Trên quê hương Quảng Nam, đó đây vẫn còn những vướng mắc, khó khăn trong công tác chính sách, tri ân người có công với cách mạng, nên có những tấm gương anh dũng hy sinh với nhiều chiến công hiển hách nhưng đến nay vẫn chưa được truy tặng danh hiệu anh hùng. Liệt sĩ Cao Đình Trung – nguyên Bí thư Huyện ủy Quế Sơn là một trường hợp như thế, đồng chí, đồng đội, nhân dân nơi ông từng gắn bó, chiến đấu vẫn khắc khoải đợi mong Đảng và Nhà nước truy tặng ông danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tác giả gặp các nhân chứng lịch sử tập hợp tư liệu về liệt sĩ Cao Đình Trung.
Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống cách mạng, là con ruột của đồng chí Cao Đăng – cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Phước Sơn, năm 1954, có tiêu chuẩn đi tập kết ra miền Bắc cùng với cha nhưng Cao Đình Trung xin ở lại quê nhà để tham gia chiến đấu.
Truyền lửa cách mạng
Lúc này, địch ráo riết củng cố lực lượng, tăng cường bộ máy ngụy quân, ngụy quyền ở các cấp, ngày đêm chúng lùng sục bắt bớ cán bộ, đảng viên. Ông lặn lội khắp nơi, bắt liên lạc với tổ chức, tìm đến nhà ông Đốc Ấm – cơ sở của ta tại thôn Phước Sơn, xã Sơn Bình (nay là xã Quế Bình) gặp đồng chí Vũ Quỳnh (tức Đoàn) – cán bộ của tỉnh.
Tại đây, ông được giao nhiệm vụ tìm cách vào làm việc trong Hội đồng hương chính xã Sơn Tây của địch (nay là xã Quế Thọ) để móc nối xây dựng cơ sở mật. Với tư chất thông minh, lanh lẹ, ông đã lọt vào được hội đồng, giữ chức Ủy viên thanh niên trong Hội đồng hương chính xã Sơn Tây và xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng ở An Tây, An Cường, Mỹ Thạnh, Võ Xá, An Sơn.
Những cơ sở mật do ông xây dựng sau này trở thành các đầu mối liên lạc, nắm tình hình cung cấp cho cách mạng những thông tin quan trọng chính xác phục vụ đắc lực cho việc diệt ác trừ gian, tiến công tiêu diệt các cứ điểm địch…
Tháng 6.1957, địch truy lùng gắt gao, cơ sở ta bị lộ, Cao Đình Trung thoát ly ra căn cứ vào Đội công tác cánh Tây Quế Sơn do đồng chí Hoàng Thành Lê phụ trách. Ông được giao phụ trách các xã Sơn Tân, Sơn Tây, Sơn Tú cùng với đồng chí Đỗ Thị Thanh Đảng.
Từ Đồng Làng, ông kiên trì thâm nhập xuống địa bàn các xã, xây dựng được nhiều cơ sở mật, nhờ đó, ta nắm chắc được tình hình hoạt động của địch, tránh được tổn thất do chúng gây ra.
Năm 1958, bọn địch thẳng tay đàn áp những người kháng chiến, một số cơ sở của ta bị bể vỡ, vài cơ sở nằm im không thể hợp pháp được nữa, Cao Đình Trung cải trang lặn lội khắp địa bàn để nối lại liên lạc với tổ chức, xây dựng cơ sở và các đội công tác vũ trang tuyên truyền, vừa hợp pháp và bất hợp pháp ở các xã Sơn Tân, Sơn Tây, Sơn Tú.
Ông vận động được nhiều thanh niên thoát ly tham gia lực lượng vũ trang huyện và đội công tác các xã. Có thể nói Cao Đình Trung là người có tài vận động thuyết phục quần chúng rất giỏi, đã giác ngộ được nhiều gia đình tự nguyện đào hầm bí mật trong nhà nuôi giấu cán bộ. Nhờ đó, cán bộ ta đi, về hoạt động suốt thời gian dài mà không bị lộ.
Chính Cao Đình Trung là người khơi dậy niềm tin cho cán bộ, nhân dân khu vực các xã cánh Tây Quế Sơn; trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở ta lợi dụng khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ địch, viết thư cảnh cáo, làm cho bọn ngụy quân, ngụy quyền ở quận Hiệp Đức rệu rã tư tưởng, mất phương hướng.
