Với tài trí mẫn tiệp, lối sống giản dị, đạo đức trong sáng, Cao Đình Trung xứng đáng là người cộng sản kiên trung, quả cảm, người con ưu tú của đất Quế anh hùng.
Hiệp đồng tác chiến
Giữa năm 1965, Cao Đình Trung được bầu bổ sung vào Ban Thường vụ Huyện ủy, giữ chức Chính trị viên trưởng Huyện đội Quế Sơn. Nhiệm vụ mới rất nặng nề, ông tích cực cùng Ban Chỉ huy Huyện đội lãnh đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang huyện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ngày 15.7.1965, lực lượng vũ trang huyện Quế Sơn (Đại đội V11, du kích các xã Phú Hương, Phú Thạnh, Phú Diên) do Cao Đình Trung chỉ huy phối hợp với Tiểu đoàn 70 bộ đội địa phương tỉnh tổ chức phục kích tiêu diệt Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 4, Sư đoàn 2 ngụy hành quân giải tỏa quốc lộ 1A (đoạn từ cầu Bà Rén đi Hương An) tại Mộc Bài (Quế Phú ngày nay), thu 150 súng các loại.
Chiến thắng Mộc Bài là dấu mốc quan trọng về hiệp đồng chiến đấu giữa lực lượng vũ trang tỉnh và bộ đội địa phương huyện, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu và phục vụ chiến đấu của quân và dân Quế Sơn.
Năm 1962, khi các thôn Trà Linh, Bình Kiều được giải phóng, Cao Đình Trung đã tìm đến vận động vợ con của Phạm Dền (tên chỉ điểm cho địch bắt ông ngày trước) lên quận Hiệp Đức thuyết phục chồng về đầu thú cách mạng. Mấy tháng sau, Phạm Dền trở về đầu thú, mang “Anh dũng bội tinh” về nộp và được cách mạng khoan hồng. Về sau, Phạm Dền tiến bộ rất nhanh và tích cực tham gia công tác ở địa phương. Việc làm đó của ông có sức lan tỏa, thuyết phục quần chúng.
“Đồng chí Cao Đình Trung là người cán bộ cách mạng rất gương mẫu, xông xáo; đức độ, tài năng, lãnh đạo, chỉ huy rất tài tình, quyết đoán; chiến đấu hết mình vì nước, vì dân. Đặc biệt, đồng chí là người cán bộ có tài thuyết phục vận động quần chúng nhân dân, kể cả những người lầm đường lạc lối, đứng về phía địch quay về với cách mạng”.
Tháng 11.1965, lực lượng vũ trang huyện Quế Sơn cùng Trung đoàn 1, Sư đoàn Bộ binh 2, Quân khu 5 tiến công tiêu diệt Chi khu quân sự quận lỵ Hiệp Đức. Cùng với tiếng súng tiến công của Trung đoàn 1, lực lượng vũ trang huyện do Cao Đình Trung chỉ huy đã nổ súng tiến công vào cứ điểm núi Lớn (Sơn Bình) và làm chủ trận địa.
Sau đó, ông chỉ huy lực lượng vũ trang huyện và du kích các xã Sơn Bình, Sơn Hiệp, Sơn Tân, Sơn Lợi, Sơn Thuận tiến công các khu dồn, phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, bung dân về quê cũ làm ăn sinh sống, giải phóng hơn 7.500 dân. Đây là thắng lợi quan trọng của quân và dân Quế Sơn, tạo bàn đạp thuận lợi cho nhiệm vụ tiếp theo.
Tháng 2.1966, Cao Đình Trung được Ban Thường vụ Huyện ủy phân công đứng cánh chỉ đạo chống càn ở các xã vùng Đông Quế Sơn. Lúc này, bọn địch thường xuyên cho quân càn quét dọc theo tuyến quốc lộ 1A, đoạn từ cầu Bà Rén đi Hương An. Đi đến đâu chúng cũng cướp bóc, bắn giết bừa bãi, gây nhiều thiệt hại về tính mạng và tài sản nhân dân.
Để chặn đứng tội ác quân thù, Cao Đình Trung bàn bạc cùng Ban Chỉ huy Đại đội V11 lên phương án và trực tiếp chỉ huy trận đánh phục kích tiêu diệt địch. Ngày 27.2.1966, lúc đó mới 8 giờ sáng, bọn địch cho quân càn quét vào thôn 8, xã Phú Hương.
