Nguyễn Thăng Bình (tên thường gọi là Thăng Bình) sinh năm 1924 tại Nhơn Hưng, An Nhơn, Bình Định. Là con lớn trong một gia đình có 13 người con, ngay từ nhỏ, ông đã sớm giác ngộ và bắt đầu tham gia cách mạng từ 8/1945. Gia nhập quân đội, ông đã tham gia nhiều chiến dịch: chiến dịch Biên Giới, chiến dịch Lý Thường Kiệt, chiến dịch Điện Biên Phủ và được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cách mạng. Ông cũng đã tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận, chiến trường từ miền Bắc đến miền Tây, miền Trung và ở đâu ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng chí còn được cử sang Lào giúp bạn xây dựng quân đội, sang Thượng Hải (Trung Quốc) để học tập…
Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, Nguyễn Thăng Bình đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: Sư đoàn trưởng các sư đoàn 308, 312, 325; Tham mưu trưởng Quân khu Tây Bắc; Tham mưu trưởng Mặt trận X… Ông đã được Đảng và quân đội giao cho nhiều công tác nặng nề: khi ở đơn vị trực tiếp chỉ huy chiến đấu, khi về công tác ở các cơ quan mặt trận và quân khu, khi đi làm nhiệm vụ quốc tế…
Trong những cuốn nhật ký chiến trận của của những tên đồn trưởng thuộc các tỉnh Yên Bái, Lao Cai, người ta thấy nhắc nhiều đến cái tên Capitaine Thăng Bình – nỗi khiếp sợ của bọn lính khố xanh, khố đỏ và đồn trưởng quan ba, quan hai của Pháp và chính điều này đã khiến cho nhà văn Tô Hoài tìm mọi cách để viết về Đại độc độc lập mà mọi người rất thân mật gọi là Đại đội Thăng Bình ấy.
Kết hôn với cô giáo Nguyễn Thuý Nhuần tại Tuyên Quang năm 1953 – kết quả của một tình yêu rất đẹp, trải qua thử thách và sóng gió nhưng chiến tranh đã khiến cho họ rất ít có thời gian bên nhau. Trong suốt 8 năm dài đằng đẵng từ 1962 đến 1970, do công tác cách mạng, họ không thể ở bên nhau và những cuộc gặp gỡ chớp nhoáng không đủ cho họ nói hết với nhau một câu chuyện… Thế là, để giãi bày tâm sự về cuộc sống, về tình yêu dành cho nhau, họ đã mượn đến những cánh thư – hàng ngàn trang thư được viết từ hậu phương và cũng ngần ấy trang thư được gửi từ tiền tuyến.
Chiến tranh khốc liệt, cuộc sống thiếu thốn và gặp nhiều khó khăn nhưng họ, với một tình yêu cao cả, một lý tưởng cách mạng trong sáng đã vượt qua những khó khăn của cuộc sống đời thường và hơn hết, tất cả tâm tư nguyện vọng của đôi vợ chồng ấy dành cả cho Đảng, cho cách mạng và mong muốn ngày độc lập trên khắp đất nước.
Trong cả ngàn trang thư gửi về từ mặt trận, không có lá thư nào người chồng nhắc đến nỗi khó khăn, nguy hiểm của chiến trường và cũng từ cả ngàn trang thư gửi đi, không có lá thư nào người vợ hiền thảo nơi hậu phương ấy than thở với chồng những chuyện “cơm áo gạo tiền”. Ở đó, người ta chỉ bắt gặp những lời lẽ yêu thương và nhung nhớ, những động viên nhau gắng gỏi trong công tác, học tập cũng như nuôi dạy con cái… Này là những lời thư nồng nàn thương nhớ chồng gửi cho vợ: “Gửi đến em nhiều cái hôn đằm thắm và nhung nhớ”, này là lời động viên của chồng ở nơi xa “nói chung các con mình ngoan đấy, chịu nghe lời ba mẹ, đó cũng là công lao của em yêu đấy nhưng phải cố gắng em nhé”, rồi lời tâm sự của người vợ với chồng “Anh ơi, thật là bước đường cách mạng gian lao lúc này, em càng thấy sung sướng bao nhiêu thì càng thấy xúc động bấy nhiêu khi vắng anh và thương người cha đã khuất… Đôi lúc em cũng thấy lo đến sức khoẻ của mình nhưng trước yêu cầu của cách mạng mình phải mang hết tâm lực ra để phục vụ”, rồi “người tuy xa nhưng lòng không xa được phải không anh? Vì mỗi chiều đến, trong đêm khuya khoắt đều nghĩ đến anh”, “giấc mơ của em cứ muốn kéo dài mãi để có những phút sống bên anh”…
Bình thường, trong những lá thư của ông Bình gửi từ mặt trận về, rất ít khi ông nhắc đến tình hình mặt trận. nhưng trong một lá thư không đề ngày, tháng năm, bà Nhuần nhận được vào ngày 20 tháng 1 năm 1970 (ngày 2 tháng 2 năm 1970, ông Bình hy sinh tại mặt trận). Lúc đó ông đang là Tư lệnh phó kiêm tham mưu trưởng măt trận Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng và đã có quyết định trở thành Phó tư lệnh Quân khu 4. Trong thư ông kể chiến sự rất ác liệt , ông kể tên những người đã hy sinh và bị thương… Đó là một lá thư viết vội, chữ nguệch ngoacjvaf chỉ có vẻn vẹn vài dòng như một cách thông tin cho gia đình ông vẫn an toàn.
Ngày 2 tháng 2 năm 1970, Phó tư lệnh mặt trân Nguyễn Thăng Bình đã hy sinh trong một trận đột kích bất ngờ của địch vào hầm chỉ huy.
Những người con của Thượng tá liệt sĩ Nguyễn Thăng Bình đã thấm nhuần những lời dạy của cha mẹ, phát huy truyền thống gia đình họ đã có nhiều thành công trong cuộc sống. Tự sâu thẳm lòng mình họ vẫn rất trân trọng tình cảm của cha mẹ. Những bức thư tình của cha mẹ được họ giữ gìn những báu vật.
Những bức thư của liệt sĩ Nguyễn Thăng Bình và người vợ mà ông yêu dấu đã được Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân in thành cuốn sách “ Người liệt sĩ và những bức thư tình”