Mười cô gái dân quân Lam Hạ ngày ấy
Đại tá, TS Nguyễn Thành Hữu
Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, cùng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường, có sự tham gia của dân quân du kích, lực lượng hùng hậu, to lớn không thể thiếu được ở các địa phương trong cuộc chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Một trong những địa phương có phong trào dân quân du kích tiêu biểu và có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là dân quân xã Lam Hạ thuộc thành phố Phủ Lý tỉnh Hà Nam.
Dải đất nhỏ Lam Hạ nằm uốn mình bên dòng Châu Giang thơ mộng. Khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, nơi đây trở thành trọng điểm giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam. Nhất là từ tháng 10 năm 1966 đến hết năm 1967, tại đây đã diễn ra những trận đánh trả quyết liệt máy bay Mỹ bảo vệ trọng điểm giao thông Phủ Lý và các vùng phụ cận. Trong những ngày chiến đấu căng thẳng và ác liệt ấy, các đơn vị phòng không đứng chân trên đất Lam Hạ đã cùng lực lượng dân quân của xã kiên cường đánh trả, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bảo vệ vững chắc huyết mạch giao thông này. Và, trong những trận chiến đấu đó, nhiều nam nữ dân quân của xã đã anh dũng hy sinh, trong đó có 10 nữ dân quân, mà giờ đây tên tuổi của họ đã trở thành niềm tự hào, là 10 cô gái “Ngã Ba Đồng Lộc của Hà Nam”…
Nghĩa trang liệt sĩ Lam Hạ
Có thể coi trận đánh máy bay Mỹ ngày 1 tháng 10 năm 1966 là trận hiệp đồng chiến đấu oanh liệt, tiêu biểu nhất của nam nữ dân quân xã với Đại đội 1, Tiểu đoàn 6 pháo phòng không 37 mm thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nam Hà. Dưới sự chỉ huy của các đồng chí: Nguyễn Đức Trọng – Chính trị viên phó huyện đội Duy Tiên; Đặng Bảng Nhãn – Bí thư đảng uỷ, chính trị viên xã đội; Trương Đình Bắc – Thường vụ đảng uỷ, chính trị viên lực lượng dân quân xã Lam Hạ…, dân quân thôn Đình Tràng đã hiệp đồng chặt chẽ với đại đội cao xạ do đồng chí Nguyễn Cầm, Đại đội trưởng chỉ huy, nổ súng kịp thời và quyết liệt, cản phá nhiều tốp máy bay cường kích của địch, khiến cho hầu hết bom đạn của chúng ném trượt khỏi mục tiêu.
Không phá được cầu, địch quay sang tập kích huỷ diệt trận địa pháo cao xạ đặt cách cầu khoảng 300 mét. Ngay loạt bom bi và rốc-két đầu tiên, gần như cả trung đội 1 dân quân bố trí trên đê mất sức chiến đấu, 10 cán bộ và chiến sĩ (trong đó có 6 nữ pháo thủ dân quân là Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương) bị thương vong…
Nguyễn Thị Thi khi hy sinh mới qua tuổi trăng rằm, cái tuổi 16 chưa kịp để lại dù chỉ một tấm hình. Được biết, khi tham gia dân quân chiến đấu và hy sinh, chị mới xuất đội được mấy ngày. Những người cùng chiến đấu kể lại rằng khi anh trai mình là Nguyễn Văn Thái, xạ thủ trung liên lao vào cõng ra khỏi trận địa lúc đã bị thương nặng, Thi đã gắng nói với anh: – là xạ thủ chính, anh phải về ngay vị trí chiến đấu, để người khác cõng em ra cũng được… Chiều ấy, do vết thương qúa nặng, Nguyễn Thị Thi đã ra đi ở tuổi 16. Và, cô giáo – y tá Vũ Thị Phương, mặc dù bị thương nặng vẫn nén đau, dấu mọi người để tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi bị ngất trên cáng tải thương… và sau đó đã vĩnh viễn ra đi, để lại cho mọi người và những học sinh thân yêu của mình những hình ảnh sâu đậm chẳng thể nào quên được…
Ngày 9 tháng 10 năm 1966, tức là 8 ngày sau trận chiến đấu trước, trên các trận địa phòng không bảo vệ hướng bắc cầu Phủ Lý bố trí trên địa bàn xã Lam Hạ lại diễn ra trận đọ sức quyết liệt với không quân Mỹ. Tại trận địa phòng không đặt tại thôn Đường Ấm, đại đội pháo 57mm của Trung đoàn 233; các đơn vị súng máy cao xạ 12,7mm của dân quân đã tập trung hoả lực, chiến đấu dũng cảm, cản phá có hiệu quả nhiều tốp máy bay địch khiến hầu hết bom đạn của chúng rơi xuống lòng sông. Địch lại giở thủ đoạn vừa bắn phá mục tiêu, vừa tập kích áp chế hoả lực phòng không của ta – trọng tâm là trận địa pháo của Trung đoàn 233 đặt tại thôn Đường Ấm. Ngay loạt bom đầu tiên, một số pháo thủ của đơn vị và 5 dân quân thôn Đường Ấm, trong đó có ba nữ pháo thủ là Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh hy sinh.
