Vào mùa đông năm ấy Tiểu đoàn thông tin của chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ ở Bộ Tư Lệnh tiền phương (Quân khu 4) được trở về mảnh đất Lương Sơn thành lập doanh trại mới để bồi dưỡng, rèn luyện sức khỏe và nâng cao nghiệp vụ. Lúc đầu phải ở nhà dân tại Xóm Rút, Tân Vinh. Tôi và 2 đồng chí ở nhà bà dân tộc Mường tên là Bùi Thị Nhắn. Ngày 3 bữa mẹ con bà lo chu đáo. Tôi mang 1 bao gạo khoảng 60kg và thịt hộp, dầu ăn nhờ bà giúp. Hai em gái 18 tuổi, em Nhủ con bà Nhắn, em Hoa con ông chú ruột tối đến 2 đứa ngủ chung phòng. Cách phòng chúng tôi 1 cái bếp, suốt ngày củi cháy âm ỉ. Tối đến 2 em thường được mẹ dạy thêu khăn, áo quần. Bởi con gái Mường sắp đi lấy chồng phải biết thành thạo việc ấy, lại còn tục lệ phải biết hút thuốc lào. Hai em nhiều lần mời chúng tôi cùng hút cho vui. Một hôm Nhủ bảo rằng: em sắp đính hôn rồi đó, người Mường có tập tục khi chưa có chồng thì tha hồ vui chơi bè bạn. Khi có chồng rồi bị ràng buộc không được quen ai nhất là các bạn trai.
Tối thứ 7 sau khi sinh hoạt văn nghệ ở đơn vị về, ba chúng tôi và 2 em đi ra hòn đá mồ côi – tôi hỏi: có cần mang gì thêm?
– Chúng em đã chuẩn bị đủ rồi để ở ngoài đó, bây giờ ta xuất phát nhá.
Tôi mang theo 5 hộp thịt và 3 gói thuốc lá.
Đi khoảng 30 phút là tới. Hai em vào gốc cây mang ra cái ấm đồng, bó chè tươi, ngô, lạc và cả hũ rượu cần nhỏ. Ta đốt lửa lên nào.
Tôi sách ấm đồng xuống suối lấy nước và rửa bó chè xanh. Các bạn đã đặt 3 viên đá tạo thành cái bếp thi nhau tách ngô, tách lạc chỉ có 5 người mà không khí rộn ràng. Hũ rượu cần đã có 5 ống nứa cắm vào, nào ta cùng nhau uống nhá – thịt hộp, lạc rang, ngô bung – nước chè xanh cứ món nào xong là mang ra. Càng về khuya ngọn lửa càng hồng, lần đầu tôi biết uống rượu cần cũng thấy say say.
Củi nhiều lắm cứ đốt to lên – Nhủ chạy vào ôm hòn đá và kêu mọi người ra nắm tay nhau xung quanh hòn đá mồ côi – đêm nay 5 anh em tôi cùng đá là 6 người xin ghi lòng tạc dạ không thể quên nhau. Ánh trăng trên trời dường như cũng ủng hộ cuộc vui này mà sáng sáng hơn. Càng về khuya ngọn lửa càng hừng hực cháy nhưng sương đêm xuống nhiều nên mái đầu chúng tôi ai cũng ướt.
Năm 1990, tôi trở lại Tân Vinh, bà Nhắn đã đi xa còn lại mình Nhủ – bây giờ em đã tuổi 38. Nhủ kể rằng nhận giấy báo tử của anh Nam em buồn quá rồi quyết định rủ Hoa đi thanh niên xung phong. Chúng em làm ở tuyến đường 20 – Quyết Thắng đoạn “dốc Ba Thang” – Hơn 3 năm chịu nhiều gian khổ, thiếu thốn, bom đạn nhiều. Cuối năm 1975 ra về cả hai đều sống cô đơn nương tựa vào nhau – cả 2 đều hưởng chế độ thương binh. Nhiều người bảo em chạy chế độ vợ liệt sỹ nhưng em nói: chỉ mới đính hôn chưa ở với nhau nên em không làm thế (tuy nhiên có nhiều người giống trường hợp của em mà họ chạy chế độ đang hưởng chế độ vợ liệt sỹ.
Đang nói chuyện thì Hoa về, Nhủ giới thiệu luôn: Đây là anh Sính ngày xưa ở với chúng ta – Hoa nói: À em cũng thấy quen quen. Râm ran biết những điều trắc trở và hoàn cảnh tôi khuyên: Nếu không lấy chồng 2 em lên trại mồ côi xin 2 đứa trẻ về làm con nuôi cho đỡ buồn. Nhớ là trẻ còn đang phải bế chứ lớn rồi khó lắm đấy. Trước khi chia tay tôi tặng 2 em bài thơ: “Dâng trọn tuổi xuân” đã một số báo đăng tải – tặng các em vài tấm hình về Quảng Bình, ảnh về đường 20 Quyết Thắng nơi ấy 2 em đã có mặt trong những ngày tháng gian nan máu lửa.
