QĐND – Mỗi lần gặp mặt đồng ngũ, những cựu chiến binh Tiểu đoàn 2 (V25) Quảng Đà (nay là Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 971, TP Đà Nẵng) vẫn thường nhắc đến tấm gương chiến đấu dũng cảm, gan dạ, hết lòng vì đồng đội của liệt sĩ Nguyễn Trường Tiến. Đây còn là một gia đình cách mạnh khá đặc biệt: Cả 7 bố con đều là liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
7 liệt sĩ
Nếu như mẹ Nguyễn Thị Thứ có 9 người con hy sinh, trở thành người mẹ có nhiều con hy sinh nhất trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc thì có lẽ gia đình liệt sĩ Nguyễn Trường Tiến cũng là một gia đình cách mạng tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam.
Ông Nguyễn Văn Kiểu (cha của liệt sĩ Nguyễn Trường Tiến) sinh năm 1911, lớn lên ở xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Năm 1960, gia đình ông Kiểu là cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ. ông cùng với địa phương thành lập đội công tác vũ trang chỉ với vài khẩu súng thô sơ, đã cùng với nhân dân trong xã Duy Nghĩa mùa thu năm 1963 đồng khởi đập tan bộ máy ngụy quyền, phá ấp chiến lược. Nên lúc ấy có câu ca rằng:
Đứng lên bằng súng bẹ dừa
Quê ta đồng khởi Mỹ thua, ngụy hàng
Từ năm 1963, ông Kiểu cùng với du kích xã phối hợp với lực lượng địa phương tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương. Tháng 2-1970 ông đã hy sinh anh dũng trong một trận đánh trả địch càn quét vào đất Duy Nghĩa.
Mẹ ruột của liệt sĩ Nguyễn Trường Tiến sinh năm 1914, mất tháng 6-1969 do bị bom Mỹ. Năm 1995, bà đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vì có 6 người con và chồng là liệt sĩ.
Ông bà Kiểu sinh được 10 người con nhưng chỉ nuôi được 6 người. Đến khi trưởng thành, cả 6 người con đều tham gia hoạt động cách mạng và hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là các liệt sĩ: Nguyễn Thị Hiểu, sinh năm 1933, hy sinh tháng 2-1975; Nguyễn Thị Hảnh, sinh năm 1935, hy sinh năm 1969; Nguyễn Văn Hiền, sinh năm 1937, hy sinh tháng 12-1970; Nguyễn Trường Tiến, sinh năm 1940, hy sinh tháng 4-1971; Nguyễn Trường Ngọc, sinh năm 1945, hy sinh tháng 10-1969; Nguyễn Trường Một, sinh năm 1947, hy sinh tháng 2-1968.
Đồng đội nhắc mãi tên anh…
Nguyễn Trường Tiến là con thứ tư của ông bà Kiểm, sớm giác ngộ cách mạng theo truyền thống gia đình và quê hương. Năm 1960, ông cùng gia đình đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng, đêm xuống cùng lực lượng vũ trang xã tham gia diệt ác ôn, phá ấp chiến lược, xây dựng vùng giải phóng
Tháng 6-1962, ông được giao nhiệm vụ đón và đưa 6 cán bộ huyện ủy vượt sông qua thị xã Hội An (nay là TP Hội An) an toàn. Nhờ trí thông minh, lòng dũng cảm ông được ban chỉ huy xã đội bố trí làm cán bộ trinh sát.
Ngày 5-8-1965 khi Tiểu đoàn 2 (V25) Quảng Đà thành lập, ông được điều về công tác ở đơn vị này. ông Lê Minh Hiếu (hiện nay đã nghỉ hưu tại phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), cựu chiến binh Tiểu đoàn 2 là người đã cùng chiến đấu với liệt sĩ Nguyễn Trường Tiến. ông Hiếu cho biết: “Chiến sĩ Nguyễn Trường Tiến mặc dù đã hy sinh nhưng đồng đội ngày nay thường nhắc đến ông với những chiến công xuất sắc, những trận đánh đầy khó khăn, ác liệt như trận tập kích tiêu diệt chốt điểm Núi Lỡ, Gò Cấm (Đại Lộc), Bồ Mưng (Điện Bàn)…”.
Rồi ông Hiếu kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng không thể nào quên: Chốt điểm Núi Lỡ do Pháp xây dựng trước năm 1954. Lực lượng địch ở đây gồm 200 tên, có sự chi viện pháo binh từ các nơi. Đối với Tiểu đoàn 2, đây là trận đầu ra quân bằng chiến thuật đặc công “đánh nở hoa trong lòng địch”. ông Tiến được bố trí ở Trung đội chủ công của Đại đội 3, đã bí mật khóa từng quả mìn, chốt từng quả lựu đạn, cắt từng lớp rào để đưa các tổ áp sát lô cốt địch. 24 giờ đêm 29-10-1965 đơn vị đồng loạt nổ súng. ông Tiến nhanh chóng dùng thủ pháo và lựu đạn tiêu diệt lô cốt sở chỉ huy địch, phối hợp cùng đơn vị diệt gọn 1 đại đội bảo an, bắt sống 10 tên, thu 2 cối 60mm, 1 đại liên, 3 máy thông tin và 18 súng tiểu liên. Sau trận này, đồng đội gọi ông là “Tiến sóc” vì trong chiến đấu ông nhanh như con sóc.
Trong một trận chiến đấu khác sau đó không lâu, Nguyễn Trường Tiến bắn cháy hai xe M113, đánh hỏng một xe M113, tiêu diệt hơn 20 tên địch, thu một súng. Đây là lần đầu tiên tại chiến trường miền Nam, ta dùng súng phóng lựu AT K44 bắn cháy xe tăng địch. Sau trận chiến đấu đó, ông vinh dự được đi báo cáo điển hình tại Đại hội chiến sĩ thi đua miền Trung Trung Bộ và được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe tăng” bằng súng K44.
Tháng 4-1971, Mỹ mở cuộc càn quét vào khu đông Duy Xuyên, do Sư đoàn không vận số 1 của Mỹ có máy bay yểm trợ và quân ngụy dẫn đường. Hơn một ngày chiến đấu ác liệt, quần nhau với địch, ta đánh trả nhiều đợt phản công, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Do tương quan lực lượng không cân sức, du kích phải vào hầm bí mật tạm lánh, ông tuyên bố cùng với bà con nhân dân đấu tranh chính trị không cho xe tăng của địch càn phá vào làng phá hoại hoa màu và bắn giết bà con… ông đã bị thương gãy chân. Trong số lính ngụy đi càn quét hôm đó biết ông từng là dũng sĩ diệt xe tăng của Việt cộng, nên bọn chúng đã tuyên bố tử hình ông trước mặt bà con nhân dân quê nhà…