Xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre (trước năm 1975 thuộc quận Trúc Giang, tỉnh Kiến Hoà) là xã nằm đối diện với căn cứ quân sự Bình Đức – Mỹ Tho, nên được Mỹ- Ngụy coi là vành đai bảo vệ căn cứ quân sự Bình Đức.
Năm 1966, Mỹ, nguỵ cho khởi công xây dựng căn cứ quân sự Bình Đức – Đồng Tâm – thuộc Tiểu khu Định Tường để yểm trợ cho bọn Công binh khu chiến thuật Mỹ Tho, Định Tường (nay là Tiền Giang). Sau khi xây dựng xong căn cứ quân sự Bình Đức, đầu năm 1967, địch bố trí Lữ đoàn 3 lính thuỷ đánh bộ Mỹ, gồm ba Tiểu đoàn bộ binh, một Tiểu đoàn cơ giới (M113, M118), một Tiểu đoàn pháo binh 105, một Đại đội pháo cối 106,7 ly và lực lượng phối thuộc, gồm một Tiểu đoàn công binh Nam Triều Tiên, một Đại đội pháo 175 ly… Sau khi chúng xây dựng và bố trí lực lượng xong, ta bố trí các chốt pháo ở các xã Tường Đa, An Khánh, Thành Triệu… trực tiếp pháo kích vào căn cứ quân sự Bình Đức, gây thiệt hại nặng nề cho địch. Chính vì thế mà chúng thường xuyên dùng tàu chiến (chiến thuật hạm đội nhỏ trên sông) để tuần tra địa bàn các xã ven sông Tiền, phía quận Trúc Giang – Kiến Hoà (nay là Châu Thành, Bến Tre) và dùng đại liên bắn phá vào các nơi mà chúng nghi là có lực lượng ta; luồn sâu để hỗ trợ cho địch đóng đồn bót. Và, An Khánh là xã trọng điểm được Lữ đoàn 3 Mỹ “chăm sóc” đặc biệt. Trong suốt những năm Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” đến chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” An Khánh hứng chịu nhiều bom pháo địch, kể cả B52, chất độc hoá học, nhưng quân và dân An Khánh thể hiện tinh thần kiên cường chiến đấu gây cho địch nhiều tổn thất, lập nên nhiều chiến công oanh liệt.
Theo Đại tá Trần Quốc Việt (Việt Liêm), nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, nguyên Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 516 cho biết, năm 1972, Hội nghị Paris diễn ra căng thẳng mà phần thắng lợi chắc chắn sẽ về phía ta, nên Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu chủ trương giành dân, lấn đất, đổ quân ồ ạt đánh phá cách mạng ở vùng ven thuộc vùng giải phóng. Để đối phó với chủ trương lấn đất, giành dân của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, Tỉnh uỷ chủ trương chủ động tấn công, tiêu diệt địch giữ vững vùng giải phóng; lúc này, Tiểu đoàn 516, đang đóng quân ở Châu Thành. Trận đánh mở màng, Ban Chỉ huy Tỉnh đội quyết định giao cho Tiểu đoàn 516 đánh Chi khu Trúc Giang. Ngày 20/3/1972, Tiểu đoàn 516 tấn công và tiêu diệt gọn Chi khu Trúc Giang, đây là chiến thắng mở màng cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972, hỗ trợ cho phái đoàn đàm phán của ta tại Hội nghị Paris, vừa củng cố tinh thần và ý chí tiến công của quân và dân tỉnh ta trong đó có Châu Thành. Sau trận thắng này, Mỹ tăng cường tàu tuần tra, đánh phá vào các xã ven sông Tiền trong đó có An Khánh.
Đại tá Trần Quốc Việt cho biết, thời điểm đầu năm 1972, ta có trận diệt Đại đội Mỹ trên bến Đình An Hồ – Vàm Cả Chuối, thuộc ấp An Thới A, xã An Khánh, quận Trúc Giang là có công lớn của điệp báo viên Nguyễn Thanh Điềm – J2, người của ta cài vào hoạt động trong lòng địch. Lúc đó, cơ sở mật của ta là đồng chí Nguyễn Thanh Điềm – J2, đang ở cùng với Đại tá Lê Minh Đảo – Tỉnh trưởng, kiêm Tiểu khu Trưởng Tiểu khu Định Tường. Thông qua Lê Minh Đảo, J2 nắm được là địch sẽ dùng tàu quân sự loại nhỏ, đưa quân Mỹ đánh vào An Khánh, làm bàn đạp để đánh sang các xã lân cận.
