Hồ Mỹ Xuyên |
Hồ Mỹ Xuyên là con duy nhất của ông Hồ Tùng Mậu và bà Nguyễn Thị Thảo, cháu đích tôn của Hồ Bá Kiện, chắt ngành trưởng của Hồ Bá Ôn. Trong gia tộc Hồ Bá Ôn, có năm danh nhân cách mạng và bốn đời liệt sĩ. Hồ Mỹ Xuyên là liệt sĩ thứ tư. Ông hy sinh lúc mới 28 tuổi, để lại ba người con sau này là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước: Hồ Anh Dũng, Hồ Ngọc Hải, Hồ Đức Việt.
Hồ Mỹ Xuyên tên thật là Hồ Bá Bối, sinh ngày 2-4-1920. Bé Bối lớn lên trong vòng tay của mẹ và bà nội, ngay từ tuổi thơ ấu đã phải sống trong cảnh túng nghèo.
Cu Bối ra đời mấy tháng thì “người nhà nước” về làng truy nã bố nó – ông Hồ Tùng Mậu. Quan huyện đòi bà và mẹ Bối lên tra hỏi. Để có tiền chạy vạy cho chồng, bà Thảo đành phải bán nhà trang trải, phải đến ở nhờ chuồng bò của ông chú họ.
Đến tuổi đi học, bé Bối gặp thầy Trợ Vơi, người mà nó vô cùng kính phục. Thầy thường rất đỗi tự hào kể về quê hương xã Mỹ Xuyên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa của mình. Bé Bối nghe thích lắm, liền tự ý đổi tên Hồ Bá Bối thành Hồ Mỹ Xuyên.
Hồ Mỹ Xuyên lớn lên thành chú bé thông minh ngộ nghĩnh, những trò nghịch của chú làm mẹ Xuyên nhiều phen lo lắng.
Trước nhà có mấy cây cau. Một hôm cả nhà thấy chú trèo cau chân trở lên trên, đầu ngược xuống dưới, ai cũng hoảng hốt nhưng với cậu ta thật là đơn giản. Hồi mới lớn lên Xuyên có tài há to mồm rồi đút cả nắm tay lọt vào mồm, lè lưỡi liếm đến tận đầu mũi, cuốn lưỡi lại như hình điếu thuốc, rồi thụt lưỡi vào cuốn lên vòm miệng bật thành tiếng kêu như tiếng mõ.
Về trí thông minh, Xuyên khá nổi bật. Một lần thầy Trợ Vơi ra vế đối: Thủy nhi tựu hạ (nước chảy xuống thấp). Cả lớp đang cắn bút thì Xuyên đã đứng bật dậy nói ngay: Hỏa nhi tiêu cao (lửa làm chảy mỡ). Tìm chữ Hỏa đối với chữ Thủy thì ai cũng tìm được, nhưng tìm ra chữ Cao là Mỡ để đối với chữ Hạ là Thấp thì rất ít người nghĩ ra.
Làng Quỳnh Đôi là trung tâm cách mạng của huyện Quỳnh Lưu. Mỗi lần chi bộ hay huyện ủy họp ở nhà cụ Án Nam (tức Hồ Bá Ôn), chú bé Hồ Mỹ Xuyên thường làm nhiệm vụ canh gác. Chú ngồi ngoài cửa canh chừng bằng cách đánh mõ bằng lưỡi khi gặp sự cố, người bên trong biết đó mà tránh.
Ngày bà Thảo bị bắt giam, Xuyên đưa cơm lên nhà lao huyện cho mẹ. Bọn địch dỗ dành ngon ngọt với Xuyên:
– Nhà mi có những ai qua lại?
– Nhà cháu có nhiều người đến lắm, bà con trong họ hàng và những người bán tơ. Xuyên đáp.
Bọn chúng thâm hiểm lại chỉ vào mấy người mà chúng nghi ngờ thường đến nhà cụ Án Nam họp, hỏi có biết không? Xuyên đáp:
– Chú này, bác này… cháu mới thấy lần đầu.
Mọi người thở phào nhẹ nhõm.
Lên 8 tuổi, Xuyên đã biết viết truyền đơn chửi kẻ trong làng thường làm mật thám cho Pháp. Tuy không bắt được tận tay nhưng chúng phải chờn, không dám hăng hái chống phá ta như xưa nữa.