DÂNG TRỌN TUỔI XUÂN
Tuổi xuân gửi lại chiến trường
Má đào, da mịn gió sương phai rồi
Trở về quê mẹ thảnh thơi
Đung đưa võng bạt, chồng thời cho qua.
Bây giờ em đã tuổi già
Bước chân lận đận vào ra một mình.
Thương nhau ai cũng chỉ dành
Lời thư thăm hỏi nghĩa tình thuở xưa
Trải bao dãi nắng, dầm mưa
Làm đường xe chạy say xưa vẫn cười
Hy sinh mười mấy năm rồi
Nhiều khi bom nổ đất vùi lại lên
Tuổi xuân em chẳng yếu mềm
Giờ đây gió lạnh bên thềm mà run.
Từ xa anh gửi nụ hôn
Để em thức dậy với vườn hoa xuân
Tôi đã đọc bài thơ cho 2 em nghe, xúc động quá cả hai đã khóc.
Năm 2014, tôi lại về Tân Vinh trong căn nhà ấm cúng có thêm 2 thành viên nữa – Hoa giới thiệu đây là cháu Quyết, đây là cháu Thắng, theo gợi ý của anh chúng em đã nuôi dạy các cháu 15 năm rồi đấy. Hiện giờ đang học ở trường dân tộc nội trú của Huyện, nay chủ nhật về thăm 2 mẹ, may quá gặp Bác. Chúng em đặt tên cho 2 đứa là Quyết – Thắng để nhớ lại tuổi xuân “Trường Sơn thời con gái”
Quyết và Thắng là con nuôi của 2 mẹ Nhủ và Hoa
Bác nhìn 2 đứa mới 15 tuổi mà to lớn hơn chúng em dạo 18 tuổi có phải không anh Sính. Ngày xưa chúng em thân yêu nhau thế nào thì bây giờ Quyết – Thắng cũng gắn bó với nhau như vậy – biết nghe lời 2 mẹ nên chúng học hành giỏi giang lắm. Tôi thông báo cho 2 em biết thời gian 3 chúng tôi cùng ở đây khi vào chiến trường đồng chí Quang Thành hy sinh năm 1971 – đồng chí Hữu Lương hy sinh năm 1972 trong chiến dịch Nguyễn Huệ, hiện bây giờ chưa tìm thấy phần mộ.
Nhủ cũng nói rằng chồng chưa cưới của em là Bùi Văn Nam cho đến nay cũng không tin tức gì. Nhớ về Lương Sơn, Hòa Bình tôi đã lập trang thông tin LS của tỉnh nhà qua thông tin đó hàng trăm gia đình LS đã tìm được người thân. Dòng sông Bùi – con suối Bu đêm đêm ngày ngày nước vẫn trôi và tôi vẫn nhớ về nơi ấy Xóm Rút, Tân Vinh.
TÔI TRỞ VỀ ĐÂY
Hòn đá “Mồ Côi” tại Xóm Rút, Tân Vinh
Tôi về Xóm Rút, Tân Vinh
Đi xa mà vẫn nặng tình ngày đêm
Nước chè xanh – canh rau dền
Nhà sàn, khói bếp thắm tình quân dân
Mùa đông củi lửa sưởi chân
Ngô rang, sắn luộc quây quần bên nhau
Đồi chè tiếp đến nương dâu
Nhà sàn bên dưới trả trâu nuôi gà
Suối, sông chở nặng phù sa (1)
Sương khuya gió lạnh để mà yêu thương
“Xưa kia lên núi không đường
Giờ đây lên núi Bản Mường đợi anh” (2)
Giã từ Xóm Rút, Tân Vinh
Trở thành anh giải phóng quân kiên cường
Nay về thăm lại quê hương
Thiên nhiên kỳ thú đồi nương tình người
Đường làng mở rộng ngược xuôi
Tôi ôm cây đá mồ côi bên dòng (3)
Tân Vinh, Xóm Rút một vùng
Để tôi nhớ mãi mùa đông thuở nào…
Ra về lòng những nôn nao
Năm năm tháng tháng ngọt ngào thơm say
Tân Vinh, 08/2019
Tin và ảnh Đào Thiện Sính – 0918.793.918
Ghi chú: 1. Tân Vinh có dòng sông Bùi và suối Bu.
- Thơ của Bàn Tài Đoàn – người dân tộc
- Sự tích hòn đá mồ côi: chuyện kể rằng có một viên đá mồ côi nằm trên khu đất cạnh bờ suối Bu tù thuở nào không ai biết. Đến khi cần đá để rải đường, người dân đã đập phần ngọn – cứ búa đập vào là lóe sáng, sợ quá họ dừng lại – và thử đào, đào xung quanh sâu được 10 mét nhưng hòn đá ở phía dưới càng to dần thế là họ phải lấp lại tạo thành cái sân nhỏ và trồng cỏ – bất cứ ai có việc gì buồn, vui cũng đến đây để nhờ vận may khi ôm hòn đá. Rồi từ đó viên đá đã được gọi là cây đá mồ côi