Gần một năm sau, ngày 7 tháng 7 năm 1967, tại trận địa pháo đặt tại thôn Hoà Lạc, trong trận đánh trả máy bay Mỹ đến phá cầu, nữ dân quân Đặng Thị Chung đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh cùng hơn chục pháo thủ khác.
Trải qua hàng trăm trận chiến đấu với máy bay Mỹ, từ năm 1965 đến năm 1972, nhiều dân quân, trong đó có mười nữ pháo thủ dân quân xã Lam Hạ đã anh dũng hy sinh.
Viếng thăm liệt sĩ tại nghĩa trang của xã, mọi người không khỏi xúc động. Trên đất nước này có rất nhiều nghĩa trang liệt sĩ, nhưng ít và hiếm thấy một nghĩa trang nào lại có sự trùng hợp kì lạ như ở nghĩa trang này. Mười nữ pháo thủ dân quân quần tụ tại nghĩa trang cùng hơn một trăm liệt sĩ từ nhiều miền Tổ quốc được đưa về. Mỗi con người có một cuộc đời, một số phận riêng. Đây là phần mộ liệt sĩ Nguyễn Thị Thu, đằng sau là liệt sĩ Nguyễn Thị Thi. Vâng, đó là hai chị em ruột, hai người con gái thân yêu của cụ Nguyễn Văn Bằng đều hy sinh trong trận chiến đấu sáng ngày 1 tháng 10 năm 1966. Đây là hai anh em liệt sĩ Ngô Trọng Ngải, dân quân, hy sinh trong chống Pháp và Ngô Đình Quỳ – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hy sinh vì sự nghiệp quốc tế trên đất Bạn. Hai anh nằm ở hai bên của kỳ đài, khoảng cách giữa hai cuộc kháng chiến. Đây là liệt sĩ dân quân Nguyễn Thị Oánh- hy sinh ngày 9 tháng 10 năm 1966. Cách đó một hàng là liệt sĩ Lê Văn Chắc- chồng của chị, hy sinh ngày 7 tháng 7 năm 1967. Và ở hàng bia mộ bên này là liệt sĩ dân quân Nguyễn Văn Hợi, hy sinh ngày 9 tháng 10 năm 1966 bên kia là phần mộ mẹ của anh là liệt sĩ du kích Lại Thị Chắt- Mẹ đã hy sinh những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bà Lại Thị Chắt được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng vì có duy nhất một đứa con trai đã hy sinh vì Tổ quốc…Trong nghĩa trang còn có liệt sĩ Đặng Văn Hoà hy sinh trên chiến trường Trị – Thiên bên cạnh người chị thân yêu của mình là liệt sĩ dân quân Đặng Thị Chung.
Như vậy là trong nghĩa trang có đủ cả các thành phần: hai mẹ con, hai chị em gái, hai anh em trai, hai vợ chồng và hai chị em một trai một gái đều là liệt sĩ…
Có dịp trở về Lam Hạ thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ, được biết Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đại đội nữ dân quân pháo phòng không xã Lam Hạ và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Nguyễn Thị Thi. Tại trận địa phòng không thôn Đình Tràng, nơi diễn ra trận chiến đấu quyết liệt với không quân Mỹ ngày 1 tháng 10 năm 1966, tỉnh Hà Nam đã xây dựng Khu tâm linh và Đền thờ tưởng niệm 10 cô gái dân quân Lam Hạ với quy mô tương đối lớn. Cuối năm 2011, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tham gia lễ cầu siêu cho 13.700 liệt sĩ của tỉnh Hà Nam tại khu tâm linh này. Năm 2012,Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã về đây dâng hương, viếng các liệt sĩ, trồng cây lưu niệm tại Khu tâm linh và Đền thờ tưởng niệm 10 cô gái dân quân xã Lam Hạ.
Ở nghĩa trang của xã Lam Hạ đã hội tụ sự hy sinh vô bờ bến của quân và dân Lam Hạ nói riêng, của cả dân tộc ta qua mấy mươi năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc nói chung… Sự hội tụ không ai mong muốn nhưng thật linh thiêng vô cùng. Máu của các chị các anh đã thấm vào lòng đất mẹ để ghi tạc lên dáng hình quê hương đang thay da đổi thịt trong công cuộc đổi mới và dựng xây cuộc sống no ấm. Trên các trận địa pháo phòng không bên bờ sông Châu năm xưa, hôm nay ngô lúa đã lên xanh ngút ngàn. Những người con của mảnh đất Lam Hạ kiên cường, anh dũng luôn thầm nhắc và tự hứa với chính mình phải làm hết sức để không phụ sự hy sinh của các chị, các anh một thời làm nên những huyền thoại trong lòng quê hương và đất nước.
Những nữ dân quân đại đội pháo phòng không Lam Hạ năm xưa
Cứ đến tháng 10 hàng năm, chính quyền, nhân dân và bè bạn của các nam nữ dân quân xã Lam Hạ lại tổ chức giỗ trận để tưởng nhớ, tri ân đồng đội của mình, trong đó có 10 nữ dân quân đã hy sinh trong những ngày tháng 10 lịch sử ấy.