Tròn 10 năm từ khi về hưu, cựu chiến binh Đào Thiện Sính, sinh năm 1947, ở trị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa vẫn trăn trở nỗi niềm khôn nguôi đó là nhiều đồng đội của ông còn ở đâu đó trong lòng đất mẹ, chưa được về an nghỉ nơi quê nhà.
Vì lẽ ấy, ông ngày đêm rong ruổi trên mọi nẻo đường, tìm đến các nghĩa trang liệt sỹ từ Quảng Trị vào Nam để ghi chép, viết và gửi hơn 40.000 lá thư cho thân nhân liệt sỹ…; BBT trân trọng đăng những ghi chép của Ông trên hành trình rong ruổi suốt các nghĩa trang liệt sĩ với tâm nguyện “Trả lại tên cho Anh”.
Kỳ I:
“Lại sắp tới ngày thương binh liệt sỹ “27.07”. Hàng triệu trái tim người Việt Nam hướng về các anh hùng LS. Với tôi vẫn mải miết đến các NTLS để tìm kiếm những thông tin dù rất mong manh để kết nối với thân nhân liệt sỹ cả nước
Nhiều kỷ niệm trong những ngày rong ruổi đã gặp được những ngôi mộ sau khi xác đinh AND họ đã được trở về quê hương nơi sinh ra. Do chiến tranh ác liệt kéo dài và nhiều nguyên nhân dẫn đến hàng vạn liệt sỹ sai họ tên, quê quán. Thậm chí LS không còn họ chỉ có tên nằm ở các NTLS trải dài từ Quảng Trị đến Cà Mau, lên Tây Nguyên và ở khúc ruột Miền Trung. May mắn cho hàng trăm gia đình LS đã tìm được nhau qua sự cố gắng tra cứu, xác minh giúp họ đoàn tụ sau mấy chục năm mong ngóng đợi chờ. Dưới đây là những trường hợp vui như thế.
Tại NTLS Đường 9 – Quảng Trị, LS Nguyễn Đức Bính trên bia mộ không có quê quán, không năm sinh, đã được xác định là người lính lái xe Trường Sơn năm xưa quê quán: Kênh Giang, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
NTLS Vĩnh Cửu, Đồng Nai, bia mộ ghi: LS Phan Văn Thạc, Hải Hưng và rồi đã được xác nhận ông là Phạm Văn Chạc quê quán Cẩm Xá, Mỹ Hào, Hưng Yên.
NTLS Trà Võ, Tây Ninh ghi: LS Nguyễn Cuông đã được người chị gái vất vả 5 năm mới tìm lại được đúng họ, tên, quê quán cho em, đó là Trần Đình Khuông, quê quán Hợp Lý, Lý Nhân, Hà Nam. Bà Trần Thị Nhung Trang kể với tôi qua điện thoại: Gia đình tôi bốn chị em gái, cậu Khuông là con trai duy nhất. Lúc bố mẹ còn sống mong mỏi vô cùng. Khi biết tin qua thư ông, chị em chúng tôi quyết tâm đưa Khuông về quê đã thành công.
NTLS Tỉnh Phú Yên ghi: LS…… Hồng, Chợ Gạo, không có họ và chữ đệm và rồi tôi đã kết nối với CCB xã Hòa Tịnh, Tiền Giang tìm ra đó là LS Trần Văn Tiến quê quán: Hòa Tịnh, Chợ Gạo. Người con trai của ông sung sướng tâm sự với tôi qua điện thoại.
Gia đình LS Phạm Tấn Kha, Xuân Sơn Nam, Đồng Xuân, Phú Yên. Gia đình quá nghèo tôi đã trực tiếp đến thăm người mẹ của LS hơn 80 tuổi sống cùng em gái tật nguyền. Cả dòng họ, chòm xóm góp tiền để đưa hài cốt từ NTLS tỉnh Bình Dương về, theo yêu cầu của Cụ. Toại nguyện đón được con cụ vui và sống thêm được 2 năm nữa.
NTLS tỉnh Bình Dương ghi: LS Lê Văn An, LS Trần Văn Cư, LS Nguyễn Trọng Tiến, LS Lê Đình Xê đều ghi quê quán: Ph Tăng, Phú Khánh, nhưng tôi đã xác định và gửi tới quê hương của 4 LS ở xã Phước Thắng, H.Tuy Phước, Bình Định.
Từ một nhà bia LS ở Tân Thành. Tôi đã lần ra manh mối LS Ngô Văn Chung quê quán: Quang Minh, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Hiện đang nằm tại NTLS Tp.Bà Rịa. Mỗi LS là một câu chuyện dài vô cùng thiêng liêng đằm thắm.
Bạn đồng ngũ của tôi kể rằng, khoảng 21h đêm 31/05/1970 khi vượt sông MêKong bằng thuyền 20 chiến sỹ thông tin ra đến giữa sông gặp cơn lốc xoáy. Đồng đội ngồi trên bờ để đi chuyến sau bạn tôi nghe rất rõ tiếng kêu của đồng đội nhưng bất lực vì trời đêm tối, mưa to, gió lớn, lồng sông Mêkong về mùa nước càng rộng càng hung dữ. Bạn Nguyễn Mạnh Vỡn còn nghe rõ tiếng của bạn mình là Nguyễn Văn Mô, Vũ Văn Tư hét lên: Bố ơi, mẹ ơi con chết rồi, Hồ Chí Minh muôn năm. Sau 30/04/1975, chúng tôi những đồng ngũ gặp nhau ở Sài Sòn Nguyễn Mạnh Vỡn, Nguyễn Văn Chiện, Trần Khánh kể lại như thế. Và một nhân chứng may mắn túm được bình đựng dầu nên đã ôm chặt mặc để cho nước cuốn đi đến gần sáng dạt vào khu làng chài của bà con người Việt ở Sa Long, thuộc tỉnh Kong Pong Chàm đó là chiến sỹ điện báo Vũ Bá Nhiếp năm nay ông bước sang tuổi 80. Quê ông ở Thạch Khôi, Gia Lộc, Hải Dương. Còn lại 19 chiến sỹ đã trôi theo dòng nước không biết phần mộ bây giờ ở đâu. Còn rất nhiều những câu chuyện về người lính thời chiến năm xưa”
. Xin hẹn kỳ II
Sài Gòn, ngày 30/04/2021
Đào Thiện Sính