Tuy nhà nghèo nhưng Xuyên vẫn được đi học tử tế. Sau khi đậu bằng Sơ học yếu lược, Xuyên học tiếp trường tiểu học. Ở trường này, ông Hồ Mậu Đờn ra tờ báo tay “Tuổi Xuân” do ông làm chủ bút, Hồ Mỹ Xuyên và Hồ Sĩ Lãng viết bài, anh Hoàng Hữu Cảnh có hoa tay chuyên vẽ bìa và chép bài cho báo. Tờ báo được truyền tay nhau trong học sinh trường huyện, nhưng ra 6 số rồi phải đình bản vì bị Chánh tổng để ý.
Năm 1937 Xuyên được kết nạp vào Đoàn thanh niên Dân chủ.
Năm 1939 nhóm kịch Quỳnh Đôi diễn vở “Ai giết quan tòa”. Sân khấu dựng tại nhà Hồ Mỹ Xuyên, thu tiền để đóng góp việc đắp đê Hói Nồi nhằm tăng diện tích canh tác. Năm 1941 Xuyên là người tìm vở, hướng dẫn tập và đạo diễn vở kịch thơ “Trần Can” của Phan Khắc Khoan.
Ông Hoàng Ngọc Nhân (quê ở xã Quỳnh Đôi – em ruột ông Hoàng Văn Hoan, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng), bạn thân của Hồ Mỹ Xuyên cho biết: Từ nhỏ Xuyên đã làm thơ và trao cho ông tập thơ hơn 30 bài. Thơ Hồ Mỹ Xuyên đượm buồn, pha nét lãng mạn, ẩn giấu nghĩa khí, ông Nhân còn thuộc được một đôi đoạn khá độc đáo:
Em sa bước hận, chàng hôn liễu
Anh lạc bên hè chết tử quy
Bên hồ nước đọng sương sao lạnh
Bụi tối hồn vơi với biệt ly …
Những bài thơ của Hồ Mỹ Xuyên thể hiện tâm trạng đau buồn khi cách mạng đang thoái trào còn anh thì bơ vơ thất nghiệp.
Tác phẩm của Hồ Mỹ Xuyên được nhiều người biết đến là vở kịch thơ “Ngũ Tử Tư” in trong Tạp chí Tri Tân số tháng 3 năm 1942 ký tên Xuyên Hồ do Hoàng Trung Thông và Hoàng Nhật Tân sưu tầm.
Theo ông Hoàng Ngọc Nhân, mùa hè năm 1942 Hồ Mỹ Xuyên còn sáng tác tập kịch thơ thứ hai là “Chiêu Quân cống Hồ”.
Vở kịch Ngũ Tử Tư đã được ông Hoàng Trung Nho cùng các bạn trẻ Quỳnh Đôi trình diễn trên sân khấu ở Chợ Nồi sau Cách mạng Tháng Tám 1945.
Tiếc rằng tập kịch thơ “Chiêu Quân cống Hồ” và tập thơ hơn ba chục bài đã bị thất lạc trong thời kháng chiến chống Pháp không thể nào sưu tầm lại được.
Ngoài ra, trước năm 1945, Hồ Mỹ Xuyên còn viết quyển thơ “Bài ca Cách mạng” 32 trang, in bằng chữ quốc ngữ, mực tím, trên giấy bản xô khổ 10cm x 10cm. Trong đó có đoạn:
Hết thời áp bức gạt lừa
Giai cấp xã hội đã vừa bằng ngang
Chẳng còn những tụi hung cường
Cậy thần, cậy thế ngang tàng dọa dân
Những đợt khủng bố, bắt bớ hàng loạt hồi 1939-1940 ở Nghệ An làm hầu hết cơ sở bị tan rã, nên hoạt động Việt Minh còn rất dè dặt, chỉ đến sau khi Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945 Quỳnh Đôi mới bắt đầu mở rộng. Trong phong trào này Hồ Mỹ Xuyên phụ trách các nhóm Thanh niên Cứu quốc.
Do hoạt động tích cực và có hiệu quả, Hồ Mỹ Xuyên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương ngay trong thời tiền khởi nghĩa và được phân công tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền huyện Quỳnh Lưu.
Nhà thơ Hoàng Trung Thông, bạn cùng hoạt động với Hồ Mỹ Xuyên kể lại rằng: Ông được làm nhiệm vụ bảo vệ Hồ Mỹ Xuyên vào công đường huyện tiếp nhận sự đầu hàng của Tri huyện Chử Ngọc Liễn.
Ngày 22-8-1945, Hồ Mỹ Xuyên được cử làm Ủy viên Văn hóa trong Ủy ban Nhân dân Cách mạng huyện và tham gia Chấp hành Huyện ủy.
