở những nghĩa trang tạm trong chiến tranh đều được cất bốc đem về an táng ở Nghĩa trang liệt sĩ cả rồi. Giờ làm gì còn liệt sĩ nằm ở ngoài nghĩa trang như anh nói nữa!”
Không đồng ý với câu trả lời này, ông Điềm kiên trì thuyết phục Đại tá Trần Quốc Việt cùng về thăm nơi xưa. Ông nói: “Gần đây, cứ nghĩ đến các liệt sĩ được tôi chôn cất năm xưa ở vùng Châu Bình, Giồng Trôm lòng cứ chộn rộn, lạ lắm! Tôi tin rằng, hiện tại các anh còn nằm ở dưới đó”.
CCB Thương binh Nguyễn Thanh Điềm (trái), cùng Đại tá Trần Quốc Việt, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bến Tre, nguyên Chủ tịch Hội CCB tỉnh Bến Tre trong buổi lễ truy điệu, an táng 121 liệt sĩ (ngày 26/7/2023) tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Nghe vậy, Đại tá Trần Quốc Việt đã cùng ông Nguyễn Thanh Điềm làm một chuyến hành hương về Châu Bình thăm lại nơi đất cũ, người xưa và tìm hiểu xem ở nơi này còn mồ mả các liệt sĩ hay không? Đến nơi, cả đoàn không khỏi ngỡ ngàng, vùng đất căn cứ Cách mạng năm xưa toàn cây Chà Là gai, chỉ có đường trâu đi, nay đã trở thành khu dân cư sầm uất, đường xá, nhà cửa khang trang. Đoàn đi hỏi thăm thì được biết, người dân ở đây thì hầu như không ai biết, không ai nhớ và cũng chưa bao giờ nghe nói nơi đây có chôn cất liệt sĩ trong chiến tranh! Và càng chưa hề có một đợt tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ nào diễn ra ở nơi này cả.
Một cụ già tại Châu Bình, huyện Giồng Trôm cho biết: Vào năm 1960, 1961 khi cụ còn trẻ, có biết nơi đây chôn nhiều ngôi mộ. Nhận được thông tin, cơ quan chức năng huyện Giồng Trôm và cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre kết hợp với tỉnh đội Bến Tre mở cuộc hội thảo. Cuộc hội thảo có mời các cơ quan, ban ngành đoàn thể trong tỉnh tham dự để xác định tại xã Châu Bình có chôn các chiến sĩ thuộc tỉnh đội Bến Tre và lực lượng vũ trang địa phương hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã được quy tập hay chưa?
Sau Hội thảo, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh, cấp ủy, chính quyền, cán bộ hưu trí cao tuổi tại địa phương thống nhất đề nghị cơ quan chức năng cấp trên cho chủ trương khai quật khu vực có diện tích 2000m2 để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Khi nhận được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã tham mưu xây dựng kế hoạch cất bốc, cải táng hài cốt liệt sĩ tại khu vực nghĩa trang tạm thời chiến tranh (ấp Bình Phú, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm).
Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tỉnh Bến Tre có trên 35.000 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, đến nay còn hơn 6.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được nơi yên nghĩ và danh tính, cũng như quê quán chưa được xác định. Các anh vẫn đang nằm lại đâu đó trên mảnh đất Bến Tre – Đồng Khởi anh hùng. Chính vì vậy, công việc tìm kiếm, xác đinh mộ liệt sĩ và quy tập các anh các chị vào Nghĩa trang liệt sĩ luôn được Đảng bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre đặc biệt quan tâm.
Cán bộ, chiến sĩ Đội quy tập kiểm tra và chuẩn bị nghi lễ để đưa các liệt sĩ về nơi an nghỉ.
Cách đây đúng 48 năm, Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm có cho xây những dãy mộ (trong đó có dãy xây sẵn 121 kim tỉnh – hay còn được gọi là ngôi mộ) chờ sẵn để khi quy tập hài cốt liệt sĩ về có nơi an táng.
Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2023), các ngành chức năng trong tỉnh đã vận động các hộ có nhà và có vườn cây ăn trái trên khu vực nghi có mộ liệt sĩ di dời, tạo điều kiện thuận lợi để cho lực lượng chức năng khai quật, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đã được xác định nêu trên. Từ ngày 12 đến 20/7/2023, lực lượng chức năng đã khai quật và tìm thấy 121 hài cốt liệt sĩ (Báo cáo số 156/BC-BCĐ do Đại tá Lê Văn Hùng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Bến Tre ký ngày 25/7/2023). Ngày 26/7/2023, khi tỉnh Bến Tre tổ chức Lễ truy điệu và an táng 121 hài cốt liệt sĩ, CCB Nguyễn Thanh Điềm và Đại tá Trần Quốc Việt cũng có mặt tham dự. Điều ngạc nhiên, 121 hài cốt liệt sĩ được tìm thấy lại trùng khớp với 121 kim tỉnh đã xây cách đây 48 năm vẫn để chờ sẵn!
Chuyện xảy ra ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, khiến một số người dân địa phương đặt câu hỏi: Phải chăng 121 liệt sĩ năm xưa đã báo mộng với Ban quản lý Nghĩa trang thời bấy giờ “xây sẵn nhà” để chờ tới dịp đón các anh về an nghỉ!
Đón rước các anh về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang liệt sĩ Lương Quới, huyện Giồng Trôm.
Đi hoạt động cách mạng năm 12 tuổi và có thời gian tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến, tải đạn, vận chuyển thương binh, liệt sĩ trên chiến trường Bến Tre, nên ông Nguyễn Thanh Điềm đã chứng kiến nhiều đồng chí, đồng đội hy sinh. Chính ông đã an táng không ít liệt sĩ. Năm 1966, trong chuyến công tác, ông lọt vào ổ phục kích bị địch bắn bị thương phải cưa bỏ một phần chân phải. Chiến tranh ác liệt, việc đi lại khó khăn, tổ chức quyết định đưa ông ra thành hoạt động trong lòng địch. Từ đó, ông trở thành một điệp viên, một trinh sát vũ trang trong lực lượng An ninh T4 Sài Gòn – Gia Định, An ninh Bà Rịa – Long Khánh và 32 năm trong lực lượng Công an Đồng Nai. Với người điệp viên mang nhiều bí số, ở bất cứ vị trí công tác nào ông cũng hoàn thành nhiệm vụ và lập nhiều chiến công xuất sắc. Năm 2005, ông được cấp trên cho nghỉ chính sách. Từ đó đến nay, ông dành tâm huyết và thời gian cùng với đồng chí, đồng đội huy động mọi nguồn lực để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang liệt sĩ an táng và chăm lo cho thân nhân các gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Đồng Nai…
Với CCB, thương binh Nguyễn Thanh Điềm, tìm hài cốt, trả lại danh tính, tên tuổi cho các liệt sĩ và chăm lo thân nhân các gia đình liệt sĩ là tâm nguyện, là vinh dự, trách nhiệm và niềm hạnh phúc. Không ít lần ông tâm sự: “Nếu còn sức khỏe tôi còn đi để tri ân các Anh hùng liệt sĩ, thân nhân các gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, những người, những vùng đất có công với Cách mạng”.
Bài, ảnh: CAO VĂN DŨNG (Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bến Tre ghi theo lời kể của Đại tá Trần Quốc Việt)