Phạm Thành Lượng, sinh ngày 15/3/1948, tại xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnhKiên Giang) anh còn có bí danh là Phạm Truyền Thống.
Phạm Thành Lượng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống cách mạng. Năm 12 tuổi, anh tham gia hoạt động văn nghệ Cách mạng ở địa phương. Năm 17 tuổi, Phạm Thành Lượng vào bộ đội “phòng thủ” bảo vệ huyện ủy Vĩnh Thuận. Ngày 23 tháng 1 năm 1965, Phạm Thành Lượng được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.
Từ năm 1965 đến giữa năm 1968 hoạt động bảo vệ huyện ủy, Phạm Thành Lượng luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; Từ 6/1968, anh chuyển sang Đoàn 180 An ninh vũ trang bảo vệ Trung ương Cục miền Nam cho đến lúc hy sinh.
Trong suốt quá trình công tác, Phạm Thành Lượng đã chiến đấu rất dũng cảm, tiến công táo bạo, bám trụ kiên cường, chỉ huy bình tĩnh, nắm vững thời cơ tiêu diệt địch. Anh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ căn cứ, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các đồng chí Lãnh đạo và các cơ quan trung ương cục miền Nam. Anh đã tham gia chiến đấu nhiều trận, trong đó có 10 trận tiêu biểu, tiêu diệt được 30 tên địch.
Ngày 22/3/1975 trong trận tấn công Đồn Mỏ Công, Phạm Thành Lượng là mũi trưởng xung kích 1. Ta vừa nổ súng thì địch chống trả quyết liệt, tổ bộc phá đã thương vong nặng, Phạm Thành Lượng liên tiếp đánh 2 quả bộc phá lớn ở cự ly gần bị sức ép nặng, địch tập trung đánh chặn mũi tấn công của ta. Phạm Thành Lượng bình tĩnh dẫn tổ vượt qua mưa đạn tiến lên áp sát đồn thì gặp chiến hào và tường cao gần 2 mét, xung quanh và dưới hào có kẽm gai, bãi mìn.
Đây là trở ngại lớn nhất của trận đánh, nếu không đánh sập được tường thì không mở được cửa tiến vào đồn, mà đánh thì người đánh bộc phá có thể hy sinh do sức ép của bộc phá. Phạm Thành Lượng biết đánh như thế là rất nguy hiểm, nhưng không còn cách nào khác hơn (lúc này các mũi khác bị thương vong nặng chưa vào được.
Tổ bộc phá đã thương vong nhiều, mũi xung kích 1 chỉ có anh Lượng và một đồng chí đi cùng, anh Lượng đưa khẩu AK cho đồng đội rồi mang quả bộc phá vượt qua chiến hào, leo lên tường móc bộc phá, rút nụ xòe và nhảy xuống nằm trên lên lớp kẽm gai dưới hào chí cách quả bộc phá 2 mét thì quả bộc phá nổ, Phạm Thành Lượng bị tung lên dâp xuống. Sau khi bộc phá nổ Lượng tiếp tục dẫn lực lượng xung kích tiến lên đánh chiếm các vị trí địch. Lúc này tổ xung kích 2(C2) đã vào, anh Lượng ra lệnh cho đồng chí Nga lấy đèn Pin báo hiệu bắt liên lạc với các mũi và xông lên đánh chiếm giành giật từng lô cốt, chiến hào, căn nhà còn lại. Tuy rất mệt, nhưng Anh Lượng vẫn dẫn tên tù binh đến lấy sơ cung và bắt nó dẫn anh em ta tiến đánh vào Ban chỉ huy đồn.
Đã gần sáng, địch vẫn ngoan cố lợi dụng lô cốt, tường hộp còn lại chống cự quyết liệt. Anh Lượng đã kiệt sức không đi lại được nữa nhưng vẫn ngồi lấy lựu đạn của địch trong lô cốt đưa cho anh em tiếp tục chiến đấu. Vết thương ngày càng gây mất máu nhiều, sức đã yếu, anh Lượng đưa cho anh Thương quả lựu đạn cuối cùng và nói: “Thương đánh ngon đó, hãy tiến lên giết hết bọn chúng, trả thù cho đồng chí, đồng bào” rồi tắt hơi thở ở tư thế tiến công địch.
Trong trận này đồng chí Phạm Thành Lượng đã chiến đấu rất dũng cảm, táo bạo, chỉ huy bình tĩnh, linh hoạt. Lượng đã 04 lần bị thương nhưng không rời trận địa, chỉ huy chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Anh là cánh chim đầu đàn cho toàn tổ xông lên quyết định sự thắng lợi của trận đánh.Tư tưởng và hành động anh hùng của Liệt sĩ Phạm Thành Lượng là ngọn đuốc sáng soi cho các thế hệ hôm nay và mai sau.