Trước mắt tôi là một người đàn ông trung niên, gương mặt khắc khổ với đôi mắt đượm buồn. Anh chìa xấp thư và những cuốn nhật ký đã ngả màu thời gian của người cha liệt sĩ, bộc bạch: “Lần theo thông tin từ những lá thư này, gia đình đã đi khắp nơi để tìm mộ cha em. Hôm nay, tới hỏi danh sách liệt sĩ của Quân chủng Phòng không – Không quân, nhưng cha em cũng không có tên ở đó…”. Dứt lời, anh lục tìm trong số những di vật của người cha và đưa cho tôi một lá thư đã nhàu: “Đây là lá thư cuối cùng cha em gửi về cho gia đình, 10 ngày sau thì ông hy sinh. Khi ấy em vẫn còn nằm trong bụng mẹ”. Lá thư được viết từ chiến trường Quảng Bình đề ngày 16-11-1971. Trong thư, ông thông báo với người vợ trẻ rằng đã có hòm thư ổn định là 830546TQ90. Biết bà đang mang thai, ông mừng lắm, dặn vợ không nên đi xe đạp, không phun thuốc trừ sâu. Lại dặn: “Chúng mình gặp nhau vào đúng cơn bão số 8 năm 1970, nếu sinh con trai em hãy đặt tên con là Phong, nếu là con gái, hãy đặt tên con là Thủy”.
Người con trai duy nhất của họ chính là Bác sĩ Đoàn Nam Phong, hiện công tác tại Trạm xá xã Nam Cường (Nam Trực, Nam Định). “Gần 40 năm qua, mẹ em đã ở vậy nuôi con, thờ chồng. Nguyện vọng duy nhất của bà là tìm được hài cốt cha em. Năm 1976, sau khi nhận được giấy báo tử, theo lời kể của một đồng đội, bà đã lặn lội vào thôn Cự Nẫm (Bố Trạch, Quảng Bình), rồi rất nhiều lần nữa, hễ nghe được bất kỳ thông tin gì về cha, mẹ lại dẫn em đi tìm. Khi đi hy vọng bao nhiêu thì lúc về mẹ em càng buồn khổ bấy nhiêu. Mỗi lần ở địa phương có gia đình tìm được mộ liệt sĩ, thế nào đêm ấy mẹ cũng khóc”, bác sĩ Phong rưng rưng kể lại.
Bà Chạy cùng các con, cháu bên di vật của liệt sĩ Đoàn Anh Thông |
Ít ngày sau, chúng tôi về thăm gia đình liệt sĩ ở làng Nam Khê, xã Nam Cường (Nam Trực, Nam Định). Đón chúng tôi là một bà mẹ bé nhỏ, lành hiền, tất bật như tên của mẹ – Lê Thị Chay. Mang chiếc võng cũ kỹ, chồng thư ố vàng và cuốn nhật ký đã phôi pha màu mực, những di vật cuối cùng của người chồng để lại, bà Chay chậm rãi kể :
– Tôi và nhà tôi là người cùng xóm. Bố tôi mất sớm nên mẹ tôi chỉ có mình tôi, chồng tôi cũng mồ côi mẹ khi mới lên 5. Vì đồng cảnh ngộ nên chúng tôi sớm thương nhau. Nhập ngũ được hai năm thì ông ấy về phép cưới tôi. Ăn ở với nhau được trọn một tuần thì chồng tôi lên đường. Lúc ấy nhà tôi đang đóng quân bên cầu Đuống. Lần cuối cùng chồng tôi về thăm gia đình và thắp hương cho người em họ vừa hy sinh ngày 17-5-1971. Tôi có thai cháu Phong cũng vào dịp đó. Ngày đơn vị chồng tôi hành quân vào chiến trường, tôi không hề biết gì. Hôm đến thăm, chỉ thoáng thấy bóng chồng trên xe mà không thể gặp mặt. Ai ngờ, ông ấy đi luôn cho đến tận bây giờ…”.
Đọc nội dung trong giấy báo tử, chúng tôi không khỏi băn khoăn khi giấy báo tử đã ghi rất rõ: “Đoàn Anh Thông, sinh năm 1946, nguyên quán: Nam Cường, Nam Ninh, Hà Nam Ninh, nhập ngũ: 1965, chức vụ: Trung đội trưởng, cấp bậc: Thiếu úy, đơn vị: 0.117 – E234 – F361, hy sinh ngày 26-11-1971”, vậy mà trong danh sách các liệt sĩ của Quân chủng Phòng không – Không quân lại không có tên ông? Lật giở từng trang thư và những dòng nhật ký của ông, không có dòng nào ông viết về Sư đoàn 361. Có lúc ông ở Đại đội 137, Trung đoàn 223, có lúc ông lại trực thuộc Tiểu đoàn bộ của Trung đoàn 257. Theo địa chỉ ghi trên các bì thư, trận địa pháo 37mm của ông đóng quân ở rất nhiều nơi: Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Tây, Hà Bắc, Nam Định, Quảng Bình…. Bà Chạy cũng đã tìm đến nhiều đồng đội của chồng, trong số đó có ông Nguyễn Văn Hoạch – người đã chôn cất liệt sĩ Thông và 5 đồng đội khác. Nhưng do bị sức ép của bom nên trí nhớ ông không còn minh mẫn. Lúc tỉnh táo, ông kể: “Trận địa của đơn vị được bố trí bảo vệ Binh trạm và Bệnh viện Cự Nẫm. Khẩu đội của ông Thông bị địch oanh tạc vào lúc 5 giờ chiều, mãi đến 7 giờ tối tôi cùng đồng đội mới khiêng họ qua Cổng Trời, mai táng ở mé đường. Khu vực ấy có hai cái kho. Trong mộ liệt sĩ Thông còn có chiếc bát và một chiếc bút máy. Chiếc bút này đồng đội đã có ý giữ lại nhưng vốn thấy ông Thông là người chăm viết lách nên đã bỏ lại vào túi với lời khấn: “Thôi, cậu mang bút xuống đó mà viết nhé!”. Cũng chính tôi và một số đồng đội đã viết giấy xác nhận để cấp trên làm chính sách cho thân nhân liệt sĩ Thông”.
Ngày nhận tin chồng hy sinh, bà Chạy tưởng mình không thể nào gượng nổi. Một nách vừa con thơ, vừa cha già mẹ yếu, bà vẫn đau đáu trong lòng ước muốn tìm được hài cốt chồng. Có lần bà đi làm chế độ cho con, người cán bộ chính sách huyện đã gặng hỏi: Tại sao chồng hy sinh năm 1971 mà năm 1972 mới sinh con? Khi ấy, những lá thư còn lại của chồng đã giúp bà chứng minh sự thật.
Tạm biệt gia đình liệt sĩ Đoàn Anh Thông, chúng tôi trở về Hà Nội và được bà Chạy giao tận tay những kỷ vật thiêng liêng của chồng với lời dặn: “Các con cố gắng nhé, biết đâu…”. Thực hiện lời dặn của bà, ngay ngày hôm sau, nhân cuộc gặp mặt truyền thống của các cựu chiến binh Pháo cao xạ Quân chủng Phòng không – Không quân, chúng tôi đã ghi những chi tiết cơ bản về liệt sĩ Đoàn Anh Thông, in thành nhiều bản gửi đến từng cựu chiến binh với hy vọng một ngày nào đó đồng đội sẽ giúp người vợ liệt sĩ ấy thực hiện được niềm mong mỏi suốt hàng chục năm qua…