Sinh năm 1947, tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre; tham gia cách mạng năm 1959, đến năm 1966 thuộc lực lượng trinh sát Tổ Quân báo huyện đội Châu Thành, trên đường đi công tác, lọt vào ổ phục kích bị địch bắn gãy bàn chân phải, được đồng đội tiếp ứng kịp thời đưa về trạm dân y xã điều trị, do vết thương nhiễm trùng phải cưa một phần chân phải. Rồi anh được tổ chức đưa vào hoạt động trong lòng địch.
Hơn 46 năm hoạt động cách mạng, phần lớn thời gian thương binh Nguyễn Thanh Điềm hoạt động trong lòng địch với vỏ bọc của màu áo Hồng Thập tự dành cho thương phế binh nguỵ. Trong sắc áo lính Việt Nam Cộng hoà và bí mật hoạt động trong các tổ chức phản động với vỏ bọc “tàn quân nguỵ” sống những ngày dài trong trại biệt giam để khai thác, nắm bắt âm mưu hoạt động chống phá của bọn nguỵ quân, ngụ quyền còn ngoan cố chưa chịu cải tạo, anh đã góp phần cùng các lực lượng chức năng phá hàng chục chuyên án lớn nhỏ.
Năm 2005, sau khi nghỉ chính sách, anh trở lại quê nhà thì ngôi nhà xưa của gia đình tại ấp An Mỹ, xã An Khánh, Thanh Điềm sinh năm 1947, tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, nơi một thời là công binh xưởng chuyên sản xuất vũ khí phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã không còn nữa. Đau hơn là người vợ, một thời kết tóc, xe tơ với anh đã bỏ đi theo người khác; cha qua đời, một người em hy sinh năm 1968 (liệt sĩ), một người em là du kích đã quy y nơi cửa Phật. Đồng đội cũ tứ tán khắp nơi; rồi tiếng thị phi là kẻ phản bội, bị phân biệt đối xử…, khiến anh đau lòng. Buồn, tủi với số phận, anh ngồi ôm gốc cây cau của Nội ngày xưa mà hai dòng lệ tuông rơi.
Sau đó, Nguyễn Thanh Điềm tìm đến thủ trưởng cũ là đồng chí Thiên Lý Nhân, nguyên Trưởng Ban Quân báo Tỉnh đội Bến Tre; đồng chí Đại tá Trần Văn Bảy, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre; đồng chí Đại tá Phan Định (Phan Văn Thậm) nguyên Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre; đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đồng chí Đại tá Trần Quốc Việt, nguyên Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị, Đại tá Trần Văn Bảy, Đại tá Trần Quốc Việt là những người cùng chiến đấu với anh trong trận Lộ Thơ và vượt vòng vây An Khánh 1964, lúc đó anh vừa là trinh sát chiến đấu vừa làm dân công hoả tuyến. Gặp đồng đội cũ, mừng mừng, tủi tủi, mọi người động viên gắng sức vượt qua dư luận xã hội, rồi một ngày mọi người sẽ hiểu sự hy sinh, vất vả của anh.
“Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày. Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người”. Hai tiếng quê hương – do hoàn cảnh chiến tranh, nhiều đêm anh hoạt động trong lòng địch, gác tay lên trán, anh nhớ quê hương, nhớ người thân, đồng chí, đồng đội từng kề vai, sát cánh chiến đấu hy sinh da diết. Anh nhớ về những trận đánh bằng vũ khí thô sơ và ong vò vẽ, nhớ những đêm đi phá ấp chiến lược và nhớ bao kỷ niệm tuổi thơ… Vậy mà, ngày về sao lại quá phũ phàng và nhiều quá những nỗi buồn đến vậy. Song, được người thân và các thủ trưởng trực tiếp động viên, an ủi anh cũng nguôi ngoai dần. Anh về bên ngoại, các cậu rưng rưng nước mắt, ôm cháu và nói: Ngày ông, bà ngoại còn sống có để lại cho mẹ con 500m2 đất và dặn khi nào con về giao lại cho con. Để lưu lại kỷ niệm bên ngoại và kỷ niệm tuổi thơ, Nguyễn Thanh Điềm về xây dựng một ngôi nhà để thờ Phật, thờ cha mẹ và đặc biệt trong ngôi nhà có thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Định.