Sau khi được tin, J2 tức tốc viết mật thư, gửi cho Quân báo Bến Tre. Người đưa thư là ông Nguyễn Văn Còn là cha ruột của J2, ông Nguyễn Văn Còn là cơ sở mật của Quân báo Bến Tre. Ông Nguyễn Văn Còn bí mật đem thư về trực tiếp đưa cho đồng chí Thiên Lý Nhân, lúc đó là Phó ban Quân báo Tỉnh đội Bến Tre (người trực tiếp chỉ đạo hoạt động của J2). Theo đồng chí Thiên Lý Nhân, báo cáo cho biết, cơ sở ta (J2) cho biết: Thông tin tối mật từ Bộ Tư lệnh Chỉ huy hành quân Vùng 4 chiến thuật do tướng Nguyễn Khoa Nam chỉ huy lên kế hoạch hành quân sẽ đổ bộ một đại đội lính Mỹ bằng tàu chiến – toạ độ đổ quân là cập bến khu vực Đình An Hồ – Vàm Cả Chuối thuộc ấp An Thới, xã An Khánh, quận Trúc Giang để đánh vào các mục tiêu của ta thuộc các xã An Khánh, Tường Đa, Thành Triệu… Phương thức là bí mật, khi luồn sâu khi chạm trán với lực lượng chủ lực của ta chúng sẽ huy động lực lượng phối hợp cả không quân và lực lượng bảo an địa phương, quyết tâm đánh bật ta ra khỏi các xã trên để giành dân, lấn đất.
Đặc biệt là cơ sở ta (J2) cũng đề nghị cách đánh phối hợp để phá tan kế hoạch của địch từ ban đầu, không để chúng luồn sâu vào địa bàn, nếu để địch lấn sâu vào địa bàn sẽ gây khó khăn cho ta. J2 đề xuất, tham mưu cho lực lượng chủ lực của ta đứng chân trên địa bàn (Tiểu đoàn 516) chỉ đạo cho đồng chí Nguyễn Văn Còn, cùng lực lượng du kích gồm các đồng chí Nguyễn Văn Nô (bí danh A12), đồng chí Nguyễn Văn Giúp tổ du kích xã An Khánh kết hợp với lực lượng thanh niên xung phong xã bằng mọi giá phải nhanh chóng bố trí bãi cọc xung quanh khu vực vàm nơi mà chúng chắc chắn sẽ neo tàu để lực lượng Mỹ lên bờ hành quân vào các địa bàn bằng cách cưa dừa mỗi đoạn 4 -5 mét, dạt nhọn đầu, tuỳ theo chỗ sâu, cạn mà đóng cọc (tất cả đều làm vào ban đêm), mỗi cọc cách nhau từ 7 tấc tới 01 mét, đầu cọc dưới mặt nước khoảng 6 – 7 tấc và cưa dừa cây mỗi đoạn dài từ 5 – 7 – 10 mét kết bè thật chắc neo chìm dưới mặt nước khoảng 7 tấc tới 01 mét khi nước lớn, để chống tàu Mỹ đổ bộ. Và, trong thư J2 cũng căn dặn, nếu khi tàu Mỹ đổ bộ vướng bãi cọc, bị chìm thì ta không cần nổ súng, nhưng quan sát, biểu dương lực lượng để nếu có tên lính Mỹ nào trôi dạt còn sống sót sẽ về tuyên truyền về lực lượng, sức mạnh và tính nhân đạo của ta, nhưng phải ở tư thế sẵn sàng chiến đấu phòng khi có tàu hộ tống phía sau. Sau khi nhận nhiệm vụ của Ban Chỉ huy (có kèm thư của J2) đồng chí Trần Quốc Việt, được giao nhiệm vụ chỉ huy trận đánh; trực tiếp phân công một Trung đội ĐK Z57, một Trung đội ĐK Z175, một Trung đội cối 82 ly phối hợp cùng lực lượng du kích An Khánh chuẩn bị đánh địch.
Dịp năm học mới 2023 -2024, CCB Nguyễn Thanh Điềm, người đứng thứ 6 từ trái sang cùng các CCB tặng xe đạp các em học sinh là thân nhân liệt sĩ.