Chờ cho chúng lọt vào trận địa mai phục, các mũi đánh của ta đồng loạt nổ súng, tiêu diệt tại chỗ 47 tên. Đây là trận đánh xuất sắc của lực lượng vũ trang huyện ngay trên quốc lộ 1A, cổ vũ động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân các xã vùng Đông, biến vùng tranh chấp trở thành vùng do ta làm chủ.
Quế Sơn tổ chức Hội thảo đề nghị xét truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với liệt sĩ Cao Đình Trung.
Gương sáng người cộng sản
Năm 1967, với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội, Cao Đình Trung cùng với Ban Chỉ huy Huyện đội lãnh đạo, chỉ huy bộ đội địa phương huyện và lực lượng du kích các xã tổ chức đánh địch, mở rộng vùng giải phóng. Lúc này, khắp nơi trên địa bàn huyện nhiều trận đánh nổ ra, hàng trăm tên Mỹ- ngụy hoang mang tháo chạy…
Đặc biệt, quân và dân vùng Đông Quế Sơn đã phối hợp chặt chẽ với Trung đoàn 31, Sư đoàn Bộ binh 2 giữ được yếu tố bí mật bất ngờ trong thế trận chiến tranh nhân dân, làm nên chiến thắng trận đánh ngày 24.3.1967 trên quốc lộ 1A, đoạn đường cầu Bà Rén – Hương An, diệt gọn Tiểu đoàn 103 công binh ngụy, 1 đại đội Mỹ, 2 đại đội vận tải, 2 chi đội xe bọc thép, 1 trung đội Nam Triều Tiên, 1 trung đội pháo 105mm, phá hủy 143 xe các loại, 200 tấn đạn…
Cuối năm 1967, quân và dân vùng tạm chiếm ở Quế Sơn dồn sức chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968. Ban Chỉ huy chiến dịch của huyện được thành lập do Cao Đình Trung, lúc này là Bí thư Huyện ủy, trực tiếp phụ trách. Một không khí thi đua sôi nổi với ý chí quyết tâm cao lại bừng sôi khắp làng quê đất Quế.
Trong lúc Bí thư Huyện ủy Cao Đình Trung đang tất bật đi cơ sở để kiểm tra, đôn đốc, triển khai mọi mặt cho cuộc nổi dậy thì bất ngờ quân Mỹ đổ bộ lên Cấm Dơi, Dương Là, rồi càn quét lên các xã Sơn Khánh, Sơn Thạch, Sơn Long.
Ông cùng với Ban Chỉ huy Huyện đội chỉ huy lực lượng vũ trang huyện nổ súng chiến đấu quyết liệt, quyết giữ vững địa bàn, bảo vệ bí mật an toàn cho công tác chuẩn bị Tổng tiến công mùa xuân 1968.
Với cương chỉ huy cao nhất lúc bấy giờ, lẽ ra, Bí thư Huyện ủy Cao Đình Trung có thể ở lại vòng trong để lãnh đạo, chỉ huy lực lượng, nhưng ông vẫn xung phong ra vòng ngoài để tận mắt kiểm tra, chỉ đạo thì bất ngờ loạt pháo địch từ Núi Quế bắn vào đội hình của ta tại thôn Thuận Long (Sơn Long) làm ông bị thương nặng.
Biết mình không thể sống để cùng đồng chí, đồng bào thực hiện sứ mệnh lịch sử trong mùa xuân này, ông gắng lời dặn lại: “Các đồng chí hãy cố gắng lên, ngày thắng lợi sẽ đến với chúng ta, hãy tập trung cao độ cho nhiệm vụ trọng đại của dân tộc trong mùa xuân Mậu Thân này”. Bí thư Huyện ủy Quế Sơn – Cao Đình Trung đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày ngày 19.11.1967.
Cùng với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phẩm chất nổi bật ở Cao Đình Trung là người cán bộ nhiệt tình, xông pha, đi đầu trong nhiệm vụ khó khăn, ác liệt; luôn cởi mở, chí tình, chí nghĩa với anh em đồng chí, đồng đội, mẫu mực trong lời nói và việc làm, được quần chúng nhân dân mến mộ coi như người con trong gia đình… Ông mất đi, quê hương Quế Sơn mất đi một người cán bộ lãnh đạo tài năng, mẫu mực và đức độ, để lại cho Đảng bộ, quân dân địa phương niềm tiếc thương vô hạn./.
Bài, ảnh: THANH TƯỜNG