Giành chính quyền ở huyện được vài hôm thì hai ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu là người của chính phủ Trần Trọng Kim từ Huế ra Hà Nội, qua Quỳnh Lưu bị Ủy ban Nhân dân Cách mạng ở đây giữ lại. Huyện ủy giao cho Hồ Mỹ Xuyên với tư cách Ủy viên Văn hóa của chính quyền Cách mạng coi giữ hai ông. Xuyên đã xử sự rất đúng mực. Sau này ông Phan Anh được Hồ Chủ tịch mời ra làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của Việt Nam, đôi khi nhắc lại cuộc tiếp xúc với Hồ Mỹ Xuyên ngày ấy đã khen: “Xuyên là người giỏi”.
Cuối tháng 8, đầu tháng 9-1945, Hồ Mỹ Xuyên được điều động vào Vinh tham gia Ban Chấp hành Tỉnh ủy Nghệ An rồi được điều vào Huế, sau đó trở lại Nghệ An làm Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, cùng Trần Văn Bành xây dựng Ban chấp hành lâm thời Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Tháng 6-1946 Hồ Mỹ Xuyên làm Phó bí thư Tỉnh ủy Nghệ An. Tháng 12-1946, Hồ Mỹ Xuyên phụ trách công tác tuyên truyền kháng chiến trong tỉnh.
Năm 1947, Hồ Mỹ Xuyên được Trung ương điều động lên Việt Bắc làm công tác Kiểm tra Đảng. Ngày 20-11-1947, ông được Hồ Chủ tịch và Chính phủ cử làm Đặc ủy viên trong Đặc ủy đoàn đi kinh lý kiểm ta mặt trận Liên khu 10 gồm các tỉnh vùng Tây Bắc. Trong thời gian này ông đổi tên là Hồ Kim Xuyên.
Chuyến đi công tác của Đặc ủy đoàn qua các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái. Suốt chặng đường Hồ Kim Xuyên luôn tỏ ra là một cán bộ có nghị lực. Trung tuần tháng 3-1948, Đoàn đi kinh lý hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai, không may ngày 19-3-1948 Hồ Kim Xuyên bất ngờ bị nạn. Sáng 20-3-1948, Trưởng đoàn, Bộ trưởng Bồ Xuân Luật thảo ngay điện khẩn báo cáo lên Hồ Chủ tịch.
Tang lễ Đặc ủy viên Hồ Kim Xuyên được tổ chức trọng thể tại Nghĩa trang huyện Lục Yên trên địa bàn xã Trần Phú với đông đảo cán bộ tỉnh Yên Bái, tỉnh Lào Cai và nhân dân địa phương tham dự.
Được tin Hồ Kim Xuyên tử nạn, Hồ Chủ tịch rất xúc động. Người đích thân đánh máy bức thư gửi Hồ Tùng Mậu, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Liên khu IV:
Chú Mậu thân mến!
Tôi rất đau buồn báo tin cho chú biết:
Cháu Hồ Kim Xuyên không may đã hy sinh trong khi đi công tác cùng Đặc ủy đoàn Chính phủ tại Lục Yên châu – Yên Bái.
Tin này đến với chú chắc chú cũng rất đau đớn. Nhưng mong chú trấn tĩnh, bớt buồn thương để khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tôi cũng rất đau xót trước việc cháu Xuyên chết. Cháu Xuyên mất đi, chú mất một người con, tôi mất một người cháu, nhân dân mất một chiến sĩ, đoàn thể mất một cán bộ.
Chú cần giữ gìn sức khỏe vì công việc kháng chiến còn nhiều.
Chú chuyển cho tôi lời chia buồn tới Bà cố, Thím và tất cả gia đình. Trước tin này mong Cố bà, Thím và gia đình bớt buồn thương để khỏi ảnh hưởng tới sức khỏe.
Chào thân ái
Hồ Chí Minh
Được tin Hồ Mỹ Xuyên hy sinh, bà Nguyễn Thị Chanh vô cùng đau khổ. Bà kết duyên cùng Hồ Mỹ Xuyên ở tuổi 18. Lúc ông Xuyên mất để lại cho bà ba đứa con thơ: Con cả là Hồ Anh Dũng 8 tuổi sau này từng giữ chức Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam. Con thứ Hồ Ngọc Hải 4 tuổi, sau này từng giữ chức Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và con út Hồ Đức Việt chưa đầy 1 tuổi, sau này từng giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Liệt sĩ Hồ Mỹ Xuyên ngã xuống trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, nhưng ông đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong các bạn bè cán bộ, nhân dân như một thanh niên tài hoa, một nhà thơ nghĩa khí, một cán bộ cách mạng xuất sắc.
Nguồn : qdnd.vn