Theo Nguyễn Thanh Điềm, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, nên anh thờ cúng như thờ vị cha già dân tộc; Đại tướng Võ Nguyên Giáp vị đại tướng đầu tiên, người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân mà anh tôn vinh nên anh thờ. Còn cô Ba Định trong những năm tháng lãnh đạo phong trào Đồng khởi. Thật may mắn Nguyễn Thanh Điềm được gặp Cô Nguyễn Thị Định và Cô dặn dò: “Đất nước, quê hương, đồng bào ta đang bị bọn thực dân, đế quốc đàn áp, bắn giết dã man; con là trai lớn lên phải nối tiếp truyền thống quê hương, truyền thống gia đình, tham gia cách mạng để giải phóng quê hương”. Hơn năm mươi năm rồi, Nguyễn Thanh Điềm vẫn còn nhớ như in lời dặn của Cô Ba. Chính vì thế mà trong ngôi nhà thờ mẹ Nguyễn Thanh Điềm có thờ cả Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Cô Ba thật trang nghiêm. Có lẽ đây là một địa chỉ thờ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Cô Ba duy nhất của một cựu chiến binh, thương binh trên địa bàn xã An Khánh.
Câu chuyện mà Nguyễn Thanh Điềm gặp lại các thủ trưởng cũ cũng khá lâu nhưng anh không bao giờ quên lần gặp Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Hữu Vị và Đại tá Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dânTrần Văn Bảy, Đại tá Trần Quốc Việt vào năm 2005, sau khi được Đảng, Nhà nước giải quyết nghỉ chính sách. Câu chuyện ở nhà Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị, hồi ức lại thời chinh chiến đã qua. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị có nhắc câu “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” (một vị tướng được vinh danh thì có vạn người ngã xuống). Cuộc chiến tranh đi qua biết bao nhiêu đồng chí đã anh dũng hy sinh! Chưa có cuộc chiến tranh nào kéo dài và khốc liệt như cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta; sự tàn phá của chiến tranh, sự hy sinh của hàng triệu người trên khắp dãy đất hình chữ S, cả nước không có tỉnh nào, huyện nào, xã nào mà không có nghĩa trang liệt sĩ.
Ngồi trầm ngâm như lắng đọng một nỗi niềm, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị nói tiếp: Bến Tre bị tàn phá nặng nề, hơn 35.000 liệt sĩ, trên 20.000 thương binh, hàng ngàn Mẹ Việt Nam anh hùng… 30 năm rồi mà chưa vượt qua nghèo khó, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa có tên trên bia mộ, gia đình chính sách, liệt sĩ, thương binh còn khó khăn về nhà ở… đó là nỗi ray rức của ông trong những năm còn làm việc cho đến lúc nghỉ hưu. Nghe Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị bộc bạch nỗi niềm, không gian cuộc hội ngộ như chùn xuống, im lặng hồi lâu, không ai nói điều gì! Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị nói tiếp: Lãnh đạo cố gắng làm hết sức mình để chăm lo cho gia đình chính sách, nhưng tỉnh còn nghèo mà gia đình và đối tượng chính sách tỉnh mình nhiều quá, hy sinh lớn quá chỉ sau Quảng Nam… Đồng chí Việt Liêm vừa qua bằng mối quan hệ của mình đã lo được một số, giờ phải tiếp tục nỗ lực hơn cùng với tỉnh và các địa phương, được phần nào vơi đi nỗi đau chiến tranh phần nấy. Chú có một người thân là gia đình chính sách cần cái nhà lành để ở mà chưa xin được. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị nói với Nguyễn Thanh Điềm: Ai nói gì nói cháu đừng buồn còn có chú và các đồng chí lãnh đạo trực tiếp hiểu, rồi dần dần anh em sẽ hiểu, thành tích của con là không ai phủ nhận được. Đại tá Trần Quốc Việt tiếp lời: Hoà bình, độc lập rồi, phải đoàn kết xây dựng lại quê hương. Đảng ta nói là lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng, xoá bỏ hận thù, mặc cảm, phân biệt đối xử quá khứ, hướng tới tương lai sao lại có người đối xử với anh như vậy, có lẻ anh em không biết anh là người của tổ chức đưa ra hoạt động trong lòng địch, nhưng cho dù đối với những người bên kia chiến tuyến cũng không được đối xử như vậy.
