Liệt sỹ Trần Chiên
Hoàng Anh
Liệt sỹ Trần Chiên, sinh năm1914, tại xã Hải Trung, Hải Hậu, Nam Định, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cha là nhà nho bốc thuốc đông y, mẹ làm ruộng tầm tang canh cửi. Ông là con thứ hai trong gia đình có ba anh em (ông có một người anh trai và một cô em gái) Trước năm 1936 Trần Chiên làm công nhân ở mỏ than Mông Dương – Quảng Ninh, bị đuổi việc vì tham gia phong trào công nhân chống lại chế độ hà khắc của thực dân Pháp. Năm 1939 Trần Chiên vào Cần Thơ làm ăn sinh sống. Tại đây, từ năm 1941 ông tham gia hoạt động cách mạng và bị địch bắt giam tù ở Côn Đảo. Năm 1945 ra tù, Trần Chiên tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Sau Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, Trần Chiên tham gia vào Quốc gia Tự vệ cuộc Cần Thơ bảo vệ chính quyền non trẻ. Ông là một trong 5 liệt sỹ Đội cảm tử Quốc gia Tự vệ cuộc Cần Thơ đã hy sinh anh dũng trong trận “hoá trang kỳ tập” đánh Sở chỉ huy quân đội Pháp tại thị trấn Cái Răng – Cần Thơ sáng 12/11/1945 ngay sau khi Pháp tái chiếm thị trấn chưa đầy hai tuần Đội cảm tử ấy bao gồm: Lê Bình, Trưởng Quốc gia Tự vệ cuộc Cần Thơ – Đội trưởng Đội cảm tử, sinh năm 1924, quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh; Bùi Quang Trinh (là anh trai của nhà văn Bùi Đức Ái tức Anh Đức), Phó trưởng Quốc giaTự vệ cuộc Cần Thơ, quê ở An Giang; và các đội viên Đội cảm tử: Cao Minh Lộc, quê ở huyện Châu Thành, Cần Thơ; Lê Nhựt Tảo, quê xã Vĩnh Xuân, Cầu Kè, Cần Thơ – nay thuộc Vĩnh Long và Trần Chiên (Trần Mai). Cả năm liệt sỹ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ mang trong mình bầu nhiệt huyết “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trần Chiên và đồng đội đã ghi một chiến công oanh liệt của lực lượng công an Cần Thơ trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. |