Tiếng đồn về ông Cao Đình Trung – “Cộng sản nòi” ngày một vang xa, trở thành biểu tượng mà nhân dân và lớp trẻ thời đó rất ngưỡng mộ, nhiều thanh niên mới nghe tên ông là đã tìm cách thoát ly tham gia cách mạng.
Uy danh, tiếng tăm ông Trung vang khắp làng trên xóm dưới, phong trào cách mạng ngày càng dâng cao, bọn địch vô cùng tức tối. Chúng treo giải thưởng nếu ai phát hiện và bắt, giết được Cao Đình Trung – “Cộng sản nòi” sẽ được thưởng tiền lớn và phong “Anh dũng bội tinh”.
Trung thành, nhiệt huyết với phong trào cách mạng; kiên cường trong chiến đấu, công tác; sâu sát cơ sở, gần gũi với quần chúng nhân dân, nên tháng 4.1958, Cao Đình Trung vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một mình đánh đại đội địch
Tháng 5.1959, trên đường đi công tác về đến địa bàn xã Sơn Tân, huyện Quế Sơn (nay là xã Hiệp Hòa, Hiệp Đức), Cao Đình Trung dừng chân ở lại một khu rừng chờ chập choạng tối xuống gặp cơ sở nắm tình hình. Bất ngờ hôm đó, Trần Tường – tên chỉ điểm đang đi vào núi săn thú thì phát hiện dấu vết nghi vấn, vội chạy về báo với bọn địch ở quận lỵ Hiệp Đức.
Gia đình bác Cao Đình Trung và tác giả viếng hương Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hiệp Đức.
Ngay tức khắc, địch cho Đại đội lính bảo an kéo lên bao vây, truy ráp. Không cho bọn địch phát hiện ta bao nhiêu người, Cao Đình Trung lanh trí vận động bắn nhiều hướng nghi binh lừa địch. Thoắt ẩn thoắt hiện, vừa bắn vừa đánh lựu đạn, ông vừa hô xung phong. Không đoán định được số lượng quân ta nên bọn địch rất hoang mang.
Một mình với khẩu súng tuyn cùng mấy quả lựu đạn nhưng Cao Đình Trung đã kháng cự địch rất mãnh liệt, kiên cường chiến đấu bằng bản lĩnh và tài trí thông minh của mình, căng kéo đánh địch từ hướng này sang hướng khác và đã diệt được 5 lính bảo an và làm 6 tên khác bị thương, khiến cho địch “thất điên bát đảo”…
Giãn đội hình ra xa độ gần một tiếng đồng hồ, địch tiếp tục tràn lên, Cao Đình Trung dùng lựu đạn kháng cự mãnh liệt. Ông đã đánh lừa được địch vì giao thông hào gần như bao quanh vị trí ông đang chiến đấu nhưng thực tế ông không ở dưới đó mà cơ động đánh địch bên ngoài, bao nhiêu đạn pháo chúng dồn vào giao thông hào đều vô nghĩa. Khi chúng tràn lên đánh chiếm mục tiêu, nhảy vào giao thông hào thì ông dùng lựu đạn tiêu diệt rất dễ dàng.
Đặc điểm của địch là ào lên một cánh, ông nắm được điểm yếu này để cơ động qua lại, dùng khẩu súng tuyn và lựu đạn chặn cắt đội hình, bắn nghi binh lừa địch, khiến chúng không đoán được quân ta có bao nhiêu người và đang ở đâu.
Đánh trả quyết liệt với quân địch đến viên đạn cuối cùng, toàn thân mệt nhoài vì kiệt sức, ông đành nằm lại giữa rừng. Bốn bề đã lặng im tiếng súng nhưng bọn địch vẫn nghi ngờ, lo sợ không dám mò lên. Chúng chờ suốt 2 tiếng đồng hồ, không nghe động tĩnh gì mới ập lên vây bắt được Cao Đình Trung đưa về giam tại Chi khu quân sự quận lỵ Hiệp Đức.
Tên Quận trưởng Hiệp Đức – Nguyễn Xuân Tình vội ăn mừng và báo lên thượng cấp là đã bắt được Cao Đình Trung – “Cộng sản nằm vùng nguy hiểm”. Bọn chúng hí hửng nghĩ rằng, từ nay an ninh vùng này sẽ được thắt chặt, mầm mống cộng sản nằm vùng ở đây sẽ được phanh phui, tiêu diệt. Chúng đã gắn “Anh dũng bội tinh” và thưởng nhiều tiền cho tên Phạm Dền đã có công vây bắt Cao Đình Trung.(còn tiếp).
Bài, ảnh: THANH TƯỜNG