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Điềm
Nghe những lời tâm sự của thủ trưởng cũ và đồng đội, Nguyễn Thanh Điềm xúc động mà không cầm được nước mắt. Anh nói: Giờ cháu là thương binh dù không khá giả lắm, dù buồn tủi một số người ở địa phương không hiểu nói thế này, thế kia, con không quan tâm nữa, miễn sao còn các chú, các anh và đồng đội hiểu con là con vui rồi! Con sẽ cố gắng trong khả năng và mối quan hệ của mình, để vận động cùng với anh Trần Quốc Việt, cố gắng góp phần nhỏ bé của mình cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo cho gia đình chính sách. Đó cũng là tâm huyết và nguyện vọng của con, vì dẫu sao mình cũng còn được sống hưởng tự do, độc lập. Kể từ đó đồng chí Nguyễn Thanh Điềm tích cực vận động mạnh thường quân để cùng chăm lo nhà ở cho gia đình chính sách, thương binh, ngoài ra, đồng chí còn vận động xây cầu, đường nông thôn, tặng tập sách học sinh, xe đạp cho con em gia đình nghèo có điều kiện đến trường, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, không chỉ riêng Bến Tre mà cả các địa phương trong cả nước. Theo đồng chí Ngô Văn Quán, giám đốc Trung tâm UNESCO, nghiên cứu và ứng dụng Phật học Việt Nam, thời gian qua Nguyễn Thanh Điềm tham gia việc vận động phục hồi di tích lịch sử cách mạng, có hầm nuôi giấu cán bộ tại chùa Bảo Ân Cổ tự, xã Long Phước, thành phố Bà Rịa, xây dựng đền thờ Trần Nhân Tông và đền thờ Bác Hồ, nhà tình nghĩa, nhà tình thương, cầu nông thôn, khắp miền Bắc, miền Tây, miền Trung, Đồng Nai số tiền khoảng 500 tỷ đồng gồm 1.000 căn nhà tình nghĩa, tình thương, 10.000 tấn gạo, 100.000 quyển tập cho học sinh nghèo.
Riêng tại Bến Tre kể từ cuộc gặp các thủ trưởng, đồng đội cũ Nguyễn Thanh Điềm đã vận động hỗ trợ xây dựng 178 căn nhà tình nghĩa, tình thương, tặng hàng trăm xe đạp cho học sinh và mới đây hỗ trợ 200 triệu đồng cho thị trấn Phước Mỹ Trung xây cầu, tổng số tiền mà đồng chí vận động hỗ trợ cho công tác đền ơn đáp nghĩa ở Bến Tre là hơn 14 tỷ đồng…; riêng An Khánh quê hương anh là 7 căn nhà tình nghĩa, tình thương… Anh tâm sự dù địa phương có đối xử với anh thế nào chăng nữa, nhưng đó là quê hương, là nơi chôn nhau, cắt rốn mình có trách nhiệm xây dựng quê hương.
Nguyễn Thanh Điềm là con người chỉ biết hy sinh mà không đòi hỏi quyền lợi gì cho mình. Từng cùng đồng đội đánh những trận đánh vào cơ quan đầu não địch như: Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia; Ty Cảnh sát Gia Định; trại Cảnh sát dã chiến AMAX; Tòa soạn báo Dân Ý… vang dội Sài Gòn những năm 1970; từng tiêu diệt những tên CIA; sĩ quan an ninh quân đội ngụy khét tiếng ác ôn ở Bà Rịa, Long Khánh, Đồng Nai; tham gia phá 10 vụ án phản động âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng sau 1975 ở miền Nam ở Đồng Nai dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục An ninh Nguyễn Phước Tân và những tin tức tình báo quan trọng… đó là những chiến công thầm lặng được ghi vào sử sách. Vận động hơn 14 tỷ đồng để xây dựng nhà, cầu, đường cho Bến Tre nhưng cũng chỉ được nhận 03 bằng khen của UBND tỉnh và 01 bằng khen vì có thành tích trong bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Khi nghe câu chuyện về anh nhiều người cho rằng “Cựu chiến binh tình báo quốc phòng – thương binh Nguyễn Thanh Điềm” là người làm công tác đền ơn, đáp nghĩa “tầm cỡ”, và cũng đề nghị cấp có thẩm quyền ghi nhận sự đóng góp của anh để có sự khen thưởng xứng đáng, bằng khen của Chính phủ hoặc Huân chương lao động hoặc danh hiệu cao quý của địa phương – “Công dân Đồng khởi”.
Tin, ảnh: Cao Thiên An (ghi theo lời kể của Đại tá Trấn Quốc Việt – Nguyên Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Bến Tre, xác nhận của thủ trưởng trực tiếp của nhân vật)