Như dự báo, sau nhiều ngày phục kích thì khoảng 12 giờ trưa, một ngày cuối tháng 3/1972, lúc nước lớn theo báo cáo của lực lượng trinh sát có một tàu chiến Mỹ (loại nhỏ) chở lính Mỹ từ Trung tâm Chỉ huy hành quân Việt – Mỹ, hướng từ căn cứ Bình Đức đang chạy với tốc độ nhanh trên sông Tiền tiến vào khu vực Đình An Hồ, Vàm Cả Chuối,… lúc này, đồng chí Trần Quốc Việt ra mệnh lệnh cho lực lượng ta tại vị trí phục kích sẵn sàng chiến đấu, chờ lệnh tiêu diệt địch. Lực lượng ta ém quân và tất cả đạn đã lên nòng, chờ địch cập bến, khi mà địch đang nửa trên, nửa dưới tàu sẽ đồng loạt nổ súng tấn công, nhưng tàu địch tiến vào cập bến đã vướng bãi cọc và bè dừa cây làm cho chân vịt tàu bị chênh nghiêng, kéo theo tàu bị nghiêng làm cho bọn lính Mỹ nháo nhào khiến cho tàu lật úp, do không biết lội nên chúng bị chết đuối do ngạt nước và mất liên lạc với Trung tâm Chỉ huy hành quân. Nhìn chúng lặn hụp, một số chiến sĩ xin ý kiến đồng chí Trần Quốc Việt cho “xử” luôn, nhưng đồng chí Trần Quốc Việt hạ lệnh không được nổ súng như căn dặn của cơ sở ta (J2) và cũng là để địch không phát hiện lực lượng ta; nếu nổ súng địch sẽ phát hiện và sẽ tập trung lực lượng phối thuộc hải quân, không quân, pháo binh bắn phá huỷ diệt trận địa, ít nhiều gây thiệt hại cho ta. Theo J2, Đại tá Lê Minh Đảo, cho biết bên Trung tâm Chỉ huy hành quân Vùng 4 chiến thuật thông tin không hiểu vì sao mà cả buổi chiều, tối hôm đó và ngày hôm sau, không liên lạc được với Đại đội Mỹ, địch cho lực lượng tìm kiếm cũng không tìm thấy dấu vết gì, mấy ngày sau xác lính Mỹ bắt đầu trôi nổi khắp một đoạn dài sông Tiền… Sau chiến thắng này, Tỉnh uỷ chủ trương Tiểu đoàn 516 và các Tiểu đoàn chủ lực rút khỏi Châu Thành về địa bàn Giồng Trôm. Và, tháng 4/1972, Lê Minh Đảo được Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 18 bộ binh nguỵ, J2 theo Lê Minh Đảo về Long Khánh và vẫn tiếp tục hoạt động cho An ninh T4, Quân báo Bến Tre, An ninh Bà Rịa – Long Khánh,…
Sự kiện đó diễn ra cách nay đã 50 năm, không được ghi vào lịch sử và các nhân chứng lịch sử giờ cũng chẳng còn ai. Hơn nữa đây là một chiến công thầm lặng, một chiến thắng không tiếng súng, hơn nữa đây là giai đoạn địch đánh phá ác liệt nên hầu hết dân tản cư ra vùng tự do để lánh nạn, lực lượng ta cũng không nhiều nên sau này lịch sử cũng không ghi lại. Giờ hồi ức lại, hai ông bạn chiến đấu già Trần Quốc Việt – Nguyễn Thanh Điềm còn sống, nhớ và kể lại. Sở dĩ tôi gọi hai ông bạn chiến đấu già là vì anh Trần Quốc Việt và anh Nguyễn Thanh Điềm biết nhau từ trận đánh Lộ Thơ và Tiểu đoàn 516 vượt vòng vây An Khánh năm 1964, lúc đó, anh Trần Quốc Việt mới 16 tuổi, anh Nguyễn Thanh Điềm lớn hơn anh Việt vài tuổi. Sau này, anh Nguyễn Thanh Điềm được tổ chức đưa ra hoạt động trong lòng địch, anh Trần Quốc Việt ở lại chiến đấu với đồng đội, nhưng qua đường dây, cơ sở của ta, hai anh cũng thường thông tin thăm hỏi, động viên nhau giữ vững niềm tin, chiến đấu vì quê hương, đất nước. Sau ngày hoà bình lập lại, hai anh gặp lại nhau và lạ thay cũng lại cùng chung một suy nghĩ và hành động, đó là hai anh cùng hợp tác vận động mạnh thường quân chăm lo cho gia đình liệt sĩ, lo cho đồng chí, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Anh Trần Quốc Việt đã vận động xây dựng khoảng 600 căn nhà tình nghĩa, nhà nghĩa tình đồng đội. Anh Nguyễn Thanh Điềm cũng vận động mạnh thường quân hỗ trợ trên 200 tỷ đồng để chăm lo cho gia đình liệt sĩ, làm cầu, đường ở vùng kháng chiến và an sinh xã hội… hiện nay là Chủ tịch Hội Phát triển nguồn lực hỗ trợ gia đình liệt sĩ phía Nam, thuộc Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.
CCB Nguyễn Thanh Điềm, người ngồi ngoài cùng bên phải.
Đại tá Trần Quốc Việt cho biết, đây là một chiến công đặc biệt xuất sắc của đồng chí Nguyễn Thanh Điềm với vai trò là một điệp viên hoạt động trong lòng địch phục vụ tin tức tình báo cho ta tiêu diệt Mỹ trên sông Tiền. Chiến công này, cũng là chiến công của lực lượng du kích, thanh niên xung phong xã An Khánh mà nòng cốt là các đồng chí Nguyễn Văn Còn, cha ruột đồng chí Nguyễn Thanh Điềm; đồng chí Nguyễn Văn Nô (bí danh A12); đồng chí Nguyễn Văn Giúp (bí danh Hùng Tính),…
Đây là một trong những chiến công thầm lặng đặc biệt xuất sắc của đồng chí Nguyễn Thanh Điềm, mà 50 năm sau mới kể! Chiến thắng này xin mạo muội gọi là “Chiến thắng Bạc Đằng Giang – Vàm Cả Chuối – trên sông Tiền”.
C.T.A
(Ghi theo lời kể của Đại tá Trần Quốc Việt)
Bến Tre, Thu 2023