Khi tới Thị xã Karatie xuống ca nô cao tốc chỉ gần 1 tiếng là đến Prechxangke, lên dốc Bưng Dồn về phía Lô 54, nơi đây ngày xưa đoàn vận tải số 500 đóng quân. Rẽ phải là đi Gotxma – từ đó đi Okamon – xe ôm chở tôi đi 1 giờ 20 phút. Kia rồi là Okamon – đã hơn 50 năm cảnh vật thay đổi hoàn toàn, những cánh rừng xanh giờ đây là cao su, chuối, dừa bát ngát 2 bên đường. Nơi đây đơn vị thông tin O 3- N2 chịu nhiều trận bom dữ dội, tôi còn nhớ ngồi trong hầm cùng với đc Luyến, quê quán Trung Kiên – Văn Lâm – Hưng Yên đất rung chuyển gần như đưa võng, rừng cháy. Dấu xưa còn lại cái bốt bê tông cỏ mọc đầy. Tôi đến khu vự có 2 gia đình Việt Kiều là nơi cung cấp gạo, thực phẩm cho đơn vị. Hỏi một số người dân không biết. Tới Sađao vẫn là con đường đất đỏ, ngã ba nay thành ngã 6, dân cư bây giờ khá đông, có nhiều Việt kiều, Hoa kiều sinh sống ở đây làm nghề buôn bán. Khi xưa giống như cửa khẩu, quân giải phóng đến đây mua lương thực, thực phẩm, xăng dầu. Việt kiều ở đây người nào cũng tốt bụng, luôn hướng về quê hương Việt Nam.
Nhớ lại chiến dịch toàn thắng từ 04/02 – đến 13/5/1971 đc Trần Văn Trà được bộ tư lệnh miền giao trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Phía ta có F5, F9 và F7 cùng với 2 trung đoàn pháo binh (75 – 96). Một trung đoàn đặc công, một trung đoàn công binh cùng 3 đại đội độc lập, sau 3 tháng ta đã tiêu diệt 25.000 quân Mỹ, Ngụy Sài Gòn và lính Lon Non – bắn cháy 238 máy bay các loại, 639 xe thiết giáp, 1509 xe quân sự – 167 khẩu pháo 105mm. Bắt sống trên 8000 tên địch. Đánh bại âm mưu tiến công mùa khô của địch, bảo vệ an toàn hậu phương trực tiếp của chiến trường Miền Nam.
Tôi tiếp tục hành trình đi Xa tưng, Ka rét trên quốc lộ 7, rừng xanh bạt ngàn ngày xưa đã che chở cho bộ đội ta. Vào căn cứ pháo binh do đồng chí Ngô Văn Ngang, quê quán Quang Vinh – Ân Thi – Hưng Yên làm chính trị viên tiểu đoàn và đã gặp anh Dìn Khôn – nhận ra tôi anh kêu cả nhà ra đón (bởi năm 1990 tôi đã đến đây nghỉ lại vài ngày. Anh dẫn tôi ra thăm 4 ụ pháo, một đoạn giao thông hào, anh mới làm 4 nòng pháo bằng gỗ ké sơn màu đen. Anh nói gỗ ké này có sức chịu đựng mưa nắng độ bền tới vài trăm năm. Anh nói rằng muốn lưu giữ những kỷ vật vô giá dành cho thế hệ sau này. Tôi nắm tay anh xin cảm ơn nghĩa cử cao đẹp và tấm lòng của những người con luôn hướng về Tổ Quốc Việt Nam yêu thương.
Khi tới Soc Kiện, Phum xa ken – Khum keng (Sóc là bản, Phum là làng, Khum là xã). Khu vực này đất màu mỡ, các đơn vị thời chống Mỹ đã đến đây mượn đất để sản xuất rau xanh và trồng bắp, đậu…
Tôi đi tìm anh Tư Día (quê anh ở Hà Tây, gia đình vào đây làm thợ cạo mủ cao su từ thời Pháp – anh Tư đã đóng góp hàng ngàn ngày đêm chở đò cho bộ đội Việt Nam). Đến nhà Dì Ba là cơ sở của ta. Đến gia đình Chăn Thu, cô học trò cũ, nuôi hy vọng sẽ gặp nhưng thất vọng rồi. Tôi thơ thẩn đi ra bến đò, dấu tích xưa là mấy cây dừa đã lên cao lắm dù rằng những chiếc lá xác xơ vẫn đu theo gió (những gốc dừa này để buộc dây cho thuyền đậu). Lên dốc cao cao nhìn thấy những khung gỗ thuyền đã nát, nằm dưới tán lá xoài, ngồi ở bến một mình bỗng kỷ niệm xưa tái hiện. Tôi nhắm mắt lại để tận hưởng cảm xúc dâng trào:
– Em chào thầy giáo Sính
Một đêm ở lại với gia đình Chăn Thu, nhà nhỏ tôi mắc võng ở 2 cây cau để qua đêm, sáng hôm sau ngày 19/2/1982 em xin phép chồng đi Cần Ché để tiễn thầy, Khi tạm biệt nhau bên bờ sông Cần Ché, Thu tặng tôi chút tiền nhưng tôi không dám nhận.
Hai bên cứ đưa đẩy khiến đám đông vỗ tay cười /Tôi cố rút ra và gọi xe ôm chở đi /Tôi bảo lái xe chạy đi nhanh lên.
Chăn Thu vẫn chạy theo, thấy tội quá tôi bảo anh xế qua lại / Vừa khóc vừa nói: Chăn Thu cầm cái nón vải cứ đập lia lịa vào chú xế, tại sao không dừng lại? / Chú xế cười rồi bước nhanh về phía sau / Chăn Thu ngồi xụp xuống khóc nức nở / Tôi lắc 2 bờ vai: Nín, nín đi nào, Chăn Thu càng khóc to hơn, tôi ôm ngang người em bốc lên, Chăn Thu 2 tay bám lấy cổ tôi, không cho chân xuống đất cứ như người đánh đu.
Trời! em gầy quá, nhẹ quá. Tôi động viên em bây giờ đã có điều kiện phải ăn uống cho tốt để giữ gìn sức khỏe sẽ xinh đẹp như ngày xưa – nếu anh còn sống, còn ở Campuchia sẽ đến thăm em. Và đã có 5 con rồi không nên sinh sản nữa nhé. Em thút thít nắm tay tay tôi ngã vào người và tôi cũng ôm em một chút. Chú xế tới rồi, thầy trò mình xa nhau nhé. Đi một đoạn tôi quay lại Chăn Thu vẫn đứng đó giơ mũ vải vẫy vẫy.
Buổi sáng trời râm mát mà tôi cứ nóng bừng, một cảm giác lạ dù chỉ vài giây với người học trò cũ mà tôi trân trọng.
Trở về Thị xã Stung Treng mấy đêm không ngủ cứ rạo rực, nhớ nhớ, thương thương những người dân hiền hòa của 3 dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia sống ở mảnh đất này.
Về nơi này tôi đã sống cùng
Những thuyền xưa bây giờ đã nát
Người con gái xưa đi lấy chồng
Chỉ còn lại bến bờ vẫn đợi
Nước vẫn trôi người người qua lại
Ơi tình dân còn mãi trong tôi
Kỷ niệm xưa, khi buồn, khi vui
Với mảnh đất một thời trai trẻ
Chiều buông xuống bạn – tôi lặng lẽ
Nhìn nhau rồi khe khẽ trên môi
Hiểu nhau hơn như cây yêu lá
Tình người sao đẹp quá bến ơi
Tin Đào Thiện Sính